Địa Chí Hà Tĩnh

Câu chuyện truyền thuyết và bảo vật của vua Hàm Nghi (Kỳ 2)

Đền Trầm Lâm (xã Phú Gia, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) hiện đang lưu giữ nhiều bảo vật quý vua Hàm Nghi ban tặng, trong đó phải kể đến hai con voi bằng vàng ròng, được người dân cho là rất quý hiếm linh thiêng và nâng niu gìn giữ.

  >> Hà Tĩnh: Huyền thoại đền thiêng và “cá thần trong giếng không đáy” (Kỳ I)

Giấc chiêm bao vua gặp Đức Thánh Mẫu

Cụ Trần Kim Tăng (86 tuổi, trú xã Phú Gia), người biết rõ lịch sử về vua Hàm Nghi, cho biết tháng 9/1885, đoàn người tháp tùng vua Hàm Nghi đi từ Lào, men theo con đường độc đạo Quy Hợp về đến đất Hà Tĩnh.

Tại đây, sau khi ban Chiếu Cần Vương lần thứ 2 (19/9/1885) buổi tối ngày tiếp theo, vua ngủ lại một đêm ở đền Trầm Lâm rồi sau đó vào vùng núi Quảng Bình (giáp ranh với Hà Tĩnh) để xây dựng lực lượng chống Pháp.

Cụ Tăng cũng khẳng định, câu chuyện luôn được người dân lưu truyền cho con cháu, trong đêm ngủ lại đền Trầm Lâm, vua Hàm Nghi đã được gặp Đức Thánh Mẫu (nữ thần tiên) là hoàn toàn có thật.

Đền Trầm Lâm (xã Phú Gia, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) hiện đang lưu giữ nhiều bảo vật vua Hàm Nghi ban tặng.
Đền Trầm Lâm (xã Phú Gia, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) hiện đang lưu giữ nhiều bảo vật vua Hàm Nghi ban tặng.

Tối hôm đó, trời không sao không trăng, vua Hàm Nghi không ngủ được, nhưng khi vừa chợp mắt thì Đức Thánh Mẫu hiện về, báo mộng rằng: Đất này là đất của vua, vua ở đâu cũng được, nhưng hiện bọn giặc quỷ (giặc Pháp) đang đưa quân vây ráp, truy bắt vua. Mong hoàng thượng hãy quyết định và lo ngay đại sự.

Đến đó, vua Hàm Nghi liền tỉnh giấc, truyền cho Tôn Thất Thuyết và các triều thần chuẩn bị sắc phong, các lễ vật quý để vua vào tạ lễ tại đền Trầm Lâm.

Sáng hôm sau, vua Hàm Nghi ban sắc phong cho Đức Thánh Mẫu đền Trầm Lâm chức: “Thượng thượng đẳng tối linh thần”, kèm theo những bảo vật quý: một tấm vi bố (áo bào có gắn 35 chiếc lục lạc bằng đồng); áo mũ triều thần 8 bộ; cờ lộng, quạt 20 chiếc; hai thanh kiếm lưỡi sắt có cán gỗ chạm hình rồng phượng sơn son thiếp vàng và đặc biệt là có 2 con voi bằng vàng ròng và một con voi khác bằng đồng”.

  Hai con voi bằng vàng ròng (nhỏ), con voi lớn bằng đồng được Cố Đạo gìn giữ cẩn thận. Những bảo vật này cũng gắn liền với những câu chuyện linh thiêng.
Hai con voi bằng vàng ròng (nhỏ), con voi lớn bằng đồng được Cố Đạo gìn giữ cẩn thận. Những bảo vật này cũng gắn liền với những câu chuyện linh thiêng.

Sau đó vua Hàm Nghi cùng các triều thần lại lên đường tiến sâu vào vùng núi Quảng Bình. Cũng vì hành trình này mà về sau, truyền thuyết kho báu vua Hàm Nghi vẫn khiến nhiều người luôn tò mò tìm hiểu.

Ngoài cụ Tăng, chúng tôi được nghe nhiều  bô lão xã Phú Gia, có nhiều năm làm công tác bảo quản đền Trâm Lâm kể lại câu chuyện tương tự như trên rất ly kỳ, bí ấn. Đó là những truyền thuyết kỳ bí mà bấy lâu nay người dân địa phương thuộc làu làu trong ký ức, và xem đây là những câu chuyện có thật như lịch sử đền cổ Trầm Lâm vậy.

Cố Đạo chủ gìn giữ hai con voi vàng

Ông Lưu Văn Khâm (67 tuổi, xã Phú Gia), người đã có “thâm niên” trông coi, bảo quản đền Trầm Lâm từ 12 năm nay, chia sẻ, hai con voi bằng vàng ròng của vua Hàm Nghi ban tặng có những đặc điểm lạ và rất thiêng.  Một con nặng 2.7 lượng, con voi nhỏ hơn nặng 1,7 lượng.

Hiện nay, hai bảo vật này đang được Cố Đạo (người được nhận nhiệm vụ lưu giữ bảo vật của vua) cất giữ cẩn thận.

Theo ông Khâm, dù đã trải qua 128 năm với bao biến cố thăng trầm, bảo vật voi vàng  vua ban vẫn còn nguyên vẹn là vì ý thức bảo vệ, gìn giữ của người dân Phú Gia tốt.

Từ trước tới nay, theo quy định của ban bảo vệ đền Trâm Lâm (ban này gồm 12 người) cứ 2 năm bầu lại Cố Đạo mới một lần. Cố Đạo được bầu phải là người có uy tín trong xã, có đạo đức, phẩm chất tốt, gia đình sống đoàn tụ và đặc biệt là phải được thần linh “tín nhiệm”.

Hai thanh kiếm lưỡi sắt có cán gỗ chạm hình rồng phượng sơn son thiếp vàng, một trong các đồ vật vua ban.
Hai thanh kiếm lưỡi sắt có cán gỗ chạm hình rồng phượng sơn son thiếp vàng, một trong các đồ vật vua ban.

Nếu xem quẻ âm dương, hai đồng xu cùng ngửa hoặc cùng sấp, tức là thần linh không “tín nhiệm”, trong trường hợp này, người được giữ hai con voi vàng của vua vẫn là Cố Đạo cũ.

Còn nếu một đồng xu nằm ngửa, đồng xu khác nằm sấp thì sẽ có Cố Đạo mới. Cố Đạo mới có trách nhiệm đưa hai con vàng cùng những bảo vật khác của vua ban về lưu giữ cẩn thận tại gia đình.

Người dân xã Phú Gia quan niệm, năm nào có Cố Đạo mới thì năm đó dân chúng làm ăn thuận hòa, ấm no và gặp nhiều điều may mắn.

Qua tìm hiểu, chúng tôi biết được, bên cạnh ý thức bảo vệ cổ vật quý, hai con voi vàng vua ban đến nay vẫn không bị mất cắp, thất lạc là vì bảo vật này rất thiêng, gắn liền với những câu chuyện ly kỳ, bí ẩn mà đến nay người dân xã Phú Gia vẫn hay kể cho nhau nghe.

35 chiếc lục lạc đồng gắn với áo bào theo thời gian nay đã xỉn màu.
35 chiếc lục lạc đồng gắn với áo bào theo thời gian nay đã xỉn màu.

Chuyện kể rằng, vào năm 1934, một Cố Đạo được giao trọng trách lưu giữ bảo vật. Nhưng vì lòng tham lam, người này đã mang một trong hai con voi vàng sang Lào đổi lấy 10 con trâu, bò. Trên đường chăn trâu bò trở về nhà, đến núi Chân Trụt (nay là xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê), người này đã bị trâu húc chết.

Sau đó, khi nghe tin chuyện chẳng lành, người dân Lào được đổi trâu, bò lấy voi vàng không dám giữ lại bảo vật bên mình, bèn đưa voi vàng trả lại cho đền Trầm Lâm.

Một chuyện ly kỳ khác là vào năm 1946, nạn đói hoành hành, người chết la liệt, chính phủ lâm thời gặp khó khăn. Lúc bấy giờ nhà nước mở “tuần lễ vàng”, vận động người dân hành nghĩa cứu quốc.

Lúc đó, Cố Đạo và ban bảo vệ di tích đền Trầm Lâm đã bàn họp, đi đến quyết định sẽ đưa một trong hai con voi góp cho nhà nước. Nhưng khi mọi người mở rương sắt để lấy voi vàng thì chìa khóa bị dính chặt vào ổ khóa. Dù đã làm đủ mọi cách, ổ khóa vẫn không thể nhúc nhích.

Linh tính mách bảo, Cố Đạo thắp hương lên bàn thờ  và nói với thần linh trong đền Trầm Lâm là không dám đưa voi đi nữa. Lúc ấy ổ khóa tự nhiên tự bật ra. Sau lần ấy, những người dân trong xã Phú Gia, đặc biệt là những Cố Đạo được giao nhiệm vụ lưu giữ bảo vật vua ban, luôn cất giữ cẩn thận và xem đó như là bảo vật lưu truyền cho thế hệ mai sau.

Trần Hoàng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP