Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc vào sáng 12/8 và kéo dài hết ngày 16/8 để xem xét, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng.
Đặc biệt lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chất vấn việc thực hiện các Nghị quyết về giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018 và tổ chức chất vấn, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Theo Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, lần này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ không chọn bộ trưởng, trưởng ngành cụ thể nào để chất vấn mà sẽ chất vấn những vấn đề giám sát từ đầu nhiệm kỳ. Câu hỏi chất vấn liên quan đến bộ trưởng, trưởng ngành nào thì người đó sẽ trả lời.
Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Công an trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Minh Quân. |
Nội dung này sẽ diễn ra trong ngày 15/8 và được truyền hình trực tiếp.
Sau khi nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trình bày Báo cáo tóm tắt tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tóm tắt tổng hợp thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018 đối với 15 bộ trưởng, trưởng ngành.
Danh sách các "tư lệnh ngành" gồm bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Thông tin và Truyền thông; Tư pháp; Công an; Xây dựng; Khoa học và Công nghệ; Lao động, Thương binh và Xã hội; Tài chính; Công thương; Giao thông Vận tải; Ủy ban Dân tộc; Chánh án TAND tối cao; Viện trưởng VKSND tối cao; Tổng Kiểm toán nhà nước.
Cuối cùng, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Ngoài nội dung quan trọng này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của năm dự án luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Chứng khoán (sửa đổi), Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Thư viện; và xem xét dự thảo nghị quyết giải thích một số điều của Luật Quy hoạch.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018”; cho ý kiến về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (vốn ngoài nước) cho 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Tác giả: Hoài Thu
Nguồn tin: zing.vn