Kinh tế

Bố vợ đòi mua ô tô, 'chiến tranh' vì khoản tiền 200 triệu đồng

Gia đình tôi vừa trải qua tình trạng “chiến tranh lạnh” sau khi bố vợ quyết định dồn hết tài sản mua xe hơi.

Tháng trước, vợ tôi thông báo một tin bất ngờ rằng bố vợ tôi ở quê có ý định mua ô tô. Ông muốn vay vợ chồng tôi 200 triệu. Tôi giật nảy người khi nghe tin này bởi hoàn cảnh gia đình bên vợ cũng chẳng lấy làm khá giả. Hai ông bà chỉ có một gian hàng nhỏ buôn bán quần áo. Hàng tháng tiền lời lãi cũng chẳng được bao nhiêu, đã vậy còn đang phải nuôi cậu em vợ mới là sinh viên năm thứ 2.

Số tiền định mua xe bây giờ là tài sản tích góp cả đời của ông bà phòng khi về già đau ốm.

Lý do bố vợ tôi đưa ra là mua ô tô để tiện đi lại, đi xe mượn mãi cũng ngại. Thực chất, tôi biết ông muốn mua xe để hãnh diện với bạn bè làng xóm thôi, chứ nhu cầu gia đình tôi cũng chẳng cần gì tới ô tô cả. Ông có một nhóm bạn thân thiết gần nhà, cứ cuối tuần là rủ nhau đi ăn sáng bằng ô tô. Nghe bố tôi kể, hầu như ai cũng có xe cả rồi.

Nay nghe tin có một người hàng xóm cùng phố bán lại chiếc Toyota Fortuner cũ với giá 800 triệu, thế là bố tôi quyết mua cho bằng được. Chiếc xe này thì tôi cũng biết, chủ cũ mua về nhưng ít sử dụng. Xe đời 2015 nhưng còn gần như mới, đồng hồ mới được hơn 4 vạn km.

Bố vợ tôi quyết mua xe dù kinh tế không dư dả. Ảnh minh họa

Về giá cả thì tôi không dám chê đắt vì như thế là hợp lý. Nhưng tôi vẫn ngăn cản ông mua xe vì nhiều lý do.

Thứ nhất là mua xe bây giờ quá lãng phí, nhu cầu nhà tôi chẳng có việc gì phải dùng đến xe. Thứ hai là còn cậu em vợ chưa ra trường, đến khi đi làm, cưới vợ còn bao nhiêu việc nữa phải cần đến tiền. Cuối cùng là bố mẹ vợ tôi cũng có tuổi rồi, đã trên 50, bao nhiêu tài sản dồn hết mua ô tô thì đến khi về già sức yếu phải làm sao?

Hồi trước, lúc bố vợ mới đi học lái xe, tôi cũng đã gàn một lần nhưng không được. Ông nói bạn bè ông có đầy xe, muốn mượn lúc nào cũng được nên phải tập lái để nhỡ đâu nhà có việc cần. Bây giờ vừa học xong được vài tháng thì ông đòi mua xe luôn.

Mẹ vợ tôi cũng có ý tiếc tiền, không muốn mua nhưng lại không dám có ý kiến. Mọi việc trong nhà đều do bố tôi quyết hết. Cậu em vợ đang tuổi mải chơi, nghe tin sắp mua ô tô thì vui lắm, bảo rằng sẽ đăng ký tập lái sớm để tết này còn đi chơi.

Ngăn cản không được, tôi đành khuyên nhủ bố vợ tôi chuyển sang mua các dòng xe Kia Morning hoặc Hyundai I10. Tầm 300 triệu là cũng có một chiếc cũ đi tạm được rồi. Tiết kiệm được hẳn 500 triệu so với chiếc Fortuner định mua. Cuối cùng, bố vợ tôi vẫn không đồng ý, nói rằng đã mua xe thì phải mua xe hẳn hoi. Mua xe đắt tiền cho bền, sử dụng được lâu. Không thống nhất được quan điểm, gia đình tôi xảy ra chiến tranh lạnh cả tuần.

Ông còn tự ái nói thêm rằng đã dành cả đời nuôi vợ tôi và cậu em vợ rồi. Bây giờ có việc gì thì các con phải tự lo. Ông không lo tiếp nữa. Đến lúc này thì hai vợ chồng tôi đành đầu hàng, rút 200 triệu tiền tiết kiệm cho bố mượn và biếu bố thêm 50 triệu nữa. Nói thực, hai vợ chồng tôi cũng có 2 đứa con nhỏ nên cũng không dư dả nhiều.

Không biết ở những làng quê khác như thế nào chứ ở quê vợ tôi bây giờ đang có phong trào mua ô tô. Người dân dốc hết tài sản tiết kiệm ra để tậu xe, không ít nhà còn phải đi vay tiền bên ngoài. Ngay cả người chủ cũ của chiếc Fortuner này cũng vậy, vì mua xe mà phải bán đất vườn, bây giờ có việc cần tiền thì lại bán xe đi.

Bình thường thì bố vợ tôi cũng là người sống tiết kiệm lắm, ăn tiêu gì cũng phải đắn đo mãi. Thế mà đưa ra quyết định mua xe lại nóng vội như vậy. Giá như số tiền ấy đầu tư cho việc học hành của cậu em vợ thì tốt biết bao, hoặc ít ra thì khi ra trường chú ấy có một số tiền vốn để lo công việc hay làm ăn.

Sau 2 tuần có xe mới, bố mẹ vợ tôi đã đi thăm hết những người họ hàng ở xa lâu ngày chưa gặp. Chiếc xe bây giờ đang phủ bạt để ở sân. Nếu có dịp, tôi sẽ khuyên ông bán ngay trước khi chiếc xe mất giá quá nhiều.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP