Chiều ngày 6/4, Tổ công tác của Thủ tướng đã kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao cho Bộ Tài Chính. Tại buổi kiểm tra này Tổ trưởng Tổ công tác Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt những ý kiến của Thủ tướng tới các ngành trực thuộc Bộ Tài chính. Theo đó, thủ tướng “nhắc nhở” bộ quản lý cán bộ hải quan chặt chẽ hơn, hạn chế tiêu cực trong vấn đề thực thi nhiệm vụ. Ngoài ra, bộ sẽ phải rà soát tổ chức bộ máy thuế, Hải quan, kho bạc để cắt giảm, tinh gọn bộ máy hoạt động.
Cụ thể, Chính phủ lưu ý về việc "Tiếp tục cải cách, đổi mới, tinh gọn bộ máy cán bộ làm công tác tài chính mang tính chuyên nghiệp, hiệu quả". Hiện nay số lượng biên chế trong các cơ quan, tổng cục thuộc ngành tài chính rất nhiều, bộ cần tiếp tục cải cách theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, mang tính chuyên nghiệp. Cán bộ tài chính cần xuống cơ sở nhiều hơn, nắm bắt những khó khăn ở địa phương, cơ sở, tập đoàn, tổng công ty trong thực tiễn triển khai những cơ chế, chính sách để có sự điều chỉnh tốt hơn.
Sẽ cắt giảm và xóa sổ các chi cục thuế và kho bạc Nhà nước tại các tỉnh. |
Phản hồi về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Diến Dũng cho biết với hải quan, chi cục mới là đơn vị tác nghiệp, cục phần nào là trung gian nên phải tính toán. Còn kho bạc đã thực hiện rà soát theo hướng kho bạc tỉnh và huyện giữ lại, bởi liên quan đến các huyện nghèo.
“Ngoài các vấn đề trên sẽ dứt khoát xóa bỏ 63 phòng giao dịch thuộc kho bạc các tỉnh, đưa về kho bạc tỉnh; cắt giảm một nửa trong số 713 chi cục thuế trong thời gian từ nay đến năm 2021” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.
Ngoài ra Tổ công tác của Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc thực hiện tốt quản lý tài sản công, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức. Đồng thời hướng dẫn cho các bộ, cơ quan, địa phương trong việc mua sắm, quản lý tài sản công, nhất là việc mua sắm ôtô, trang thiết bị đắt tiền; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong việc quản lý tài sản công.
Đặc biệt, Bộ Tài chính tích cực giúp Thủ tướng tham mưu để trình Quốc hội vấn đề về quy chế sử dụng xe công, khoán xe công. Bộ Tài chính đi đầu trong thí điểm nhưng đồng thời cũng xây dựng cơ chế đề xuất các cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đề nghị Bộ Tài chính cần phối hợp mạnh mẽ hơn với các bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy các công việc nhanh hơn; xử lý việc doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng không chịu lên sàn; tiếp tục rà soát các điều kiện kinh doanh và những văn bản liên quan.
Về vấn đề nợ đọng thuế, đến hết năm 2017, tổng số tiền nợ thuế là 78.466 tỷ đồng (bằng khoảng 8% tổng thu thuế, phí năm 2017) dù Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp đôn đốc, kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp nợ đọng, chỉ đạo địa phương công khai trên mạng các doanh nghiệp nợ đọng thuế. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu các giải pháp để chống thất thu đối với những hộ kinh doanh cá thể.
Giải trình về vấn đề này, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết năm 2016 đã thu hồi được hơn 42.000 tỷ đồng nợ đọng thuế; năm 2017 thu hồi hơn 44.700 tỷ đồng, 2 tháng đầu năm 2018 đã thu hồi hơn 6.900 tỷ đồng. Tổng cục đã giao chỉ tiêu thu nợ cho các cục thuế, chi cục thuế, thực hiện thông báo doanh nghiệp nợ từ 5 triệu đồng trở lên và xử lý nợ.
Tác giả: Bình Nguyên
Nguồn tin: zing.vn