Tin Hà Tĩnh

Cần tiếp tục điều tra trong vụ án nâng khống thiết bị y tế tại Hà Tĩnh

Nhiều vấn đề pháp lý đang gây tranh cãi trong vụ vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại 5 bệnh viện huyện tỉnh Hà Tĩnh, Luật sư lên tiếng.

Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại năm bệnh viện tuyến huyện tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian qua đã có kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh và cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh. Vụ án này là một trong những vụ án phức tạp về góc độ pháp lý và có nhiều vấn đề trong vụ án chưa được làm sáng tỏ. Để làm rõ những uẩn khuất trong vụ án này Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Luật sư Dương Lê Ước An – Luật sư thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.

Công an đọc lệnh khởi tố đối với Hoàng Thị Tâm (Ảnh: Công an Hà Tĩnh).


Người Đưa Tin (NĐT): Theo ông trong vụ án này, việc khởi tố điều tra truy tố đối với các cá nhân tại năm bệnh viện tuyến huyện, tỉnh Hà Tĩnh, bao gồm: Bệnh viện Hương Sơn, Nghi Xuân, Can Lộc, Đức Thọ, Thạch Hà thì xét về góc độ pháp lý như thế nào?

Luật sư Dương Lê Ước An: Cá nhân tôi đứng trên quan điểm chuyên môn nghề nghiệp tôi chưa khẳng định và chưa bàn đến việc điều tra truy tố của cơ quan có thẩm quyền là đúng hay sai. Nhưng có một số vấn đề về mặt pháp lý trong vụ án này chưa được làm rõ, để xác định vai trò, vị trí của các cá nhân, tổ chức dẫn đến việc sai phạm và gây thất thoát cho cơ quan nhà nước, cụ thể:

Thứ nhất: Tại sao giá sản phầm bộ máy giặt, máy sấy công nghiệp của năm bệnh viện đều cùng mẫu mã, chủng loại, số lượng, thế nhưng giá trị lại khác nhau. Vậy tại sao Sở tài chính tỉnh Hà Tĩnh lại không làm rõ?

Theo hồ sơ vụ án thì Hồ sơ của tất cả các bệnh viện gửi Sở Tài chính bao gồm: Tờ trình đề nghị phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, quyết định phê duyệt kế hoạch mua sắm của UBND tỉnh, Quyết định cấp hỗ trợ kinh phí trên cơ sở dự toán thường xuyên ngân sách tỉnh được hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt, chứng thư thẩm định giá do Công ty toàn cầu phát hành. Như vậy, hồ sơ của các bệnh viện đều giống nhau, sản phẩm chủng loại đều như nhau. Chỉ có chứng thư thẩm định giá thể hiện giá trị của mỗi bệnh viện là khác nhau…..

Vậy câu hỏi đặt ra, khi có sự khác nhau về giá như vậy thì lý do gì? Vì sao sở Tài chính lại không chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, bình ổn giá và hàng hóa, dịch vụ khác khi giá có sự biến động thất thường. Không chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định giá Nhà nước theo điều 17, 18 Quyết định số 44/2017/QĐ-UBND ngày 13/10/2017 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về phân công trách nhiệm thẩm định giá nhà nước. Câu hỏi được đặt ra, vậy tại sao cùng một thiết bị, chủng loại, số lượng là máy giặt, máy sấy công nghiệp mà mỗi bệnh viện huyện thì Sở tài chính lại phê duyệt giá trị khác nhau. Ví dụ: Bệnh viện Thạch Hà, Hương Sơn, Can Lộc, Đức Thọ là 3.050.000.000 đồng, trong khi đó bệnh viện nghi xuân 2,7 tỷ đồng?

Thứ hai: Theo cáo trạng cũng đã xác định rất rõ Trách nhiệm của Sở tài chính là chủ trì thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 8 thông tư số 58/2016/TT-BTC. Thế nhưng lý do gì? Vì sao Sở tài chính không thực hiện đúng theo quy định tại điều 9, 10, 11 của thông tư 58/2016/TT-BTC. Đó là: Khi thực hiện việc thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại sao không căn cứ vào các tài liệu sau để xác định giá gói thầu như: Giá hàng hóa cần mua của ít nhất 3 đơn vị cung cấp hàng hóa khác nhau trên địa bàn để làm căn cứ xác định giá gói thầu; trong trường hợp không đủ 03 đơn vị trên địa bàn có thể tham khảo trên địa bàn khác đảm bảo đủ 03 báo giá; Giá thị trường tại thời Điểm mua sắm được tham khảo từ thông tin chính thống do các nhà cung cấp theo quy định của pháp luật Việt Nam công bố được khai thác qua mạng Internet.

Bệnh viện tuyến huyện chỉ là đơn vị trình lên để UBND tỉnh và Sở Tài chính xem xét về việc sự cần thiết của việc mua sắm trang thiết bị phục vụ cho bệnh viện. Còn quyết định phê duyệt hay không là cả một quá trình đánh giá, thẩm định của Sở Tài chính trước khi trình UBND tỉnh ban hành Quyết định. Nếu quá trình đánh giá, thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu không đạt tiêu chuẩn, điều kiện thì Sở Tài chính sẽ đề xuất UBND tỉnh không chấp thuận hồ sơ của các bệnh viện khi xin nguồn ngân sách nhà nước để mua trang thiết bị và ngược lại.

Tôi xin trích một đoạn trong một bài báo được đăng tải ngày 17/9/2020 với tiêu đề “Bắt mãi chưa hết “sâu” rằng: “Nhiều ý kiến khẳng định, có “ăn gan hùm” thì lãnh đạo các bệnh viện tuyến huyện cũng không dám “qua mặt” Sở Y tế và Sở Tài chính trong việc mua sắm trang thiết bị. Dư luận cho rằng, không thể chấp nhận được thái độ rũ bỏ trách nhiệm của cả Sở Y tế và Sở Tài chính Hà Tĩnh. Sở Tài chính cũng không thể chỉ căn cứ chứng thư thẩm định giá để “nhắm mắt” phê duyệt gói thầu.”. Vậy việc thất thoát ngân sách của nhà nước trong vụ án này xuất phát từ đâu và giai đoạn nào? Ai, cá nhân, tổ chức nào dẫn đến sự thất thoát này.

Luật sư Dương Lê Ước An – Luật sư thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.


NĐT: Theo ông với kết luận điều tra và cáo trạng của vụ án đều thể hiện rõ sai phạm của các cá nhân Sở Tài chính. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định thời hạn điều tra vụ án đã hết , do vậy cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra, xác minh và xử lý sau đối với nội dung này. Vậy việc sẽ tiếp tục điều tra xác minh và xử lý sau có ảnh hưởng gì đến quá trình giải quyết vụ án này hay không?

Luật sư Dương Lê Ước An: Theo tôi trong vụ án này, nếu hết thời hạn điều tra thì cơ quan điều tra nên tiếp tục gia hạn để điều tra làm rõ sự sai phạm này. Bởi lẽ, khi điều tra phải làm rõ sự sai phạm này thì vụ án mới được giải quyết được một cách triệt để, khách quan và xác định vai trò, vị trí của các cá nhân Sở Tài chính trong vụ án này là gì?. Các cá nhân của Sở Tài chính có phải là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại ngân sách nhà nước hay không? Nếu là nguyên nhân gây ra sai phạm thì phải xác định về vấn đề bồi thường dân sự trong vụ án. Mặt khác, trong vụ án này khi Cơ quan điều tra đang xác định các cá nhân thuộc Sở tài chính có sai phạm, thế nhưng UBND tỉnh Hà Tĩnh lại có văn bản cử Sở tài chính thực hiện quyền và nghĩa vụ với tư cách là đại diện bị hại trong vụ án là không đảm bảo tính khách quan, độc lập khi giải quyết vụ án.

NĐT: Kết luận điều tra và cáo trạng không thể hiện rõ ai, cá nhân nào chiếm đoạt hoặc được hưởng lợi trong vụ án này là bao nhiêu. Theo quan điểm của ông thì đây có phải là việc làm chưa đầy đủ của cơ quan có thẩm quyền hay không?

Luật sư Dương Lê Ước An: Theo hồ sơ vụ án thì sau khi trúng đấu thầu Công ty Cổ phần đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh – do bà Mai Thị Hoa là giám đốc, đã ký hết hợp đồng với các bệnh viện để cung cấp các thiết bị. Tại các hóa đơn, chứng từ cũng đã thể hiện rõ việc các bệnh viện chuyển cho bà Mai Thị Hoa đủ số tiền theo hợp đồng trúng thầu với các nhà thầu mà UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt.

Hồ sơ vụ án cũng đã thể hiện các cá nhân đứng đầu bệnh viện không có vụ lợi và không được hưởng lợi ích vật chất gì từ việc đấu thầu này, có chăng cái được là khi mua được các thiết bị trên giúp bệnh viện trong quá trình giặt đồ vải cho bệnh nhân, săng gạc, phục vụ phẫu thuật, thủ thuật, tiệt khuẩn sẽ an toàn cho người bệnh. Vậy số tiền thiệt hại này phải được làm rõ ai, cá nhân, tổ chức nào được hưởng lợi để xác định về vấn đề bồi thường thiệt hại dân sự trong vụ án chứ không thể nói chung chung là thiệt hại do các bị can trong vụ án này gây ra là tổng số tiền như cơ quan có thẩm quyền kết luận. Như vậy, vô hình chung là quy trách nhiệm cho các bị can như nhau, là không đảm bảo tính khách quan, không đảm bảo các nguyên tắc trong bộ luật hình sự đó là nguyên tắc hành vi; nguyên tắc có lỗi và nguyên tắc phân hoá TNHS theo quy định của bộ luật hình sự.

PV: Xin cảm ơn ông về buổi phỏng vấn.

Tác giả: Linh Linh

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP