Tin

Cẩm Xuyên: Bài toán nhập trường hành trình đi đến đáp số

Sau 3 năm (2012 – 2015) thực hiện chủ trương của Hội đồng nhân tỉnh về việc quy hoạch mạng lưới trường lớp đến năm 2020 và những năm tiếp theo, đến nay ngành GD&ĐT huyện Cẩm Xuyên đã tham mưu cho UBND huyện ra quyết định sáp nhập các  trường THCS có quy mô nhỏ và đã đạt được một số kết quả nhất định. Theo đó, từ chỗ có 25 trường THCS vào năm 2010 (trên tổng số 27 xã, thị trấn), đến nay chỉ còn 17 trường, và đang tiếp tục thực hiện quy hoạch để nhập Thiên Cầm với Cẩm Nhượng. Và như vậy, sẽ ổn định 16 trường THCS trên địa bàn trong giai đoạn tiếp theo.

Để có được kết quả đó trong sự đồng thuận, thấu hiểu và chia sẻ của nhân dân –  phòng GD&ĐT đã tích cực tham mưu cho HĐND, UBND huyện ban hành các quyết định, các văn bản chỉ đạo và đặc biệt đã làm tốt công tác tuyên truyền đến với các tầng lớp quần chúng nhân dân.

Sau sáp nhập, phòng GD&ĐT đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng quản lý, chất lượng giảng dạy và các hoạt động ngoại khóa nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Đó cũng chính là mục tiêu số một của việc mở rộng quy mô trường lớp đã đặt ra.

10393688_787149614638319_2232435469682576917_n

Trường THCS Minh Lạc

Dù đã đạt được một số kết quả bước đầu sau nhập trường song khó khăn, tồn tại vẫn còn nhiều. Bên cạnh những đơn vị sau khi nhập đã chuyển về học tại một điểm trường như Huy Nam Yên, Đại Thành, Phúc Thăng thì các trường Mỹ Duệ, Sơn Hà, Minh Lạc (và sắp tới Thiên Cầm và Cẩm Nhượng) vẫn còn học tại hai điểm trường do chưa đủ các hạng mục tối thiểu để đưa về học một chỗ. Điều đó tạo nên sự khó khăn trong công tác quản lý và xây dựng các phong trào thi đua ở các nhà trường. Không những vậy, các hạng mục cơ sở vật chất tại nơi điểm lẻ đang dần xuống cấp, không còn sự đầu tư chăm lo đã tạo nên sự thiếu thốn, tạm bợ. Đặc biệt các điều kiện dạy và học khác như thiết bị thí nghiệm, thực hành; thư viện; công tác chăm lo sức khỏe ban đầu cho học sinh; … ở những nơi đó lại càng thiếu thốn. Nguồn lực để xây dựng các nhà trường chủ yếu được huy động từ sự đóng góp của phụ huynh, của nhân dân trên địa bàn theo từng năm học. Các nguồn từ ngân sách nhà nước được chi hằng năm cho các nhà trường nhằm xây dựng cơ sở vật chất vô cùng ít ỏi, trong khi đó các dự án xây trường lớp trong những năm qua gần như vắng bóng. Nguồn hỗ trợ cho các trường sau sáp nhập, các trường xây dựng đạt chuẩn Quốc gia vẫn còn hạn chế.

1506705_713347898685158_474132556_nTrường THCS Đại Thành

Cẩm Xuyên là huyện thuần nông đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới, thu nhập của nhân dân chưa cao, các loại hình thương mại dịch vụ chưa mạnh, các mô hình sản xuất, chăn nuôi cũng mới bước đầu được xây dựng thì việc huy động nguồn lực từ dân để xây dựng cơ sở vật chất của các trường học ngang tầm với các yêu cầu nhiệm vụ hiện nay và lâu dài quả là một điều hết sức khó khăn.

Vì vậy, bài toán nhập trường trên địa bàn mặc dù đã tìm ra được hướng giải nhưng hành trình đi đến đáp số của nó vẫn còn không ít gian nan. Để đi đến đáp số của bài toán này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng bộ và nhân dân huyện nhà trong nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Quốc Hà / Phòng GD Cẩm Xuyên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP