Trong nước

Chính phủ không cấp thêm vốn cho các dự án yếu kém của Bộ Công Thương

Ngày 26-2, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp quan trọng về xử lý 12 doanh nghiệp yếu kém của ngành công thương.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, trong xử lý 12 dự án yếu kém của Bộ Công Thương có 2 mục tiêu rõ ràng: “Thứ nhất, sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để chấm dứt tình trạng thua lỗ, khắc phục tối đa thiệt hại. Thứ hai là xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác đối với từng dự án, từng doanh nghiệp”.

Theo Phó Thủ tướng, đối với những dự án yếu kém không thể phục hồi được chúng ta phải xử lý, những dự án nào có khả năng phục hồi thì sẽ phục hồi với khả năng cao nhất. Việc xử lý 12 doanh nghiệp yếu kém của ngành công thương hướng tới mục tiêu cuối cùng và quan trọng là đánh giá về những chuyển biến bước đầu đối với từng dự án, từng doanh nghiệp.

Thực tế, đã có những ý kiến cho rằng nên đưa ra khỏi danh sách yếu kém đối với những dự án doanh nghiệp đã có chuyển biến tích cực và bắt đầu có lãi, đơn cử như Nhà máy đạm Ninh Bình, Hà Bắc từ tình trạng đắp chiếu nay đã vận hành được 80% công suất...

Theo Phó Thủ tướng, quan điểm của Ban chỉ đạo là nếu hoàn thành các mục tiêu thì cho ra khỏi danh sách chứ không giữ làm gì. Hiện nay, khó khăn của các dự án, doanh nghiệp là giải quyết vướng mắc trong tranh chấp hợp đồng EPC vì phần lớn liên quan đến yếu tố nước ngoài, nhà thầu nước ngoài và khó khăn về tài chính.

“Các đơn vị phải cho biết việc giải quyết đến đâu, định hướng tới đây như thế nào, nếu 2 bên không giải quyết được thì phải có bên thứ 3, như Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ đã thống nhất đưa ra trọng tài quốc tế. Đối với khó khăn về mặt tài chính, Chính phủ kiên quyết không cấp thêm đồng xu nào cho các dự án, doanh nghiệp này, phải xử lý theo nguyên tắc thị trường” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị tham dự đánh giá việc tổ chức triển khai và kết quả đạt được từ việc thực hiện Đề án 1468 của Ban Chỉ đạo xử lý 12 dự án yếu kém ngành công thương trong năm 2017.

Theo Quyết định 1468, lộ trình xử lý có 3 mốc cụ thể: Năm 2017 - Hoàn thành toàn bộ phương án xử lý đối với từng dự án, từng doanh nghiệp, cũng như kế hoạch, phương án chi tiết để tổ chức triển khai quyết liệt. Năm 2018 - mục tiêu Chính phủ đặt ra là xử lý căn bản những yếu kém của các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Đến năm 2020 hoàn thành việc xử lý yếu kém đối với các doanh nghiệp của ngành công thương.

Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương - cho biết, kết thúc năm 2017 đã hoàn thành phê duyệt phương án xử lý đối với từng dự án, doanh nghiệp và xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức triển khai thực hiện.

Trong đó, đối với 12 nhiệm vụ được giao trong năm 2017 thì đã hoàn thành 7/12 nhiệm vụ, 4/12 nhiệm vụ chưa hoàn thành và 1/12 nhiệm vụ chưa có kết quả báo cáo từ đơn vị. Đối với 25 nhiệm vụ được giao từ năm 2017 - 2018, đã hoàn thành 4/25 nhiệm vụ, 21 nhiệm vụ còn lại vẫn đang được tiếp tục triển khai.

Tác giả: Phan Đức

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP