Giáo dục - Đào tạo

Câu chuyện 25 năm đi tìm cha của thầy giáo làng xứ Nghệ

Người con đã có hành trình tìm cha ròng rã hơn 25 năm để rửa tiếng oan cho mẹ, cũng để biết rằng mình có một người cha.

Hành trình 25 năm tìm cha

Đó là câu chuyện cảm động về hành trình tìm cha của thầy Lâm Vĩnh Hạnh – Hiệu trưởng trường Tiểu học Mường Típ 2, thuộc xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Vượt quảng đường gần 300km từ TP. Vinh lên xã Mường Típ, chúng tôi tìm đến nhà thầy Hạnh. Thầy không ngần ngại kể cho chúng tôi nghe về hành trình hơn 25 năm đi tìm cha của mình.

Cau chuyen 25 nam di tim cha cua thay giao lang xu Nghe
Thầy Hạnh kể lại hành trình 25 năm tìm cha.

Thầy Hạnh cho biết, mẹ thầy là bà Nguyễn Thị Phúc (SN 1941). Bà sinh ra và lớn lên ở miền quê nghèo xã Cát Văn, huyện Thanh Chương (Nghệ An). Cuộc sống gia đình nhà bà Phúc thời điểm này cũng hết sức khó khăn, cả gia đình chỉ phụ thuộc vào mấy sào ruộng. Đến tuổi trưởng thành cũng có nhiều người theo đuổi nhưng bà không có tình cảm với ai. Năm 1971, người lính Lâm Vĩnh Mạnh (SN 1938) được đơn vị cử về đóng quân ở Viện 5 (đóng trên địa bàn xã Cát Văn) và tình cờ ông Mạnh gặp được bà Phúc. Qua nhiều lần nói chuyện, duyên số đưa đẩy, họ yêu nhau lúc nào không hay. Tình cảm trở nên sâu đậm, hai người quyết định về sống chúng dưới một mái nhà.

Kết hôn chưa lâu, ông Mạnh nhận được tin phải tăng cường vào miền Nam chiến đấu. Ngày ông Mạnh nhận nhiệm vụ, bà Phúc biết tin mình vừa mang bầu hai tháng. Hay tin bà Phúc mang thai giọt máu của mình, dù rất vui nhưng vì nhiệm vụ ông Mạnh phải lên đường chiến đấu. Năm 1972, chồng đi biền biệt, bà một mình sinh con trong sự vất vả, khốn khó. Một mình nuôi con trong sự dị nghị của xóm làng, bà đã khóc rất nhiều.

“Thời đó, chúng tôi vẫn thường xuyên thư từ qua lại. Ông ấy luôn động viên mẹ con tôi cố gắng đợi ngày ông trở lại. Mặc dù, cuộc sống cực nhọc và chịu nhiều tai tiếng của người đời nhưng có lời động viên của ông ấy qua thư tôi vượt qua tất cả”, bà Phúc bồi hồi nhớ lại.

Sau đó 2 năm, bà Phúc nhận được bức điện của ông Mạnh ra bến xe để đón. Thế nhưng, bế con ra bến xe bà Phúc chẳng gặp được chồng. Hy vọng đến lần này đến lần khác nhưng vẫn không thấy ông Mạnh trở về. Kể từ đó, ông Mạnh cũng không gửi thư về cho bà nữa. Trong thâm tâm bà cứ nghĩ chồng mình đã hy sinh ở chiến trường. Một lòng một dạ với chồng, bà Phúc quyết định ở vậy nuôi con nên người.

Cau chuyen 25 nam di tim cha cua thay giao lang xu Nghe-Hinh-2
Bức ảnh vàng úa của cha được thầy Hạnh giữ gìn cẩn thận.

Bà Phúc nói với con trai, cha đã hy sinh ở chiến trường miền Nam. Ký ức về cha của Hạnh được phác họa qua những bức thư và tấm ảnh đã vàng úa. Để con mình không chịu nhiều thiệt thòi, bà Phúc cố gắng làm lụng cho con trai ăn học đến nơi đến chốn. Không phụ lòng mong đợi của mẹ, Hạnh chăm chỉ học hành và đậu vào trường sư phạm. Ra trường với tấm bằng loại ưu, Hạnh được điều về công tác ở Kỳ Sơn.

“Từ nhỏ tôi đã luôn muốn đi tìm lại gốc gác của người cha mình. Tôi chỉ biết mặt cha qua nhưng tấm ảnh mẹ còn lưu giữ lại. Khi công việc đã ổn định, tôi quyết định đi tìm cha. Trong thâm tâm tôi luôn suy nghĩ, nếu cha đã hy sinh, tôi muốn một lần được tìm thấy mộ của ông và cúi đầu nhận cha. Sâu thẳm trong tôi luôn có một niềm tin mình sẽ tìm lại được cha”, thầy Hạnh nghẹn ngào nhắc lại.

Hạnh phúc ngày đoàn tụ

Từ bức ảnh vàng úa và những lá thư cha viết cho mẹ, thầy Hạnh bắt đầu hành trình tìm cha. Lần theo những địa chỉ trong thư cha gửi về, thầy bắt đầu tìm đến những đồng đội cũ trong đơn vị của cha, nhưng không ai biết tung tích của ông Mạnh.

“Mỗi năm tôi tiết kiệm tiền cho những chuyến đi tìm cha. Nghe ở đâu có thông tin về cha tôi đều bắt xe đi tìm. Lúc đó, thật sự trong tôi khao khát một lần được nhìn thấy cha hoặc biết được về quê hương của ông”, thầy giáo Hạnh xúc động kể.

Qua truyền hình, thầy Hạnh biết được chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”. Lần theo địa chỉ, thầy làm hồ sơ gửi đến chương trình. Suốt 8 năm ròng, năm nào thầy cũng gửi nhưng cuối cùng vẫn không có hy vọng. Thầy Hạnh vẫn kiên trì trên hành trình tìm cha của mình”.

Trong một chuyến công tác, thầy Hạnh tình cờ gặp một cán bộ địa chính ở Thanh Hóa. Thầy cũng tâm sự chuyện của gia đình mình cho vị cán bộ ấy nghe. Rồi hai người trao đổi số điện thoại và liên lạc với nhau thường xuyên. “Bất ngờ, tôi nhận được điện thoại của người cán bộ đó. Ông cho biết, đã tìm thấy bố của tôi quê ở huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). Lúc đó, tôi vui mừng lắm. Ngày 4/10/2016, tôi vội vàng bắt xe ra Thanh Hóa để tìm cha. Điều khiến tôi ngạc nhiên, cha tôi không phải hy sinh ở chiến trường như mẹ đã nói. Sau khi chiến tranh kết thúc, cha không trở về tìm mẹ. Ông cứ tưởng mẹ đã có mái ấm khác. Nên ông về quê Thanh Hóa để lấy vợ và có con. Không được như tôi mong ước nhưng tìm được gốc gác của cha mình là tôi thấy vui rồi”, thầy Hạnh tâm sự.

Cau chuyen 25 nam di tim cha cua thay giao lang xu Nghe-Hinh-3
Bức ảnh đoàn tụ gia đình của thầy Hạnh sau khi nhận được người thân.

Được biết, ông Mạnh đã chết cách đây 6 năm. Trước khi mất, ông vẫn canh cánh về vợ con ở Nghệ An. Ông Mạnh vẫn tâm sự cho người vợ của mình biết nhưng họ không biết thông tin gì để đi tìm. Khi thầy Hạnh ra Thanh Hóa để tìm cha, người thân trong nhà ông Mạnh cũng hết sức ngỡ ngàng. Sau đó, họ nhận thầy Mạnh làm người thân.

“Lúc đầu, tôi ngõ ý muốn làm xét nghiệm ADN cho chắc chắn nhưng họ ngăn lại bởi tôi và cha nhìn giống nhau như hai giọt nước. Họ coi tôi như người thân trong nhà. Sau đó, tôi xin rước lư hương của cha về nhà mình để thờ cúng. Coi như ước nguyện của tôi bao nhiêu năm qua đã được đền đáp”, thầy Hạnh hạnh phúc nói.

Thầy Hạnh chỉ thấy thương cho số phận của mẹ mình. Bà thủy chung với lời hẹn ước ngày xưa nuôi nấng thầy thành người. Thầy Hạnh cảm thấy vô cùng biết ơn cuộc đời vì có một người mẹ dũng cảm đến như vậy. Ngày biết tin về chồng, bà Phúc cũng buồn lắm. “Khi Hạnh tìm được cha, tôi cũng buồn lắm. Mấy chục năm qua tôi phải sống trong sự chỉ trích của người đời. Chiến tranh kết thúc mà ông ấy không về tìm mẹ con tôi. Nhưng dù sao mọi chuyện cũng đã qua, tôi cũng đã già. Hạnh đã có một mái ấm dành riêng cho mình. Một điều khiến tôi cảm động nhất là, cả gia đình nhà ông Mạnh mới đây đã tìm vào gia đình tôi để xin lỗi và làm lễ nhận dâu và nhận cháu. Tôi vui và hạnh phúc lắm. Tôi giải được tiếng oan cũng may mắn lắm rồi. Bây giờ Hạnh cũng không đau đáu về người cha của mình nữa” bà Phúc nghẹn ngào cho biết.

Hành trình tìm cha 25 năm của thầy giáo Hạnh đã khép lại. Dù không được trọn vẹn nhưng đối với thầy đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến. Vì bây giờ thầy đã có một đại gia đình lớn, tìm về được cội nguồn, gốc gác. “Bây giờ mẹ tôi cũng không sống được bao lâu nữa. Tôi hy vọng mình sẽ là chỗ dựa vững chắc cho mẹ suốt cả cuộc đời. Mỗi ngày thấy được mẹ khỏe là tôi hạnh phúc lắm rồi. Tôi cũng không trách móc gì cha của mình”.

Hà Hằng 

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP