Nhân ái

Chàng trai khuyết tật vượt lên số phận

Bị liệt cả tay chân, nhưng bằng nghị lực và khổ luyện phi thường, anh Phạm Sỹ Long (35 tuổi, ở thôn Hợp Thuận, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) đã dùng miệng ngậm bút viết sách, viết thơ, vẽ tranh truyền cảm hứng. Anh còn tự nguyện đăng ký hiến tạng cho y học, với tâm nguyện sẽ giúp ích được cho nhiều người khác.

Không đầu hàng số phận

Về thôn Hợp Thuận, chúng tôi nghe nhiều người dân kể về nghị lực phi thường, vượt lên số phận của chàng trai khuyết tật Phạm Sỹ Long. Trong ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ, anh Long ngồi xe lăn, tay chân bị liệt, co rút; miệng anh ngậm cây bút khoảng 40cm viết hồi ký lên máy tính bảng được đặt trên bàn tự chế; những lúc mệt mỏi, anh dừng viết và nhờ người thân lau mồ hôi ướt đẫm trên người.

Sinh ra trong một gia đình có 5 chị em, Long là con trai duy nhất và cũng là niềm hy vọng của gia đình. Thế nhưng, tháng 9-2003, khi trèo cây phi lao, Long bị ngã gãy giập 2 đốt sống xương cổ. Vụ tai nạn khiến Long từ một người năng động, chuẩn bị vào học lớp 10 với nhiều ước mơ, hoài bão phải gắn cuộc đời với giường và xe lăn. Chân tay của anh bị liệt, phải nằm một chỗ, mọi thứ phụ thuộc người thân giúp đỡ, từ ăn uống, vệ sinh, tắm giặt đến mặc quần áo, cầm nắm… “Gần 4 năm sau tai nạn, tôi đau đớn, hụt hẫng, khủng hoảng tinh thần, tâm lý bị kích động hay cáu gắt, la mắng người thân chăm sóc mình. Hầu như ngày nào tôi cũng khóc, mất ngủ, sức khỏe lao dốc, tôi xem tivi để giết thời gian. Nhiều lần tôi đã nghĩ đến buông xuôi và muốn kết thúc cuộc đời mình”, anh Long trải lòng.

Anh cho biết, khổ nhất thời điểm đó là vết thương ở đầu, mông, chân, bụng bị lở loét nên phải mất 3-4 năm điều trị mới tạm lành. Hiện nay, anh chủ yếu nằm trên giường, cứ sau 2 ngày thì người thân bế lên ngồi xe lăn, 2-3 tiếng lại bế xuống nằm giường. Năm 2012, bố của anh bị bệnh qua đời, từ đó mẹ anh là bà Trần Thị Hà (65 tuổi) luôn ở bên cạnh chăm sóc anh như hình với bóng.

Anh Long tâm niệm chấp nhận số phận nhưng không đầu hàng số phận. Ban đầu, để giải tỏa tâm lý, anh tự hát, tự cười nói, tự kể chuyện và tưởng tượng có người đang trò chuyện với mình. Thấy anh có biểu hiện lạ, gia đình nghĩ anh bị khùng. Rồi anh quyết tâm phải làm một việc gì đó có ý nghĩa. Hè năm 2007, anh dùng miệng tập ngậm bút bi viết chữ. Lúc nghe anh nói ý định này, gia đình không tin, nghĩ anh đùa. Anh nhờ mẹ lấy tập ô ly treo lên bàn gỗ đặt trên xe lăn và buộc bên ghế cạnh giường, ngậm bút bi vào miệng tập viết chữ, lúc đầu do chưa quen nên các nét chữ nguệch ngoạc, tràn ra 2-3 ô, không thẳng hàng và cũng không đọc được.

Quyết không bỏ cuộc, sau nhiều tháng khổ luyện ngậm bút tập viết đi viết lại hàng ngàn lần, kết quả nét chữ đã nằm gọn trong ô, thẳng hàng hơn. Anh viết những nét chữ đầu tiên là họ tên mình, tên người thân, bài thơ, bài hát. Dần dần, ngoài ngậm bút vào miệng viết chữ, anh còn vẽ, tô màu tranh. Sau này, khi có điện thoại cảm ứng và máy tính bảng, anh nhờ người thân làm thêm bút tự chế rồi ngậm vào miệng viết, vẽ, tô màu, điều chỉnh... Đến nay, mọi thao tác anh đã cơ bản thuần thục. Hàm răng của anh Long vốn đều nhưng do dùng miệng ngậm bút viết, vẽ, tô màu khiến răng bị bào mòn, khớp miệng bị lệch, đau nhức, ê buốt, người thân phải nấu cháo loãng cho anh uống cả tháng trời. Ngoài ra, do mặt áp sát tập vở, điện thoại, máy tính bảng nên mắt của anh bị mờ, đầu hay choáng váng. Thấy con cực khổ, mẹ nhiều lần la rầy, yêu cầu anh ngừng viết để bảo vệ răng miệng nhưng được ít hôm là anh lại tiếp tục.

Anh Long nhẩm tính, đến nay anh đã sáng tác khoảng 370 bài thơ, trong đó đã xuất bản tập thơ “Miền khát vọng” (32 bài thơ, in 500 cuốn); viết và đã xuất bản truyện dài “Không chỉ là giấc mơ” (118 trang); viết “Hồi ký đời tôi” đã được hơn 800 trang nhưng chưa xuất bản; cùng một số truyện ngắn, truyện dài về chủ đề tình yêu, bản thân, gia đình, trường lớp, quê hương, đất nước. Ngoài ra, anh đã vẽ và tô màu trên 70 bức tranh. Số tiền có được từ bán tập thơ, sách, anh trích một phần trao tặng các suất quà cho trẻ em nghèo học giỏi trên địa bàn. Một số bạn bè, mạnh thường quân và một nhà xuất bản ở Nghệ An đã hỗ trợ anh xuất bản sách, thơ.

Truyền cảm hứng tích cực

Hè năm 2021, anh Long tham gia cuộc thi “Ký ức tuổi học trò” trên mạng xã hội và đoạt giải nhất. Từ cuộc thi này, nhiều người trong và ngoài nước biết đến anh, anh được mời tham gia “Cộng đồng học tập” trên mạng. Thông qua mạng xã hội, anh đăng ký tham gia nhiều khóa học online và được cấp chứng chỉ về đào tạo kỹ năng giọng nói, giao tiếp, diễn giả, dẫn chương trình, tiếng Anh… Thấy anh chịu khó, ham học, nhiều trung tâm đào tạo đã cấp học bổng, tiếp sức để anh theo đuổi đam mê.


Tháng 12-2021, anh mở lớp học online “Thức tỉnh giọng nói bên trong bạn”, nhằm tạo môi trường cho người khuyết tật về giọng nói (nói ngọng, nói lắp, thiếu tự tin...) giao lưu, học hỏi, luyện kỹ năng nói, giao tiếp, thuyết trình. Đến nay, lớp đã mở được 10 khóa với khoảng 120 học viên là học sinh, giáo viên, nông dân, công nhân, nội trợ... trên cả nước đăng ký tham gia. 3 khóa đầu hoàn toàn miễn phí, các khóa sau, anh miễn phí cho học viên khuyết tật hoàn cảnh khó khăn. Tháng 7 vừa qua, anh tiếp tục mở thêm khóa 11.

Ngoài các lớp học online, hiện anh Long đang tập trung cho truyện dài “Chàng David Long phiêu lưu ký” và đã viết khoảng 140 trang. Anh phấn đấu cuối năm 2023 sẽ hoàn thành để năm 2024 xuất bản. “Cuốn sách này sau khi được xuất bản sẽ lan tỏa lối sống đẹp, truyền cảm hứng tích cực đến cộng đồng. Đồng thời tiếp thêm hy vọng, nghị lực sống, đặc biệt cho những người khuyết tật có tâm lý tự ti, giúp họ vượt lên số phận, tự tin vào cuộc sống”, anh Long chia sẻ. Năm 2016, anh Long đã chủ động viết đơn đăng ký tự nguyện hiến tạng sau khi mất cho y học. Anh Long tâm nguyện, tạng được hiến sẽ góp phần giúp nhiều người khác được sống và làm được nhiều việc có ích cho xã hội.

Bí thư Huyện đoàn Nghi Xuân Nguyễn Thị Hồng Minh cho biết, anh Phạm Sỹ Long là thanh niên khuyết tật nặng nhưng luôn có tinh thần lạc quan, nghị lực, không đầu hàng số phận; là người nhiệt huyết, truyền cảm hứng cho các bạn trẻ trên địa bàn. Huyện đoàn Nghi Xuân đang lên kế hoạch thành lập câu lạc bộ “Thanh niên khuyết tật”, dự kiến ra mắt tháng 10-2023 và mời anh Long làm chủ nhiệm câu lạc bộ. Thông qua anh Long, câu lạc bộ sẽ tập hợp, hỗ trợ, giúp đỡ tất cả thanh niên khuyết tật trên địa bàn.

Ngày 29-6-2016, Đảng ủy xã Xuân Phổ (huyện Nghi Xuân) tặng giấy chứng nhận cho anh Phạm Sỹ Long vì đã có thành tích xuất sắc trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” giai đoạn 2011-2015. Anh được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao tặng bằng khen gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, được vinh danh trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” và bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” năm 2022…

Nguồn tin: Báo SGGP

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP