|
Có lẽ, ít ai phải chịu những nỗi đau giống như Nguyễn Thanh T. Mới 13 tuổi, T đã phải chịu cảnh mồ côi cha, bị mọi người kì thị, xa lánh. Còn người mẹ của T cũng vì thế, hằng ngày chỉ biết quanh quẩn trong nhà, không dám ra ngoài.
Ngôi nhà nhỏ của T nằm sâu trong hẻm của Thị trấn Nghi Xuân. Ngoài mẹ, T còn có một người anh trai, nhưng vì bạn bè, người dân kì thị nên anh của T đã bỏ học vào miền Nam làm ăn, sinh sống.
Chỉ vì căn bệnh HIV mà hiện tại, gia đình em Nguyễn Thanh T đâu còn biết đến 2 chữ “hạnh phúc”. Đối với T, ngày nào cũng là địa ngục không câu hỏi han từ hàng xóm, bạn bè.
Em Nguyễn Thanh T tâm sự: “Ngày trước em còn quá nhỏ để hiểu được nỗi đau khi mất đi cha, cũng chẳng hề biết căn bệnh HIV là như thế nào, bệnh thế kỷ là sao. Em chỉ thấy tủi thân khi bị bạn bè, mọi người xa lánh, coi thường, thậm chí có người gặp em còn hoảng sợ như gặp ma, nhất định không cho con chơi cùng em, vì sợ lây bệnh. Giữa em và mọi người dường như có một bức tường vô hình nào đó ngăn cách. Mãi đến sau này, khi hiểu được căn bệnh thế kỷ, em mới hiểu, và càng đau hơn”.
Dù bị mọi người kì thị, xa lánh, nhưng T vẫn quyết tâm ở lại quê hương học tập hoàn thành ước mơ của cha mình.
Nhìn bề ngoài T là một cô bé ít nói, ngại tiếp xúc với người ngoài. Nhưng thật sự bên trong T rất muốn nói chuyện, cười đùa với bạn bè, ít ai biết rằng chính T là cô bé có chất giọng ngọt ngào và rất yêu thích ca hát.
Em Trần Thanh T chăm chú học bài để hoàn thành ước mơ của cha mình |
Chị Trần.T.T.H (Mẹ T) cũng là người phải chịu tiếng lây HIV từ chồng. Vì thế, gần chục năm nay chẳng ai dám thuê chị làm việc. Cuộc sống của gia đình chị H ngày càng khó khăn, cộng thêm bị mọi người xa lánh, kì thị, chị dần dần ngại tiếp xúc với người ngoài.
Có lúc, chị H đã tính sẽ bán mảnh đất đang ở để di cư đến một nơi khác sinh sống, nhưng vì bé T, vì đang có người già đang cần chăm sóc, nên ý định này chị sớm bỏ.
Nhiều người không hiểu hết về căn bệnh HIV, nên đã xa lánh, kì thị những người mắc bệnh, nghi ngờ…Họ đều sợ, khi tiếp xúc với người bị bệnh hay người nhà của người bệnh, sẽ bị lây nhiễm. Nhưng thực tế cho thấy, căn bệnh HIV chỉ lây qua 3 con đường chính: Đường máu, Đường tình dục, Truyền từ mẹ sang con.
Điều mong ước lớn nhất của chị H và bé T, chính là sẽ được mọi người mở lòng, không còn nghi ngờ, xa lánh, kì thị nữa. Mong mọi người xem, đối xử như một người bình thường.
Dù đã trải qua hơn 20 năm phòng, chống AIDS với rất nhiều nỗ lực, HIV vẫn còn là một trong những vấn đề y tế công cộng nhức nhối nhất tại Việt Nam. Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức to lớn liên quan đến thái độ của xã hội đối với người nhiễm HIV. Kỳ thị và phân biệt đối xử đang tiếp tục cản trở khiến những nhóm dân dễ bị tổn thương không được hưởng các quyền cơ bản về chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội, đồng thời cản trở bước tiến của những hoạt động phòng, chống HIV.
Chúng ta đã có rất nhiều bằng chứng mới được thu thập về việc nhiều người nhiễm HIV còn đang bị cô lập và chối bỏ ngay trong chính gia đình của mình, cũng như trong cộng đồng và các mối quan hệ xã hội. Các bằng chứng cũng cho thấy việc phát hiện nhiễm HIV có thể dẫn đến bị mất việc làm, mất quyền sở hữu tài sản, và không được nhận vào trường học.
Người nhiễm HIV còn bị bạo hành, bị từ chối cung cấp các dịch vụ y tế hay dịch vụ trợ giúp xã hội, và gặp khó khăn trong việc tiếp cận trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, kỳ thị và phân biệt đối xử không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người nhiễm HIV hoặc những người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV, mà còn tiếp tay cho HIV âm thầm lây lan trong cộng đồng.
Tác giả: Tuấn Anh
Nguồn tin: Báo Sức khỏe & Đời sống