Doanh Nghiệp Hà Tĩnh

“Chắp cánh” cho người đi trẩy hội chùa Hương Tích

Cứ mỗi độ xuân về, người Việt Nam chúng ta lại nô nức đi lễ chùa. Trẩy hội chùa đầu xuân đã trở thành nét đẹp trong truyền thống văn hóa tâm linh của người Việt. Mỗi năm, chùa Hương Tích (xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) đón hàng vạn lượt khách thập phương về lễ chùa. Đây là dịp để họ được đứng trên chốn “bồng lai tiên cảnh” cầu nguyện sự an lành, may mắn cho một năm mới. Từ năm 2012, du khách đến chùa Hương Tích tăng lên rất nhiều lần, đó là nhờ có sự “chắp cánh” của Công ty cổ phần đầu tư phát triển và du lịch Hồng Lĩnh (HIDT) bằng việc đầu tư xây dựng hệ thống cabin cáp treo để chở khách vượt núi lên chùa.

Chùa Hương Tích nằm ở phía Nam núi Hồng Lĩnh, chùa được xây dựng ở độ cao 650m so với mực nước biển, trên một trong những ngọn núi đẹp nhất của dãy núi Hồng Lĩnh.

Chùa Hương Tích từ xưa đã đưa đến cho mọi người những giây phút tĩnh tâm, hướng về cõi siêu linh, tịnh độ. Vì vậy, đây là nơi tự hấp dẫn, thu hút du khách đến với cõi Phật.

Chùa Hương Tích nằm ở phía Nam núi Hồng Lĩnh, chùa được xây dựng ở độ cao 650m so với mực nước biển, trên một trong những ngọn núi đẹp nhất của dãy núi Hồng Lĩnh.

Để lên được chùa Hương Tích, du khách tập phương có hai sự lựa chọn: Một là đi bộ suốt hơn 5 km đường rừng, leo dốc cao và băng qua nhiều con suối để lên đến chính điện. Hai là đi thuyền trên đập Nhà Đường (khoảng 2 km) ngắm nhìn cảnh suối nước thơ mộng đẹp như trong tranh vẽ đến cổng chùa, sau đó đi bộ 1km lên đến đến suối Hương Tuyền, rồi đi cáp treo lên chùa.

Càng lên cao, du khách càng bị cuốn hút bởi cảnh đẹp thiên nhiên sơn thủy hữu tình.

Khi đi bộ lên chùa, du khách sẽ có thời gian để tĩnh tâm, tịnh độ bản thân. Thuy nhiên, với những người có sức khỏe yếu hay trẻ nhỏ thì đây là cả một chặng đường rất gian nan.

Hệ thống cabin cáp treo đưa du khách vượt qua  núi, ở trên cao ngắm nhìn phong cảnh hùng vĩ.

Từ đầu năm 2012, sau ba năm xây dựng, Công ty cổ phần đầu tư  phát triển và du lịch Hồng Lĩnh đã đưa vào sử dụng hệ thống cabin cáp treo, phục vụ du khách lên chùa ở chặng đường cuối cùng có dốc cao nhất, gần 1km.

Từ khi có hệ thống cáp treo, lượng du khách thập phương đến chùa Hương Tích tăng lên rất lớn. Đó là cơ hội để nghành du lịch Hà Tĩnh phát triển hơn về du lịch văn hóa – tâm linh, cũng là sự thành công của Công ty cổ phần đầu tư  phát triển và du lịch Hồng Lĩnh.

Đối với du khách đi chùa thì như là được chắp thêm đôi cánh để bay qua chặng đường gian nan, và được trải nghiệm cảm giác ngắm cảnh từ trên cao.

Theo ông Đỗ Trọng Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư  phát triển và du lịch Hồng Lĩnh, từ khi đưa hệ thống cáp treo vào sử dụng, bình quân mối năm có khoảng 15 vạn du khách lên chùa Hương Tích, gấp hai lần so với khi chưa có cáp treo.

Nhà ga điểm đầu tuyến cáp treo.

Trong khi dẫn chúng tôi đi trải nghiệm cáp treo chùa Hương Tích nhân chuyến vãn cảnh đầu xuân, ông Đỗ Trọng Khoa cho biết: Hệ thống cáp treo Chùa Hương Tích có 02 nhà ga, ga đi đặt cạnh khu vực Miếu Cô, ga đến nằm sát ngay chùa, toàn tuyến cáp treo dài  gần 1000m với 11 cột trụ và 25 cabin (loại OMEGA IV của Thụy Sỹ), mỗi cabin có sức chứa 8 người. Đây là hệ thống thiết bị đồng bộ của hãng Doppelmayr (Cộng hòa Áo), đạt tiêu chuẩn ISO – 9001 của châu Âu, là loại hiện đại nhất hiện nay. Thời gian một lượt đi từ Miếu Cô đến chùa Hương Tích và ngược lại khoảng 4 phút.

“Mất 3 năm và gần 150 tỷ đồng mới hoàn thành được hệ thống cáp treo này. Cũng bởi địa hình ở đây rất phức tạp, khó khăn cho việc thi công ngay từ đầu. Bên cạnh đó, thời tiết cũng là một trở ngại lớn đối với chúng tôi. Về mùa mưa, các con suối dâng nước và chạy xiết, việc xây dựng đành phải tạm dừng. Nhưng chúng tôi có được sự ủng hộ của chính quyền địa phương; các cấp, nghành và cơ quan liên quan luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để chúng tôi xây dựng hệ thống cáp treo này”, ông Khoa chia sẻ.

Ông Đỗ Trọng Khoa (áo trắng) – Chủ tịch hội đồng quản trị và ông Đỗ Trọng Khuyến (áo tím) – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư  phát triển và du lịch Hồng Lĩnh giới thiệu với PV về hệ thống cáp treo hiện đại hàng đầu thế giới đang được vận hành tại chùa Hương Tích.

Có trải nghiệm thì du khách mới biết được giá trị thiết thực của hệ thống cáp treo chùa Hương Tích. Lợi ích đầu tiên mà cáp treo đem lại là tiết kiệm được công sức, đảm bảo sức khỏe cho du khách khi không phải trèo dốc cao để lên chùa. Thứ hai là khi đi cáp treo, du khách có được 4 phút ở trên bầu trời thỏa sức ngắm nhìn bao quát toàn cảnh núi non hùng vĩ, thơ mộng và hữu tình.

Anh Trần Việt (quê ở Thừa Thiên Huế) chia sẻ với PV khi vừa hoàn thành chuyến vãn cảnh và đi lễ chùa: “Thật may mắn khi có hệ thống cáp treo này. Bố tôi hơn 70 tuổi rồi và bao năm nay có mong ước được đi chùa Hương Tích một chuyến, nhưng vì cụ bị bệnh nên sức khỏe không tốt, không đủ sức để leo núi, nên ước mong của cụ đành gác lại. Năm nay thấy sức khỏe của cụ có ổn định hơn nên tôi đưa cụ đi, vì biết ở đây đã có cáp treo đưa khách lên chùa. Thậy là tiện lợi và khỏe khoắn. Tôi rất vui vì đã hoàn thành được tâm nguyện của bố”.

Từ khi có cáp treo, sự gian nan đối với du khách khi lên chùa Hương Tích không còn nữa, thay vào đó là sự trải nghiệm đầy thú vị khi được bay trên núi cao.

Còn chị Hường (quê ở Thanh Hóa) thì hồ hởi nói: “Mấy năm trước cả gia đình tôi muốn đi chùa Hương Tích nhưng vì hai đứa con còn nhỏ nên ngại không đi được. Năm nay hai con đã lớn hơn, đường đi chùa đã có cáp treo nên sắp xếp được thời gian cho cả gia đình du xuân một chuyến. Thật lòng là nếu không có cáp treo thì tôi không dám đi vì sợ con nhỏ không leo núi được”.

Kết thúc cuộc trò chuyện, ông Đỗ Trọng Khoa tươi cười nói: “Chúng tôi rất phấn khởi vì thấy được sự hài lòng của du khách khi đi cáp treo. Chúng tôi tin tưởng với chất lượng thiết bị, trình độ vận hành và duy tu bảo dưỡng của chúng tôi sẽ luôn đem lại sự hài lòng cho khách. Đây cũng là cơ cở để chúng tôi có thể đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực du lịch ở Hà Tĩnh cũng như nơi khác”.

Quang Cường – Linh Hằng/VTOTO

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP