Mùa Thi

Câu chuyện về cô gái "đi bằng hai tay" được bố cõng đi thi!

Dù đôi chân không thể đi lại như người bình thường, nhưng em vẫn học rất giỏi và quyết tâm đi thi Đại học. Em là Vũ Thị Hoài, cô gái nhỏ đến từ Thái Bình được bố cõng đến trường thi.

Bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam từ bố, nên Hoài phải di chuyển bằng đôi bàn tay và gót chân trái. Dù thiệt thòi hơn những bạn khác, nhưng điều đó không cản trở Hoài đến thi Đại học để em có thể vươn tới ước mơ của mình. Đi bằng hai tay nhưng Hoài vẫn nhanh nhẹn.Mặc dù không đi được bằng chân như các bạn, nhưng Hoài rất nhanh nhẹn, luôn muốn tự làm mọi việc mà mình có thể làm được. Bác Vũ Văn Phiên, bố của Hoài chia sẻ: “Có lần đi Đại hội cháu ngoan Bác Hồ ở tỉnh, cháu tự đi bằng tay lên tầng 3 để vào chỗ ngồi của mình. Nhiều người thắc mắc vì sao không cõng lại để cháu bò như thế, nhưng tôi nghĩ, cháu muốn và có thể tự làm được thì cũng để cháu cố gắng”. Bác Phiên cũng kể: hồi còn nhỏ, khoảng từ 5 tuổi đến 10 tuổi, những lúc mưa gió, Hoài có thể chỉ di chuyển bằng đôi tay, hai chân không chạm đất. Thấy con vất vả, bác Phiên cũng gắng mua cho Hoài đôi nạng, đi lại thuận tiện hơn, nhưng sử dụng nạng, Hoài không thể giữ thăng bằng được, liên tục ngã. Vì vậy, cách đi duy nhất của Hoài là dùng đôi tay và gót chân.Từ hồi nhỏ, gia đình có đưa Hoài đi chữa trị nhưng bị trả về vì không thể cứu chữa được. “Thấy con thiệt thòi, thương xót lắm nhưng cũng chỉ biết động viên con cố gắng”. Bác Phiên xúc động tâm sự. Đôi chân của Hoài bị teo nhỏ từ khi sinh ra. Bị thiệt thòi hơn những bạn khác, tuy nhiên điều đó không ngăn được sự nỗ lực của Hoài. Ngay từ những sinh hoạt nhỏ nhất trong gia đình, Hoài không từ bất cứ việc nào có thể làm, kể cả việc dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm cho bố mẹ. Hoài tâm sự: “ Bố mẹ đi làm mệt, em ở nhà cũng muốn nấu nồi cơm đỡ bố mẹ”.Mang một đôi chân đặc biệt, nhưng Hoài không hề xấu hổ với bạn bè, sống rất tự tin và hòa đồng. Hoài thỏ thẻ kể: “Trước khi đi học em rất sợ bạn bè sẽ trêu ghẹo, nhưng khi đi rồi em đỡ lo hơn vì các bạn rất nể và nhiệt tình với em”. Sự động viên, nỗ lực của gia đình cùng với sự nhiệt tình của bạn bè đã góp phần không nhỏ giúp Hoài có thể tới Hà Nội để dự kỳ thi Đại học vào trường Học Viện Bưu chính viễn thông mà em yêu thích. “Em ước mơ làm lập trình viên”Bố mẹ Hoài đều làm ruộng, cả nhà chỉ trông chờ vào hơn một mẫu ruộng, gia đình lại khó khăn. Hiểu được điều đó, Hoài đã nỗ lực đi học đầy đủ, hơn thế nữa là học rất giỏi và quyết tâm thi Đại học để theo đuổi ước mơ của mình.

Sinh viên tình nguyện của trường Học viện bưu chính viễn thông cõng Hoài lên phòng thi.Nhà Hoài cách trường gần 2km, nên hồi còn bé, Hoài được bố cõng hoặc đưa đi bằng xe đạp, đến khi học cấp III, bố Hoài đã có thể đưa em đến trường bằng xe máy. Đoạn đường từ nhà đến trường của Hoài là một sự gian nan, vất vả cho cả hai bố con. Có hôm Hoài phải học 1 buổi, bố em phải đưa đi đón về 4 lần, đến những hôm phải học 2 buổi, bố Hoài phải đi 8 lần để đưa em đến với trường lớp. Bố Hoài chia sẻ: “ Nhiều khi thấy cháu đi học vất vả quá cũng định cho cháu học hết cấp II, rồi đi học trường nghề, hoặc vào trường khuyết tật, nhưng cháu nhất quyết đòi học ở gần nhà, lại muốn đi thi Đại học nữa”.Trong suốt những năm học, Hoài đều đạt học sinh tiên tiến đến học sinh giỏi. Ngoài ra, Hoài còn có năng khiếu về nhạc họa, em đã đạt giải nhất cuộc thi vẽ toàn huyện năm học lớp 8.Cho Hoài lên đây thi, gia đình rất lo lắng, nếu đỗ lại càng lo vì bác Phiên không thể bỏ công việc ở nhà để lên Hà Nội ở cùng Hoài, chăm sóc em. “Nhưng nó bảo chỉ cần bố lên ở với con nửa tháng, sau đó con sẽ sắp xếp được. Thấy con quyết tâm nên tôi cũng cố cho cháu đi thi, mong con học hành đến nơi đến chốn, có việc làm để tự lo được cho bản thân,” Bố Hoài xúc động nói.Ánh mắt đầy vẻ lạc quan, Hoài tự tin chia sẻ ước mơ của mình: “ Em quyết tâm lên thi đại học để có một việc làm ổn định. Giống như những người nổi tiếng, có thể làm được nhiều việc mà em muốn để có thể nuôi được bố mẹ. Em rất thích máy tính và ước mơ trở thành một lập trình viên xuất sắc”. Với quyết tâm của Hoài, với sự nỗ lực và kiên trì động viên của gia đình, tin chắc rằng em có thể vươn tới ước mơ của mình, trở thành một người có ích cho gia đình và xã hội.
Cũng tại Hội đồng thi Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông còn có một thí sinh khuyết tật khác là em Phạm Văn Hoàng, quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Hoàng bị khuyết tật co cơ bẩm sinh nên em nói năng, đi lại, vận động đều khó khăn. Tuy nhiên, tinh thần học tập của cậu học trò xứ Nghệ này luôn hừng hực. Hoàng bảo, năm 2012, em thi vào Học viện Bưu chính Viễn thông, khoa Công nghệ thông tin, bị thiếu mất một điểm. Không đỗ đại học, em đăng ký vào học hệ cao đẳng của trường. Nhưng chưa bao giờ Hoàng đánh mất khát khao và niềm mơ ước được học đại học, nên năm nay, Hoàng quyết tâm thi lại. “Năm ngoái, em chỉ thiếu chút nữa là đậu nên năm nay em sẽ cố gắng hơn,” Hoàng vui vẻ nói.

Diện Hứa

GDVN

  Từ khóa: Câu chuyện

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP