Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu thì cho rằng công tác kiểm tra không tới nơi tới chốn: “Kiểm tra thì đến hẹn lại lên, kiểm tra thì người ta biết. Kiểm tra thì tủ lạnh đầy ắp cá thịt. Đoàn về thì dẹp ngay. Sáng đón trẻ vào thì bạo hành, đến khi cha mẹ đón về thì thấy được tắm rửa sạch sẽ, ngồi hát với bảo mẫu... Người ta có đủ kiểu đối phó”.
Bà Nguyễn Thị Thùy Trang - Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Thành cho biết phường đi kiểm tra kiểm tra hành chính và các quy định mầm non tại cơ sở Mầm Xanh vào tháng 9/2017 thì đầy đủ các giấy tờ, hồ sơ hoạt động theo quy định. Gần nhất là kiểm tra vào ngày 23/11, phường lập quyết định lập biên bản xử phạt hành chính cơ sở này do không có hợp đồng lao động. Hai cô bảo mẫu không có bằng cấp chuyên môn. Chủ cơ sở giải thích là họ mới vào làm, chưa kịp làm hợp đồng lao động.
Lớp mầm non Mầm Xanh bị đình chỉ vào chiều ngày 26/11/2017. |
Cũng như nhiều vụ bạo hành trẻ mầm non khác, chỉ khi nào báo chí vào cuộc thì việc bạo hành trẻ mầm non mới được đưa ánh sáng chứ không phải do cơ quan quản lý phát hiện. Như vậy có thể nói việc kiểm tra của cơ quan chức năng không có hiệu quả trong việc phát hiện các vụ bạo hành trẻ mầm non.
Lớp mầm non Mầm Xanh được phường Hiệp Thành (quận 12, TPHCM) cấp giấy phép từ tháng 9/2014 do bà Phạm Thị Mỹ Linh (quê Lâm Đồng) làm đại diện. Có 36 trẻ đang được giữ tại lớp này, đa phần là con của các công nhân. Không biết rằng trước khi cơ sở này bị đình chỉ vào chiều ngày 26/11/2017 thì có bao nhiêu trẻ đã bị bạo hành trong thời gian cơ sở hoạt động hơn 3 năm nay?
Nếu việc kiểm tra của cơ quan chức năng không có hiệu quả trong việc phát hiện trẻ mầm non bị bạo hành, đã đến lúc phải cải tiến cơ chế kiểm tra các cơ sở mầm non. Có nhiều ý kiến cho rằng cần tăng cường vai trò của người dân sống gần các cơ sở mầm non. Chính ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM thừa nhận trong cuộc họp chiều 30/11 rằng nhờ người dân mới phát hiện được các vụ hành hạ trẻ em.
Tuy nhiên, người dân không phải lúc nào cũng dễ dàng phát hiện việc trẻ bị bạo hành khi các cơ sở có xu hướng bạo hành thì lại hay “cửa đóng, then cài”. Bà Nga - chủ nhà cho bà Phạm Thị Mỹ Linh thuê nhà mở cơ sở mầm non cho biết, khi mới cho thuê, giữa hai bên đã thỏa thuận mở cửa sổ (hướng vào sân nhà bà Nga) để lớp học thoáng mát và đón ánh nắng. Tuy nhiên, không lâu sau, bà Linh đóng cửa sổ và viện lý do sợ trẻ con nhìn ra cửa sổ, mất tập trung. Kể từ đó, không có nơi nào để bên ngoài có thể quan sát việc làm của các bảo mẫu ở bên trong.
Mặt khác, không phải người dân nào cũng sẵn sàng tố giác hành vi vi phạm vì tâm lý thông thường của người ta là muốn “yên thân”, “dĩ hòa vi quý”. Hơn nữa, giả sử người dân có tố giác cơ sở mầm non bạo hành trẻ thì biết tố giác với ai, và ai sẽ giải quyết khi mà sau 2 lần kiểm tra, chính các cơ quan chức năng cũng không phát hiện được hành vi bạo hành trẻ?
Trẻ được gửi tại cơ sở Mầm Xanh được thăm khám về sức khỏe |
Tôi nghĩ rằng, một kênh giám sát hiệu quả và thiết thực mà bấy lâu nay bị bỏ ngỏ là phụ huynh có con gửi trẻ, đây chính là người trong cuộc và người quan tâm sát sườn nhất đến quyền lợi và sự an toàn của trẻ. Nếu như có cơ chế mới cho phép phụ huynh được kiểm tra các cơ sở mầm non vào bất kỳ thời điểm nào mà phụ huynh muốn thì các cơ sở mầm non không thể mặc sức đánh đập trẻ tàn bạo như ở cơ sở Mầm Xanh.
Sở dĩ các cơ sở mầm non nhỏ lẻ như Mầm Xanh có thể thẳng tay bạo hành trẻ cũng vì họ không hề sợ bị phát giác. Do vậy, nếu phụ huynh được phép vào thăm con em đang được gửi ở các cơ sở mầm non để có thể kịp thời phát hiện những hành vi "khả nghi" thì chắc chắn sẽ giảm thiểu được nguy cơ bạo hành trẻ ở những nơi tưởng như rất êm ấm này.
Tác giả: Nguyên Chi
Nguồn tin: Báo Dân trí