Đó là trường hợp của dì Huỳnh Thị Lợi 57 tuổi trú tại Tổ dân phố 8, phường Hương Hồ, Thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Dì Lợi có 4 người con, một người đang đi học nghề ở xa nhà, những người con còn lại, người bán nước mía, người làm thợ may, người con trai đầu thì làm thợ sơn, lương không ổn định, nay đây mai đó thật sự rất khó khăn. Bản thân dì Lợi thì làm nông phụ giúp chồng. Chồng dì Lợi là ông Tôn Thất Tư, 63 tuổi, hiện tại cũng đang ở nhà trông cậy vào mấy sào ruộng để kiếm tiền cho dì Lợi chữa bệnh.
Nhắc đến hoàn cảnh gia đình, dì Lợi rưng rưng nước mắt: “Nhà dì khó khăn lắm con ơi. Cả nhà dì làm nông, đến mùa vụ thì may ra còn có được vài ba trăm ngàn, lúc mất mùa thì coi như trắng tay. Nhiều khi túng thiếu quá, dì phải ra chợ bán vài mớ khoai kiếm được đôi ba chục ngàn để ăn cho qua ngày.”
Dì Lợi nói tiếp: “Chồng dì chừ cũng già yếu lắm rồi, ông bị bệnh hẹp van tim, người hay đau ốm, mệt mỏi. Mắt ông chừ cũng không thấy rõ, chỉ nhìn được mờ mờ, thấy được khoảng 30% thôi”. Nói rồi dì Lợi lấy tay lau nước mắt.
Dì Huỳnh Thị Lợi, 53 tuổi đang nằm tại phòng 308, Trung tâm Ung bướu, bệnh viện Trung ương Huế |
Vào khoảng tháng 11 năm 2016, dì Lợi cảm thấy có những hiện tượng lạ trong người nên đã đi khám và được các bác sĩ chỉ định mắc bệnh ung thư sàn miệng. Mặc dù rất lo lắng nhưng khi nghĩ đến hoàn cảnh gia đình khó khăn, dì Lợi không nhập viện ngay sau đó mà dùng thuốc ngoài. Sau một thời gian dài dùng thuốc ngoài mà vẫn không khỏi, dì Lợi nhập viện vào đầu tháng 8 năm 2017 với biểu hiện khối u đã to ra, đau nhức, lở loét.
Dì Huỳnh Thị Lợi chia sẻ: “Dì đi khám bệnh và phát hiện bệnh lâu rồi nhưng mà do hoàn cảnh gia đình khó khăn quá, tiền mô mà nằm viện. Nghe nhiều người nói khám chỗ ni chỗ tê tốt thì dì cũng đi khám rồi uống thuốc mà uống nhiều rồi vẫn không khỏi. Đến giờ chừ bệnh nặng quá rồi nên mấy đứa (con) mới bắt dì vô viện để điều trị”.
Dì Lợi được các bác sĩ chuẩn đoán là ung thư sàn miệng tại chỗ, chưa di căn, nhưng khối u và vết loét thì đã khá nặng. Hiện tại, dì Lợi đang trong ngày thứ 2 của đợt xạ trị thứ hai. Đợt xạ trị thứ nhất là khoảng 20 ngày trước. Trong những đợt xạ trị như thế này, dì Lợi cảm thấy trong người mệt mỏi, bủn rủn tay chân không làm được gì, chỉ nằm một chỗ, ăn uống cũng rất khó khăn. Khi mẹ nằm viện, anh Nguyễn Bá Dũng - con rể của dì Lợi, là người luôn túc trực tại bệnh viện để trông nom, chăm sóc cho mẹ.
Dì Lợi đang trong quá trình xạ trị đợt 2 |
Anh Nguyễn Bá Dũng, con rể dì Lợi chia sẻ: “Gia đình tôi thì không có nhiều tiền, hoàn cảnh gia đình cũng gặp nhiều khó khăn. Con cái của mẹ bây giờ phải lo đi làm để phần nào kiếm thêm tiền cho mẹ chữa trị. Có mấy đứa đòi nghỉ làm để vào chăm sóc mẹ nhưng tôi không cho, phải đi làm còn kiếm tiền lo cho mẹ, được đồng nào hay đồng ấy. Khi nào rảnh thì lên chăm sóc mẹ thay tôi. Gia đình cũng đã đi vay mượn của anh em họ hàng, bà con hàng xóm mỗi người một ít. Nay đã gần 50 triệu đồng nhưng mà còn nước còn tát, tôi chưa bao giờ từ bỏ hi vọng cứu sống mẹ.”
Anh Dũng hiện tại cũng mới mở một cửa hàng buôn bán giống cây trồng. Để mở được cửa hàng này, anh cũng đã vay vốn ngân hàng một khoản tiền không nhỏ. Nay chưa được bao lâu thì nghe tin mẹ vợ mắc bệnh nặng. Anh buồn rầu: “Tôi cũng chỉ mới làm được mấy tháng nên cũng không có nhiều tiền để chạy chữa cho mẹ. Nay mẹ bệnh nặng nằm viện thế này, tôi rất lo và thương mẹ của tôi. Mẹ vợ thì cũng là mẹ mình, mẹ tôi sống tình cảm lắm nên giờ mẹ đau ốm, tôi cũng không ngại khó khăn để chăm sóc bà, chỉ mong sao mẹ khỏe hơn là tôi an lòng”.
Anh Dũng – con rể, đang đút cháo cho dì Lợi |
Được biết, trong khi dì Lợi đang xạ trị đợt 2 ở Trung tâm Ung bướu thì con dâu của dì cũng vừa mới nhập viện. Con trai của dì thì lại bận làm ăn không thể bỏ công việc được, vậy là anh Dũng, con rể của dì Lợi cũng phải vừa chăm sóc mẹ, vừa chăm sóc cho vợ của anh mình.
Khi hỏi về bệnh tình của dì Huỳnh Thị Lợi, Bác sĩ Đặng Hoàng An – Phó khoa Hóa trị - Trung tâm Ung bướu – Bệnh viện Trung ương Huế cho biết: “Bệnh nhân Huỳnh Thị Lợi nhập viện trong tình trạng u sàn miệng lớn, xâm lấn toàn bộ vùng dưới cằm, sưng nề đỏ và có dấu hiệu hoại tử. Sau khi vào viện và theo dõi thì bước đầu đã được tiến hành xạ trị để làm tiêu giảm khối u. Tuy nhiên, tổn thương ở vùng cằm này rất khó lành, vì khối u nằm ngay trong vùng sàn miệng, mà vùng miệng sẽ tiết enzim làm tiêu hủy các cơ, mô làm cho vết thương không liền được. Hiện tại, ngoài việc nâng cao thể trạng cho bệnh nhân thì các bác sẽ sẽ tiến hành xạ trị thêm nhiều đợt để ngăn chặn sự phát triển của khối u. Mặc dù vậy thì phương pháp này cũng chỉ là kéo dài thời gian”.
Khối u sàn miệng và vết loét dưới cằm của dì Lợi |
Sau buổi gặp gỡ và tâm sự với dì Huỳnh Thị Lợi và người nhà của dì, tôi cảm thấy rất xúc động và cảm thông sâu sắc với hoàn cảnh của dì. Mặc dù bệnh tình của dì Lợi đã chuyển qua giai đoạn “xế chiều” nhưng tôi luôn hi vọng rằng sẽ có một phép màu đến với dì. Tôi tin rằng, ở đâu đó, vẫn có rất nhiều những tấm lòng hảo tâm luôn dõi theo để giúp đỡ những hoàn cảnh, số phận như dì Lợi.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 2705: Anh Nguyễn Bá Dũng (con rể dì Lợi), Tổ dân phố 8, phường Hương Hồ, Thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế ĐT: 0165-205-4976 |
Tác giả: Bạch Châu – Đại Dương
Nguồn tin: Báo Dân trí