Bộ GD-ĐT vừa công bố chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT) mới. Theo đó, việc đào tạo từ cấp Tiểu học đến THPT sẽ có nhiều sự thay đổi theo yêu cầu mới là phát huy năng lực, toàn diện cho học sinh.
Tuy nhiên, để thực hiện tốt nhiệm vụ của chương trình mới thì các địa phương cần phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường lớp, sách giáo khoa...
Để thực hiện tốt nhiệm vụ của chương trình mới thì các địa phương cần phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết về đội ngũ giáo viên, giảm tải số lượng học sinh/lớp (ảnh minh họa) |
Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu bày tỏ băn khoăn: Đội ngũ cán bộ giáo viên hiện đang trong biên chế của ngành thì đang được bồi dưỡng, tập huấn để có thể thực hiện chương trình mới. Tuy nhiên, việc tuyển giáo viên mới thì hiện tỉnh đang lúng túng khi đưa ra tiêu chí, tiêu chuẩn trong tuyển dụng như thế nào để tránh việc tuyển xong lại đưa đi đào tạo, bồi dưỡng lại. Hiện chúng ta đang thực hiện tinh giản biên chế thì phải sắp xếp làm sao để không xảy ra thừa thiếu giáo viên.
Ngoài ra, các trường còn đang lúng túng về việc giảng dạy tích hợp liên môn và việc bổ sung trang thiết bị như thế nào để tránh sự lãng phí.
Lo lắng về việc bồi dưỡng cho giáo viên để giảng dạy tích hợp liên môn cũng là ý kiến của đại diện tỉnh Phú Yên. Theo đó, địa phương mong muốn Bộ GD-ĐT có hướng dẫn cụ thể hơn để địa phương tập huấn, trang bị kiến thức cho giáo viên trong việc giảng dạy tích hợp theo chương trình GDPT mới.
Băn khoăn bố trí thời gian học phù hợp
Nội dung chương trình giáo dục địa phương và tổ chức dạy 2 buổi/ngày đối với bậc Tiểu học như thế nào cũng là vấn đề băn khoăn của nhiều địa phương.
Ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Lào Cai cho biết, tỉnh đã tổ chức nhiều mô hình trường học phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương như mô hình trường học nông trại, trường học du lịch, trường học đa văn hóa. Tuy vậy, khi triển khai chương trình GDPT mới, ở cấp Tiểu học sẽ học 2 buổi/ngày thì tỉnh đang gặp vướng mắc là chưa biết tổ chức các hoạt động như thế nào cho phù hợp.
Đại diện lãnh đạo ngành Giáo dục ở các địa phương đã bày tỏ băn khoăn, đề xuất tại Hội nghị trực tuyến triển khai chương trình GDPT mới diễn ra chiều 9/1 |
Hiện nay, học sinh học 2 buổi /ngày, 1 ngày học sinh học 7 tiết. Như vậy, theo quy định này, một ngày còn thời lượng khoảng 1 giờ, nếu cho học sinh về thì ảnh hưởng rất nhiều đến việc đón con của phụ huynh học sinh. Thời gian 1 giờ ấy thì các trường còn đang chưa biết tổ chức các hoạt động như thế nào.
Lào Cai cũng tổ chức kỹ năng sống, giáo dục thể chất, văn hóa, văn nghệ... cho học sinh nhưng lại trùng với nội dung dạy 2 buổi/ngày. Mặt khác, trong quy định của ngành Giáo dục, các trường dạy 2 buổi/ ngày không tổ chức dạy thêm học thêm nên tỉnh Lào Cai còn đang lúng túng tổ chức dạy học để cho phù hợp.
Khi giảng dạy theo chương trình GDPT mới, ngoài vấn đề về giáo viên thì các địa phương cũng rất cần có bộ sách giáo khoa chuẩn để giáo viên có thể giảng dạy hiệu quả.
Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội nêu quan điểm Hà Nội như vậy và mong rằng, thành phố cần hơn tới việc đầu tư về cơ sở vật chất trường học để giảm tải số lượng học sinh/lớp ở những khu vực có đông dân cư, trường học có nhiều học sinh để nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập./.
Tác giả: Bích Lan
Nguồn tin: Báo VOV