Nhân ái

Cha mẹ và vợ chết do lở núi, chàng trai 21 tuổi lâm cảnh ‘gà trống' nuôi 2 con thơ

'Cha mẹ và vợ chết cả rồi, nhà cửa, tài sản mất trắng, sau trận lở núi chỉ còn ba cha con bơ vơ', người đàn ông dân tộc Dao Triệu Vần Phu (21 tuổi, ở bản Lũng Lỳ, Cao Bằng) đưa tay quệt nước mắt nói.

Triệu Vần Phu bế con nhỏ hơn 1 tuổi, bố mẹ và vợ anh vừa tử nạn do lở núi, giờ đây anh lâm cảnh "gà trống nuôi con" - Ảnh: Anh Luận

Đàn gà mất chủ kêu nháo nhác, gùi ngô vàng óng đổ rạp lấm bùn, chiếc xe máy biến dạng nằm chỏng chơ bên đống gỗ đổ nát, những đứa trẻ mồ côi ngồi vật vờ, khóc "cha ơi, mẹ ơi"…

Bản Lũng Lỳ (xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) trù phú giữa thung lũng đẹp như tranh vẽ - giờ chỉ còn khung cảnh hoang tàn, tang thương sau trận lở núi xảy ra rạng sáng 9-9.

Nỗi đau cùng lúc mất cha mẹ, vợ trong trận lở núi

Trong căn nhà bạt được bộ đội dựng cho các hộ dân mất nhà ở tạm, cách nhà cũ chừng 500m, Triệu Vần Phu (21 tuổi, ở bản Lũng Lỳ) thắp nén nhang lên ba bát hương trên bàn thờ vừa lập tạm.

Căn nhà bạt đơn sơ, chỉ có một ít quần áo cũ, một vài thùng mì tôm do các đoàn từ thiện tặng.

Hơn 10 ngày đã trôi qua, nhưng Phu nói ký ức về ngày 9-9 kinh hoàng khi nhận tin cha là T.C.T. (39 tuổi), mẹ T.M.P. (40 tuổi) và vợ L.T.T.L. (19 tuổi) bị trận lở núi vùi lấp, luôn day dứt, ám ảnh tâm trí anh.

Bế con nhỏ 3 và 1 tuổi trên tay, gương mặt anh còn nguyên vẻ thất thần. Dường như nỗi đau cùng lúc mất ba người thân yêu nhất vượt quá sức chịu đựng của người đàn ông nhỏ thó.

Nhìn hai đứa con thơ liên tục hỏi "mẹ đâu", Phu chỉ biết lặng người, nước mắt tuôn rơi, òa khóc như đứa trẻ.

Đưa tay quệt dòng nước mắt lăn trên gò má, Phu kể năm 2021 vợ chồng sinh con trai đầu lòng. Một năm sau, gia đình anh chào đón con gái thứ hai.

Kế sinh nhai dựa vào nương ngô, nương sắn sống qua ngày. Đêm về cả nhà cùng nhau quây quần bên bếp lửa. Những đứa trẻ cứ dần lớn lên giữa đại ngàn.

Để chăm lo cho hai con tốt hơn, anh quyết định bán mấy bao thóc, lấy tiền mua vé xe đi đến tỉnh khác kiếm việc làm.

Triệu Vần Phu gương mặt thất thần khi kể lại những câu chuyện về gia đình sau trận lở núi - Ảnh: Danh Trọng

Năm 2023, Phu rời Lũng Lỳ. Anh đến Quảng Ninh xin làm bảo dưỡng tàu thuyền. Công việc vất vả, song anh vui vì kiếm được thêm ít tiền gửi về cho vợ con, cha mẹ trang trải cuộc sống.

Những ngày rảnh rỗi, Phu thường gọi điện hỏi thăm gia đình. Hơn 10 ngày trước, khi biết cơn bão Yagi đổ bộ vào khu vực phía Bắc, anh liền bốc máy dặn vợ, cha mẹ "cẩn thận vì mưa lớn núi đồi dễ sạt lở, nguy hiểm".

Anh hứa khi bão qua sẽ về Lũng Lỳ thăm vợ, hai con cùng cha mẹ.

Sáng 9-9, Phu dậy sớm hơn mọi ngày, "lòng thấy bất an". Cùng lúc chuông điện thoại của anh vang lên liên hồi, đầu dây bên kia - người anh họ thông báo đêm qua lở núi sau nhà, vùi lấp chín người trong bản. Cha mẹ và vợ Phu tử nạn.

Nghe tin, tay chân anh bủn rủn, vội bắt xe về nhà. quốc lộ 34 (Cao Bằng) ngoằn ngoèo, nhiều điểm núi lở, đất đá chắn ngang đường.

Để về đến Lũng Lỳ, Phu đi bộ hàng chục km, vượt đường đèo sạt lở, nhiều đoạn bùn lút đến đầu gối. Anh đứng từ trên cao nhìn xuống thung lũng, nhà cửa, bản làng bị đất đá san phẳng.

Trước cảnh tượng thảm khốc, Phu ngã quỵ, vừa gào khóc, vừa kêu lớn "cha mẹ ơi, vợ ơi".

Những ngày lực lượng cứu hộ, cứu nạn tìm kiếm, Phu vẫn nuôi hy vọng, mong phép màu sẽ đến với người thân. Những thi thể bị vùi lấp lần lượt được đội cứu hộ đưa ra khỏi lớp bùn nhão nhoét. Anh nhận dạng hình dáng, khuôn mặt đúng cha mẹ, vợ mình. Hy vọng có người sống sót đã không còn.

Phu chết lặng.

"Tôi tuyệt vọng. Cha mẹ, vợ đều đã chết hết rồi. Nhà cửa, tài sản mất trắng, những ngày tới không biết sống ra sao đây", Phu nghẹn giọng, nói.

Sáu ngôi nhà trong bản Lũng Lỳ bị núi lở san phẳng, hàng chục hộ khác trong diện bị ảnh hưởng phải di dời - Ảnh: Danh Trọng

Sau thảm họa lở núi, nỗi lo con thơ không được đến trường

Phu cho hay "trong cái rủi có cái may", hai con nhỏ của anh thoát nạn nhờ gửi bà nội trông hộ. Nhà bà cách khu vực sạt lở chừng 400 - 500m nên an toàn. Với anh, các con bây giờ là lẽ sống.

Thế nhưng nỗi đau mất người thân ruột thịt chưa nguôi ngoai, thì điều mà người cha 21 tuổi này đau đáu nhất là tương lai làm sao để lo cái ăn, cái mặc, các con được đến trường như bạn bè đồng trang lứa.

"Vợ chồng tôi dự định khi các con lớn, sẽ tằn tiện, chắt bóp tiền cho chúng nó đi học cái chữ, mai sau có thể đi đây, đi đó kiếm việc làm, thoát cảnh nghèo khó.

Nhưng vợ đi rồi, ông bà cũng mất hết, để cha con tôi ở lại bơ vơ. Không biết ước nguyện cho các con đến trường, một mình tôi có lo được hay không", anh Phu thở dài.

Không riêng gì hai con nhỏ của Phu, sạt lở núi ở Lũng Lỳ còn khiến nhiều trẻ em mồ côi, nhiều hộ gia đình mất nhà, người thân, 26 hộ thuộc nguy cơ sạt lở phải di dời...

Những người dân Lũng Lỳ trắng tay sau sạt lở núi. Mái nhà sàn trước đây của họ chẳng còn gì ngoài những tấm ván gãy đổ, lẫn trong đất. Cuộc sống của người dân trong bản giờ đây dựa vào quà cứu trợ của các đoàn thiện nguyện.

Bây giờ, các hộ dân vẫn trú tạm trong những ngôi nhà bạt bộ đội dựng dưới chân núi. Màu xanh của đại ngàn nơi đây như niềm hy vọng về một bản làng Lũng Lỳ yên ấm sẽ sớm được kiến thiết.

Cao Bằng thiệt hại hơn 880 tỉ đồng do bão lũ

Theo thống kê của tỉnh Cao Bằng, mưa lũ đã khiến 55 người chết, 19 người bị thương, 2 người mất tích. Gần 2.240 ngôi nhà bị thiệt hại...

Riêng trường học, có 38 điểm trường bị hư hỏng do sạt lở đất, ngập nước, tốc mái. 45 công trình thủy lợi bị hư hỏng, sạt lở vùi lấp...

Uớc tính tổng thiệt hại hơn 880 tỉ đồng.

Quốc Lộ 34 - tuyến đường chính dẫn lên Lũng Lỳ nhiều đoạn nứt gãy, sụt lún nghiêm trọng - Ảnh: Danh Trọng

Ngôi nhà sàn xiêu vẹo còn sót lại sau thảm họa lở núi ở Lũng Lỳ - Ảnh: Danh Trọng

Chiếc xe máy biến dạng sau trận sạt lở - Ảnh: Hà Quân


Người dân ở tạm trong các ngôi nhà bạt do bộ đội dựng - Ảnh: Hà Quân

Người dân nhận quà từ các đoàn thiện nguyện - Ảnh: Hà Quân

Chính quyền, bộ đội đang kiến thiết một bản làng Lũng Lỳ mới cho người dân - Ảnh: Danh Trọng

Tác giả: Hà Quân - Danh Trọng

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP