Trang trại bò sữa của công ty Đồng Minh Nguyên, xóm Bồng Sơn, xã Thường Nga
Mô hình chăn nuôi lợn liên kết ở xã Trường Lộc
Nhằm đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp, thời gian qua cùng với triển khai các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh, huyện Can Lộc đã ban hành khá đồng bộ các cơ chế, chính sách, đặc biệt là Nghị quyết 06 của Huyện ủy về phát triển chăn nuôi. Huyện đã trích ngân sách hàng chục tỷ đồng hỗ trợ người dân đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển sản xuất, mua vật tư, con giống; chỉ đạo các ngành chuyên mô phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân; hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác sản xuất, tổ chức cho người dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Nhờ vậy tư duy nhận thức cũng như cách làm của người dân về phát triển chăn nuôi đã có nhiều thay đổi. Các hộ đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi với đa dạng các loại vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao như lợn siêu nạc, lợn nái, bò lai sind, hươu, nhím, gà sao… Chị Hà Thị Lý, xóm Tài Năng xã Tùng Lộc trước đây, thuộc diện hộ nghèo, thu nhập phụ thuộc vào mấy sào lúa. Được sự quan tâm của Hội phụ nữ xã, chị đã mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi, nhờ vậy gia đình có thêm thu nhập, đời sống được cải thiện đáng kể. Từ hiệu quả kinh tế ban đầu, gần đây chị Lý đã xây thêm chuồng trại để nuôi bò nhốt. Tuy mới bắt đầu nhưng mỗi năm thu nhập từ chăn nuôi bò của gia đình chị đã lên tới trên 100 triệu đồng.
Hiện nay trên địa bàn Can Lộc xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi như của gia đình chị Hà Thị Lý, nhất là phát triển mạnh chăn nuôi lợn và gia cầm, đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân, giúp nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giả. Tuy nhiên, việc phát triển chăn nuôi hầu hết trong khu dân cư làm nảy sinh nhiều vấn đề: chất thải không được xử lý, xả thẳng ra ao hồ, kênh mương làm môi trường bị ô nhiễm; mặt khác quy mô nhỏ nên hiệu quả mang lại chưa tương xứng. Để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, huyện Can Lộc chú trọng quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung ở các xã vùng Trà Sơn tây như Thượng Lộc, Gia Hanh, Phú Lộc, Thường Nga. Cùng với làm tốt công tác quy hoạch, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang chăn nuôi, tập trung phát triển các loại vật nuôi có thế mạnh và phù hợp với từng địa phương.
Thực tế cho thấy, chăn nuôi theo hướng tập trung đã đưa ngành chăn nuôi ở Can Lộc phát triển từ manh mún, nhỏ lẻ sang quy mô lớn, tạo ra các vùng sản xuất phù hợp với yêu cầu đòi hỏi của thị trường. Ngoài ra, hình thức chăn nuôi này còn đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh và tạo ra những sản phẩm có chất lượng, giá trị hàng hóa cao, đồng thời, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung, công nghệ cao, đồng bộ theo chuỗi, hình thành các vùng chăn nuôi quy mô lớn. Từ đó tạo cho người dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập.
Cùng với chăn nuôi tập trung, thời gian gần đây huyện Can Lộc chú trọng khuyến khích phát triển chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ theo hướng liên kết: Đã thực hiện liên kết với Công ty cổ phần Nông lâm Hà Tĩnh nuôi lợn siêu nạc; thành lập 33 tổ hợp tác bò, 14 tổ hợp tác lợn liên kết với Tổng công ty khoáng sản thương mại Hà Tĩnh. Chăn nuôi liên kết đã thực sự phát huy hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao cho người chăn nuôi. Người dân không phải lo về con giống, thức ăn kém chất lượng cũng như các loại dịch bệnh. Đồng thời đây cũng là mô hình nhằm hướng đến chuyển giao KHKT cho người dân, giúp nông dân phát triển kinh tế và sử dụng hiệu quả lao động địa phương. Điển hình có trang trại của Công ty Đồng Minh Nguyên ở xóm Bồng Sơn, xã Thường Nga – là trang trại đầu tiên nuôi bò sữa trên đất Can Lộc, liên kết với Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), với mục tiêu liên kết phát triển vùng nguyên liệu sữa tươi cho Vinamilk, làm hạt nhân để đưa con bò sữa vào nuôi liên kết hộ nông dân tại Can Lộc, Đức Thọ. Trang trại có quy mô ban đầu 150 con, với tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng và sẽ mở rộng quy mô, ổn định đàn lên 500 con. Bước đầu đi vào hoạt động ổn định, tạo việc làm cho 20 lao động với thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng và liên kết với các hộ dân trồng cỏ cung cấp thức ăn cho bò.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, Can Lộc còn tập trung nâng cao chất lượng con giống, làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm, áp dụng các tiến bộ KHKT mới vào chăn nuôi. Nhờ vậy tổng đàn trâu bò trên 30.500 con, trong đó bò lai chiếm 34%; đàn lợn trên 70.000 con, đàn hươu 384 con, đàn gia cầm gần 1 triệu con. Toàn huyện có 433 mô hình chăn nuôi, ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng 45% trong sản xuất nông nghiệp. Ông Phan Văn Cường – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Can Lộc cho biết: Chăn nuôi theo hướng tập trung, liên kết đã đem lại hiệu quả rõ rệt đối với ngành chăn nuôi trên địa bàn Can Lộc. Hiện nay các địa phương đang tiếp tục thành lập các HTX, các tổ hợp tác chăn nuôi trong đó chú trọng hình thức nuôi liên kết. Bên cạnh đó, quy mô các trại nái trên địa bàn sẽ đảm bảo cung ứng con giống cho các mô hình. Đây là điều kiện thuận lợi để Can Lộc tiếp tục phát triển chăn nuôi, đưa tỷ trọng chăn nuôi lên 60% trong cơ cấu nông nghiệp.
Từ những kết quả bước đầu đó, thời gian tới huyện Can Lộc tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi với mục tiêu tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, hỗ trợ người dân áp dụng tiến bộ KHKT vào chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh, giá trị gia tăng, phát triển bền vững, góp phần nâng cao thu nhập và bảo vệ môi trường.
Phương Mai – Anh Đức / Can Lộc