Giải trí

BTV Diễm Quỳnh cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn từ khi có con nhỏ

"Tôi thấy cuộc sống của mình vui và ý nghĩa hơn. Một ngày trôi qua cũng nhanh và nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Ban ngày ở cơ quan cũng thấy trôi qua rất nhanh và buổi tối về nhà với gia đình cũng thế...", BTV Diễm Quỳnh tâm sự.

Chị là một trong những người đầu tiên được lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam phân công về VTV6 từ những ngày đầu tiên. Hơn 10 năm làm việc trong môi trường VTV6, chị cảm thấy bản thân có nhiều áp lực không?

Tôi cảm thấy áp lực và cả VTV6 đều cảm thấy áp lực chứ không riêng gì tôi. Cách đây 10 năm, khi mở kênh VTV6 thì mọi người cảm thấy hân hoan lắm. Ai cũng thích vì có 10 chương trình mới và chắc chắn sẽ có nhiều người xem. Hồi đó mình chỉ nghĩ đớn giản, tôi làm chương trình ra thì mọi người phải xem chứ. Và đúng là thời kỳ đầu mọi người xem nhiều thật nhưng càng về sau mọi người không xem nữa, kể cả VTV3, VTV1 và kể cả những thứ mình nghĩ đã quá gắn bó với cuộc sống.

Bản thân tôi chẳng hạn, một ngày đẹp trời tôi phát hiện ra lâu lắm rồi tôi không xem VTV3 dù ngày xưa tôi là người của VTV3. Lâu lắm rồi tôi không xem chương trình âm nhạc này, bộ phim kia. Mới đây, bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” gây hiệu ứng lớn như thế nhưng tôi cũng không xem tập nào cho đến khi mọi người bảo phim này hay lắm mới nháo nhác mở mạng ra xem. Bản thân tôi thấy mình đã thay đổi rất nhiều. Cho nên áp lực làm thế nào để khán giả tiếp tục cầm điều khiển mở tivi ra xem là rất lớn.

Nhà báo Diễm Quỳnh trong buổi họp báo của VTV6 mới đây.

Đã bao giờ chị áp lực tới mức muốn chuyển qua một kênh sóng khác để làm?

Tôi vốn không phải được đào tạo từ đầu để làm truyền hình. Việc tôi đến với truyền hình gần như là số phận vậy, tức là nghề chọn mình nhiều hơn. Tôi đến với truyền hình từ những vị trí nhỏ nhất như người dẫn chương trình, trợ lý sản xuất rồi trực tiếp chịu trách nhiệm sản xuất… Trong quá trình đó tôi nhận thấy mình rất yêu thích công việc này vì nó luôn khiến tôi phải thay đổi.

Người ta có thể mặc cùng một bộ quần áo trong nhiều dịp nhưng không thể bắt khán giả phải xem đi xem lại một chương trình. Việc phải đổi mới thường xuyên tạo cho tôi những hứng thú để gắn bó với công việc. Thực ra, áp lực của tôi ở đây là làm thế nào để khán giả xem chương trình cảm thấy có sự thay đổi. Nó không giống kiểu áp lực quá thì mình đi ra chỗ khác, làm công việc khác.

Slogan của VTV6 năm 2018 là ''Cuộc dịch chuyển thế hệ số”. Mục đích của cuộc dịch chuyển lần này là gì thưa chị?

Kênh VTV6 đã có 10 năm và năm 2018 là năm thứ 11 của chúng tôi. Qua rất nhiều lần thay đổi về nội dung và thông điệp truyền ra trong các năm thì năm thứ 11 này là năm phải làm một việc rất quan trọng mà lãnh đạo đài giao cho kênh. Đó là một lần nữa phải kết nối với khán giả, đặc biệt là phải có những chương trình phù hợp với nội dung của xu thế bây giờ là xu thế công nghệ 4.0.

Trong nhiều nghiên cứu của chúng tôi, khán giả của VTV6 những năm gần đây đã thực sự là thế hệ khán giả công nghệ số. Họ thực sự rất năng động và nếu không thay đổi định vị format thì khó có thể giữ được khán giả ở lại với kênh. Đây không chỉ là mong muốn của tự thân chúng tôi mà còn là mong muốn của cả khán giả. Mong muốn chung của toàn VTV là khán giả ở đâu thì VTV ở đó. Chúng tôi sẽ phải tìm ra khán giả và kéo họ trở lại với truyền hình.

Điểm nhấn của sự dịch chuyển này là thế hệ số. Chủ thể của thời đại sẽ xuất hiện trên kênh với những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm, đời sống và mối quan tâm của họ.

Nhiều người cho rằng, VTV6 là kênh truyền hình dành cho những người trẻ. Trong khi chị lại không còn ở độ tuổi đó nữa để có thể có được sự trẻ trung gần với những người trẻ. Chị có nghĩ là mình đang là “bà già đeo nơ”, đúng như “biệt danh” mọi người đặt cho chị?

Dù đã đảm trách cương vị quản lí nhiều năm nhưng Diễm Quỳnh vẫn là một dẫn chương trình duyên dáng của "Giai điệu tự hào".

Tôi không nghĩ cứ kênh truyền hình dành cho người trẻ thì phải là những người trẻ cầm trịch. Rất nhiều kênh của VTV hiện nay có những người thủ lĩnh là những người làm nghề lâu năm. Chẳng hạn kênh VTV7 là kênh dành cho thiếu nhi nhưng người cầm trịch cũng là một bạn đã có bề dày làm việc ở VTV 20 năm.

Tôi nghĩ rằng, việc triển khai một kênh truyền hình thì phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Điều quan trọng là khi mình tiếp cận được với khán giả phải có những nhân sự phù hợp để hiểu được đối tượng khán giả đấy. Chẳng hạn tôi khó có thể hiểu được một cách tường tận về những bạn trẻ 18 - 20 tuổi nhưng kênh của chúng tôi lại có những người có thể làm được việc đó. Mong muốn của chúng tôi khi đặt ra là những người đang học đại học muốn gì, những người mới ra trường muốn gì và những người mới lấy chồng - lấy vợ mong muốn gì.

Ê-kíp của chúng tôi có hơn 100 người, trong đó có nhiều thành viên 8x, 9x. Tôi tin họ không cần “đeo nơ” vì họ đang sống trong cộng đồng ấy và những phát hiện của họ trong chính cộng đồng của mình giúp tôi rất nhiều trong việc lên format nội dung. Có sự phản biện của nhóm già và nhóm trẻ. Nhóm già thì luôn luôn hướng tới việc định hướng đúng chưa, tính giáo dục của chương trình ra sao. Nhóm trẻ phản biện lại rằng định hướng gì thì định hướng nhưng cũng phải hay, phải hấp dẫn, phải là những gương mặt mà thế hệ họ muốn xem.

Và sau nhiều lần trao đi đổi lại thì cuối cùng chúng tôi tìm được hướng đi chung dù làm như thế thì rất tốn thời gian. Những cuộc khởi động thường dài hơn rất nhiều.

Đảm trách cương vị quản lý của một kênh truyền hình với một khối lượng công việc đồ sộ, áp lực thường xuyên, lại còn mới sinh em bé… Chị phải cân bằng cuộc sống của mình như thế nào?

Thú thật là việc có em bé ở tuổi U50 rất khác so với thời điểm tôi làm người dẫn của chương trình MTV cũng như thời điểm có em bé đầu tiên. Tại vì thời điểm đó, khả năng sắp xếp cuộc sống của mình vẫn chưa được tốt. Bản thân chưa có kinh nghiệm nuôi con, chưa có kinh nghiệm trong công việc nữa.

Trải qua một thời gian dài tôi đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong công việc lẫn công tác quản lý. Ngoài ra, tôi cũng biết cách sắp xếp công việc hơn, biết việc nào quan trọng làm trước, việc nào chưa cần kíp thì làm sau.

Trong thời gian nghỉ sinh em bé thì tôi “off” khỏi công việc. Tôi không phải chịu cảnh vừa ôm con, vừa nghĩ việc nọ, việc kia. Khoảng thời gian nghỉ đối với tôi như là khoảng thời gian “sạc lại pin” để khi quay lại với công việc tôi rất hứng khởi, kiểu như lâu lắm rồi không được đi làm.

Và bây giờ khi đi làm trở lại thì một ngày bắt đầu từ 8h30 sáng đến 19h. Công việc lại rất là mới - nhiều - nặng… nhưng nó lại khiến cho mình quên đi những lo lắng thường tình của một “bà mẹ bỉm sữa”. Đến tối về ôm con, nhìn con cười, chơi những trò của một đứa trẻ 10 tháng… tôi có thể bỏ qua một bên những nỗi lo công việc.

Chính ra giai đoạn này tôi lại cảm thấy hai nguồn năng lượng bổ trợ cho nhau tốt hơn. Tôi thấy cuộc sống của mình vui và ý nghĩa hơn. Một ngày trôi qua cũng nhanh và nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Ban ngày ở cơ quan cũng thấy trôi qua rất nhanh và buổi tối về nhà với gia đình cũng thế.

Diễm Quỳnh cùng các cộng sự ở VTV6.

Ai là người hỗ trợ chị trong quãng thời gian chị bận bịu với công việc ở cơ quan?

Tôi có một con gái năm nay đã 18 tuổi, đang học đại học năm thứ nhất. Ngoài ra, nhà cũng có một bác giúp việc nữa. Nhờ thế mà tôi mới nói bây giờ tôi sướng hơn ngày xưa rất nhiều. Ngày xưa có em bé tôi phải vừa phải trông con, vừa cơm nước, việc cơ quan nữa.

Rồi còn phải lo việc chuẩn bị trang phục để lên sóng. Còn bây giờ tôi không phải lo việc đó nên nếu có béo một chút cũng không lăn tăn lắm. Kể cả việc ăn mặc cũng không phải để ý từng li từng tí một cách nghiêm cẩn như hồi còn dẫn chương trình trên VTV3.

Bây giờ 19h đi làm về thì con gái lớn đã đi chợ cơm nước xong xuôi. Bạn ấy còn giúp tôi làm việc nhà và lo chuyện ăn uống cho em bé. Tôi nghĩ là việc có thêm em bé nữa cũng khiến cho em bé lớn trở nên lớn hơn.

Cảm ơn chị đã chia sẻ thông tin.

Tác giả: Hà Tùng Long

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP