Trong nước

Bô xít thu lãi nghìn tỷ

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng thông tin dự án bô xít, nhôm Lâm Đồng của TKV lỗ hơn 3.000 tỷ trong 3 năm qua là không chính xác. “Đây là lỗ theo kế hoạch, còn năm nay cắt lỗ 1.000 tỷ cùng với lãi 1.000 tỷ nữa vậy là năm nay TKV lãi 2.000 tỷ”, ông khẳng định.

Thông tin tại buổi làm việc giữa tổ công tác của Thủ tướng với Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (TKV) vào sáng nay, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng rất nhiều khoáng sản của chúng ta nếu chế biến sâu sẽ lỗ thay vì xuất khẩu ngay từ công đoạn chi phí thấp nhất.

Ông dẫn chứng, dự án bô xít Tân Rai và Nhân Cơ là 2 dự án hết sức quan trọng, đầu tư rất lớn và giải thích thêm, thông tin TKV lỗ hơn 3.000 tỷ trong 3 năm qua là không chính xác.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải

“Đây là lỗ theo kế hoạch, đáng lẽ 5 năm được lỗ thì 3 năm qua lỗ hơn 3.000 tỷ. Năm nay là năm thứ tư dự án Tân Rai theo kế hoạch là cắt lỗ. Nếu trung bình cứ 1 năm lỗ 1.000 tỷ, nếu năm nay cắt lỗ 1.000 tỷ cùng với lãi 1.000 tỷ nữa vậy là năm nay TKV lãi 2.000 tỷ”, Thứ trưởng Công thương giải thích.

Ông cũng nhấn mạnh: “Đây là chính sách của Bộ Chính trị, của Đảng, Nhà nước chứ không phải của TKV, cũng không phải của Bộ Công thương, chúng tôi chỉ là người thực hiện thôi”.

Ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc TKV cho biết 6 tháng đầu năm 2017, sản xuất alumin quy đổi là 579.069 tấn, đạt 51,9% kế hoạch năm và bằng 200% so với cùng kỳ năm 2016.

Năm 2017, dự án alumin Nhân Cơ đi vào hoạt động. Tổ hợp bô xít nhôm Lâm Đồng sau hơn 3 năm đầu vào hoạt động còn lỗ thì 6 tháng đầu năm 2017 đã có lãi 50 tỷ đồng.

Không thể bỏ qua các vấn đề xã hội

Liên quan đến việc tồn kho hơn 9 triệu tấn than mà tổ công tác yêu cầu giải trình, ông Hải thông tin thêm việc giảm 2 triệu tấn cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện của EVN nên tồn kho tăng thêm 2 triệu tấn. Thêm vào đó Chính phủ giao TKV khai thác thêm 2 triệu tấn than để góp vào tăng trưởng GDP 2017.

“Cần làm rõ hơn con số tồn kho khi khai thác than ra không phải bán ngay mà còn phải qua nhiều công đoạn mới bán được, ít ra phải lưu giữ 5 triệu tấn trong quá trình đưa đi tiêu thụ. Vì vậy đề nghị đánh giá chính xác con số tồn kho”, Thứ trưởng Hải nói.

Nói về yếu tố cạnh tranh, thị trường, Thứ trưởng Bộ Công thương lưu ý đối với TKV không chỉ là vấn đề về giá, cạnh tranh theo hướng thị trường mà TKV có khoảng 113.000 lao động. Số lao động này nuôi cả gia đình họ, vậy con số liên quan ngành than 600-700 nghìn và cả gần triệu người.

“Điều đó hết sức quan trọng, đây còn liên quan vấn đề lao động, công ăn việc làm, ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội. Chúng ta không thể chạy theo kinh tế mà bỏ qua các vấn đề ổn định chính trị xã hội”, ông nói.

Ngành than tự bỏ tiền để làm nhiệm vụ chính trị

Giải trình thêm về các đề nghị của tổ công tác, Chủ tịch Tập đoàn TKV Lê Minh Chuẩn khẳng định: “Tồn kho than là tồn kho chiến lược cho nền kinh tế. Nhiều lần ngành than tự bỏ tiền ra để đảm bảo nhu cầu năng lượng quốc gia, là nhiệm vụ chính trị”.

Chủ tịch Tập đoàn KTV Lê Minh Chuẩn

Ông cho rằng, việc tồn kho 9 triệu tấn là đã vượt qua định mức 1,5-2 triệu tấn. Nếu tăng tồn kho lên nữa tài chính ngành than rất khó khăn, vì đã nằm trong cân đối tài chính của ngành.

Theo Chủ tịch TKV năm nay có tăng thêm 2 triệu tấn, ngành tìm giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ trong và ngoài nước. Tuy nhiên ông cho rằng đề xuất của EVN giảm 2 triệu tấn than nữa, cùng với 2 triệu tấn kể trên sẽ tồn 4 triệu tấn.

“Nếu vậy tổng tồn lên đến 13-14 tiệu tấn, tài chính không thể chịu nổi, 4 nghìn công nhân có nguy cơ mất việc”, ông lo lắng

Vì vậy ông đề nghị Bộ Công thương yêu cầu EVN không được giảm 2 triệu tấn than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện.

Trước đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt 5 yêu cầu của Thủ tướng đề nghị TKV giải trình làm rõ, trong đó Thủ tướng đề nghị TKV có giải pháp xử lý hàng tồn kho 9 triệu tấn than.

Đồng thời rà soát các dự án đầu tư mà theo Bộ trưởng Dũng, có những lúc TKV đầu tư lên đến 448 dự án, hiện còn 321 dự án với tổng mức đầu tư 198.000 tỷ.

“Thủ tướng yêu cầu soát toàn bộ, gấp rút dự án nào chưa hoàn thành. Quan điểm của Thủ tướng là yêu cầu TKV đốc thúc tiến độ đầu tư, nếu kéo dài, không đầu tư được sẽ kém hiệu quả như dự án ở alumin ở Lâm Đồng”, ông nói.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu TKV rà soát giảm chi phí sản xuất và giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh. Cùng với đó là xử lý tình trạng khai thác vận chuyển kinh doanh than trái phép và vấn đề cơ cấu lại tập đoàn.

Tác giả: Thu Hằng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP