Trong nước

Chính phủ đề xuất lập 4 thành phố “cửa ngõ” trực thuộc TPHCM

Chiều 3/11, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Vấn đề nhận nhiều chú ý nhất là mô hình chính quyền đô thị với đề xuất cho lập 4 thành phố “cửa ngõ” thuộc TPHCM…

Cụ thể, về quy định đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt trong Dự án Luật, Chính phủ xây dựng 2 phương án. Phương án 1, các quy định về đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt điều chỉnh. Phương án 2, Dự án Luật quy định các nội dung mang tính nguyên tắc về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, điều kiện, trình tự thủ tục thành lập, giải thể và các nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt để làm cơ sở cho việc ban hành Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình lý giải, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt chưa có tiền lệ ở nước ta và ở các nước cũng không có “đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt” mà chỉ có “đặc khu hành chính” hoặc “đặc khu kinh tế”. Do vậy, vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để trình Quốc hội xem xét, quy định cụ thể trong Dự án Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII có xây dựng Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt).

Theo đó, Chính phủ đề nghị thực hiện Phương án 1.
Một cửa ngõ dẫn vào Sài Gòn.
Một cửa ngõ dẫn vào Sài Gòn.

Về tên gọi ‘‘đơn vị hành chính tương đương’’ thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Do khoản 1 Điều 110 Hiến pháp năm 2013 có quy định: ‘‘thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương’’. Hiện nay, còn có ý kiến khác nhau về xác định tên gọi của ‘‘đơn vị hành chính tương đương’’, có ý kiến đề nghị tên gọi là ‘‘thành phố’’ thuộc thành phố trực thuộc trung ương, ý kiến khác đề nghị tên gọi là ‘‘Khu đô thị’’ hoặc ‘‘Khu phố’’. Từ những ý kiến nêu trên, Chính phủ xây dựng 2 Phương án. Phương án 1, quy định ‘‘đơn vị hành chính tương đương’’ là ‘‘thành phố’’. Phương án 2, dự án Luật chưa quy định tên gọi của ‘‘đơn vị hành chính tương đương’’. Khi UBND Thành phố trực thuộc Trung ương có đề nghị, Chính phủ sẽ trình Quốc hội (hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội) quy định tên gọi cụ thể. Chính phủ cho rằng, tên gọi ‘‘thành phố’’ (thành phố trong thành phố) chưa có trong tiền lệ ở nước ta, việc đề xuất tên gọi này là căn cứ vào Đề án chính quyền đô thị của TPHCM đã trình Bộ Chính trị.

Theo Đề án này thì 4 khu vực (cửa ngõ) của TPHCM đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, đòi hỏi phải được tăng cường phân cấp trong quản lý nên kiến nghị cho thành lập 4 thành phố Đông – Tây – Nam – Bắc (trên cơ sở 6 quận là quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân; 2 huyện Nhà Bè, Hóc Môn và một phần quận 8, một phần huyện Bình Chánh).

Về mô hình tổ chức và hoạt động của 4 thành phố này cơ bản như thành phố thuộc tỉnh (do chưa đô thị hóa 100% như quận nên vẫn được phân chia thành phường, xã).

Theo đó, Chính phủ đề nghị thực hiện Phương án 1.

Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, cơ quan soạn thảo luật cũng xây dựng 2 phương án. Phương án 1, ở quận- phường không tổ chức HĐND (chức năng đại diện, giám sát, quyết định các vấn đề ở địa phương do HĐND thành phố, thị xã đảm nhiệm).

Phương án 2, ở quận, phường vẫn tổ chức HĐND (HĐND quận, phường ngoài việc thực hiện chức năng đại diện và chức năng giám sát; chức năng quyết định tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ là: thông qua ngân sách quận, phường theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; bầu nhân sự của HĐND, UBND cùng cấp; và thông qua Đề án thay đổi đơn vị hành chính ở quận, phường). Mỗi phương án đều có ưu, nhược điểm, trong đó Chính phủ đề nghị thực hiện Phương án 1.
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình trình luật Tổ chức chính quyền địa phương trước Quốc hội.
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình trình luật Tổ chức chính quyền địa phương trước Quốc hội.

Thẩm tra các nội dung này, UB pháp luật của Quốc hội cho rằng, theo quy định của Hiến pháp thì đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt cũng là một loại đơn vị hành chính của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Vì vậy, một số vấn đề có tính nguyên tắc về đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt như điều kiện, trình tự thành lập, giải thể, mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại các đơn vị này,… cần được quy định trong Luật tổ chức chính quyền địa phương để bảo đảo tính thống nhất. Còn những nội dung đặc thù về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động cũng như các chính sách ưu đãi đối với các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt thì sẽ do Quốc hội quyết định khi thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đó.

Về việc xác định tên gọi của một số đơn vị hành chính, nhiều ý kiến trong Ủy ban pháp luật cho rằng, nếu gọi là “thành phố” như phương án 1 sẽ tạo ra “thành phố trong thành phố”, có thể dẫn đến nhiều cách hiểu thiếu thống nhất trong thực tiễn. Tuy nhiên, nếu Luật này không quy định tên gọi của “đơn vị hành chính tương đương” mà giao Chính phủ trình Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định như phương án 2 thì sẽ không cụ thể hóa được quy định của Hiến pháp. Đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban pháp luật tán thành với việc trước mắt trình 2 phương án như dự thảo Luật để xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, UB Pháp luật nhận định, mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề hệ trọng của quốc gia, nên phải được Quốc hội thảo luận, cân nhắc thận trọng trên cơ sở tổng kết việc thực hiện chủ trương của Đảng thí điểm một số nội dung về tổ chức chính quyền đô thị và kết quả tổng kết thực hiện Nghị quyết 26 của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương. Do vậy, Ủy ban pháp luật tán thành việc trình Quốc hội 2 phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương như trong Tờ trình của Chính phủ nhưng đề nghị cần nêu rõ ưu, nhược điểm của từng phương án… cũng như phải làm rõ thêm nhiều vấn đề.

P.Thảo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP