Kinh tế

Bộ trưởng Công Thương “truy” Cục trưởng QLTT gay gắt vụ “cắt tai, mài bình” gas

Tại cuộc họp sáng nay (18/1), ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương đã bị Bộ trưởng Công Thương “truy vấn” khá gay gắt xung quanh vấn nạn “cắt tai mài vỏ”, sang chiết trái phép gas.

Quản lý thị trường kiểm tra một cơ sở kinh doanh gas

Chưa có chế tài xử phạt "cắt tai, mài vỏ" bình gas

Mới đây, Cục Cảnh sát phòng chống buôn lậu (C74 – Bộ Công an) và Cục Quản lý thị trường kiểm tra và phát hiện một có sở sang chiết gas có biểu hiện “cắt tai mài vỏ” tại Hòa Bình. Cụ thể, đó là cơ sở sang chiết gas của Công ty TNHH Khí dầu mỏ hóa lỏng Phúc Khang. Quá trình kiểm tra đã phát hiện đơn vị này đang sử dụng hàng trăm vỏ bình gas mang nhãn hiệu của các đơn vị khác.

Đề cập tới vụ việc này như một điểm “nóng” tại cuộc họp sáng 18/1 có sự tham dự của Bộ trưởng Công Thương, ông Trịnh Văn Ngọc – Cục trưởng Cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, vì không xử lý được hình sự cho nên tạo nhiều dư luận mà báo chí đề cập thời gian qua.

Theo ông Ngọc, cơ quản quản lý thị trường có bất cập đó là mặc dù thu giữ vỏ bình gas ở khu sang chiết song không có chế tài xử lý được, mà chỉ thực hiện tạm giữ đối với doanh nghiệp theo quy định vì chưa có chế tài xử lý hành vi chiếm giữ trái phép.

Đối với Công ty Phúc Khang, ông Ngọc cho biết, đây là doanh nghiệp nằm trên địa bản tỉnh Hoà Bình, xung quanh có tường cao vây quanh, Quản lý Thị trường rất khó phát hiện trong khi việc sang chiết gas lại thường diễn ra 2-3 giờ đêm và rạng sáng, đến 4h sáng xe mới chở ra.

“Mặc dù người ít, việc nhiều nhưng phải dành ra 10 đồng chí quản lý thị trường trinh sát cơ sở Phúc Khang này vì có bắt quả tang thì mới ngăn chặn hành vi chiếm giữ trái phép”, ông Ngọc nói.

Tuy nhiên đối với trường hợp này, ông Ngọc cho biết, nếu xử lý hành chính là không thỏa đáng, tước giấy phép 2 tháng không phù hợp. Mặc dù Cục phối hợp với C74 để làm tốt nhưng kết quả xử lý lại phụ thuộc vào cơ quan điều tra.

“Hành vi của Phúc Khang là thay đổi hình dạng kết cấu. Quan điểm của Cục là xử hình sự nhưng mà nếu phải xử lý hình sự thì thuộc cơ quan điều tra. Khi cục họp với công an tỉnh thì hành vi giả mạo muốn truy tố được phải trên 30 triệu đồng.

Vi phạm nghiêm trọng vậy mà giờ vẫn không nắm được

Sau phát biểu của ông Ngọc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng đây là vấn đề nhức nhối trong lĩnh vực kinh doanh khí, liên quan tới vấn đề vi phạm pháp luật mà nghiêm trọng hơn là nguy cơ mất an toàn cháy nổ, chiếm giữ trái phép vỏ bình chai LPG ở các đơn vị phân phối.

“Nguyên nhân chủ yếu là do khách quan, tức là quy định xử lý chưa hoàn thiện và đầy đủ để điều chỉnh chế tài hành vi có vi phạm pháp luật, chưa đủ mạnh và chưa đủ nội dung xác định xử lý hành vi đó”, Bộ trưởng nói.

Do vậy, Bộ trưởng đề nghị Cục trưởng Cục Quản lý thị trường làm rõ đã làm gì để kiểm tra đôn đốc vấn đề này. “Cục nói có cuộc họp, vậy ngoài ra có làm gì tiếp để thực thi và kiểm tra hiệu quả để giải quyết vấn nạn này không? Việc kiểm tra báo cáo đôn đốc, giám sát các địa phương như thế nào?”, Bộ trưởng truy vấn.

Bộ trưởng cho rằng, đây không phải là chỉ thị triển khai thường xuyên mà là nhiệm vụ đặc thù, bức xúc của xã hội, động chạm lớn lợi ích doanh nghiệp và môi trường kinh doanh, lợi ích của người tiêu dùng, hiệu lực quản lý của nhà nước.

Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng cho biết cơ quan truyền thông phản ánh rất đầy đủ, chi tiết lịch trình thời gian nhưng trong cuộc họp lại không có báo cáo chi tiết làm rõ mức độ vi phạm… Thay vào đó chỉ tập trung phân tích nguyên nhân khách quan, sơ sài.

“Trong thời gian qua xảy ra hiện tượng “cưa tai, mài bình”, chiếm dụng bình vỏ thì Cục đã quản lý như thế nào và làm những gì? Hiện tượng này biết từ khi nào, qua nguồn nào và xử lý thế nào? Phải mô tả và đánh giá đầy đủ”, Bộ trưởng yêu cầu.

Trước các vấn đề bật cấp về cơ chế xử lý mà Cục trưởng Quản lý thị trường nêu, Bộ trưởng nói: “Các vấn đề kiến nghị thì đã kiến nghị từ bao giờ, có phối hợp đơn vị trong Bộ để báo cáo hướng đề xuất xử lý chưa, nếu có tại văn bản nào?”.

Bộ trưởng cũng cho rằng, hoạt động cơ sở Phúc Khang không phải chỉ là chiếm dụng vỏ bình, “cắt tai, mài bình” mà còn là chiếm dụng và sang triết gas trái phép, tức là kinh doanh trái phép. “Vậy ngoài việc chủ động phối hợp C47 và cho rằng không đủ điều kiện để làm thêm thì Cục đã làm gì để tiếp phối hợp với các cơ quan khác, hay đến hôm nay mới có báo cáo chờ chỉ đạo của Bộ trưởng?”, Bộ trưởng nói.

Trả lời Bộ trưởng, ông Ngọc cho biết đã có nhiều văn bản chỉ đạo kiểm tra, cụ thể như ngày 5/5/2017 đã có văn bản chỉ đạo tăng cường kiểm tra các hoạt động và điều kiện kinh doanh, chấp hành quy định về quản lý kinh doanh đối với lĩnh vực gas, bao gồm cả sang chiết gas trái phép, cắt tai mài bình.

Cuối tháng 9/2017, trước tình trạng cơ quan truyền thông phản ánh kinh doanh chiếm dụng vỏ trái phép thì Cục đã tiếp tục có văn bản tăng cường kiểm tra các trạm chiết nạp và chiếm dụng vỏ chai, nếu có vi phạm đề nghị kiểm cơ quan điều tra.

“Sau khi có chỉ thị của Bộ trưởng, Cục đã họp và có văn bản ngày 5/10 chỉ đạo địa phương nghiêm túc chỉ thị của Bộ trưởng về kiểm tra rà soát các trạm chiết nạp, đặc biệt là các đơn vị có dấu hiệu vi phạm và kiên quyết kiểm tra”, ông Ngọc báo cáo.

Sau trả lời của ông Ngọc, Bộ trưởng cho rằng “những vụ việc nghiêm trọng vậy mà giờ vẫn không nắm được bao nhiêu địa phương, bao nhiêu đơn vị chưa có báo cáo, đi họp mà vẫn không nắm được là không được”.

Không phải chờ dân kêu mới đi kiểm tra

Tiếp đó, Bộ trưởng liên tục truy vấn là từ khi cơ quan truyền thông phản ánh, đã báo cáo lãnh đạo bộ xử lý vấn đề này thế nào. Trước câu hỏi của Bộ trưởng, ông Ngọc cho biết, đã có báo cáo Thứ trưởng, tuy nhiên ông này cũng thừa nhận chưa kịp thời báo cáo cho lãnh đạo. Và một lý do nữa là các văn bản hiện hành, theo ông Ngọc vẫn chưa đủ sức răn đe, nên sau kiểm tra, sự việc lại đâu vào đấy, lực lượng quản lý thị trường mỏng nên cũng không thể xử lý xuể.

Tại cuộc họp sáng nay, Bộ trưởng cũng truy vấn trách nhiệm của một số đơn vị khác thuộc bộ như Cục Quản lý Cạnh tranh, Thị trường trong nước và Vụ Khoa học Công nghệ trong công tác phối hợp xử lý những gian lận thương mại trong thời gian qua, đặc biệt là hiện tượng sang chiết trái phép, chiếm dụng thương hiệu, cắt tai mài vỏ bình gas. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Cục Quản lý Cạnh tranh không phải chờ dân kêu, người tiêu dùng thiệt hại mới đi rà soát, kiểm tra; Quản lý thị trường không phải chờ đến doanh nghiệp kêu cứu, khách hàng thiệt hại mới đi kiểm tra vi phạm.

“Trách nhiệm của các đồng chí là kiểm tra giám sát, là ngăn chặn những hành vi gian lận thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Nhìn lại các sự vụ xảy ra thời gian qua, chúng ta thấy một bài học cần rút ra ấy là công tác phối hợp, công tác tuyên truyền và đặc biệt là các đơn vị chức năng đã không đi đến tận cùng sự việc”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Theo ông, khi gian lận diễn biến phức tạp, hàng giả hàng nhái hoành hành thì cần phải nhìn nhận lại, các biện pháp phòng ngừa, kiểm tra, giám sát thời gian qua đã hợp lý, đủ sức răn đe chưa, chứ đừng đổ tội cho cơ chế, quy định pháp luật. “Cơ chế, quy định là do chính chúng ta xây dựng, khi thấy không phù hợp thì cần phải chỉnh sửa cho sát với thực tế”, ông nói.

Kết thúc cuộc họp, người đứng đầu ngành Công Thương yêu cầu, ngoài việc các đơn vị nghiêm túc rút kinh nghiệm, kiểm điểm trách nhiệm thì việc trước mắt Cục Quản lý Thị trường cần thành lập ngay Tổ công tác xử lý dứt điểm sự vụ doanh nghiệp Phúc Khang cũng như các đơn vị thời gian qua bị phát hiện cũng như dư luận xã hội phản ánh có sai phạm.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Cục Quản lý thị trường cần phối hợp với các đơn vị thuộc bộ và ngoài ngành làm rõ 4 hành vi vi phạm chủ yếu trong lĩnh vực khí hóa lỏng gồm cắt tai mài vỏ, chiếm dụng thương hiệu, sang chiết trái phép và vẩn chuyển sang chiết trái phép.

"Tổ công tác cần làm rõ 4 hành vi trên vi phạm điều khoản, quy định nào, mức xử phạt ra sao với từng hành vi vi phạm. Trên cơ sở kết quả kiểm tra kể trên, Tổ công tác cần làm việc với Hiệp hội Gas Việt Nam, doanh nghiệp có đơn tố cáo và chủ động làm việc với cơ quan truyền thông, người dân có đơn thư, phản ánh tố cáo các hành vi vi phạm để điều tra, làm rõ, đồng thời đề xuất phương án xử lý cụ thể", ông nói.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ra thời hạn một tuần để tổ công tác có báo cáo chi tiết việc điều tra xử lý. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị có liên quan cần tiến hành rà soát ngay các quy định hiện hành để tìm ra những tồn tại, kẽ hở mà doanh nghiệp có thể lợi dụng để gian lận thương mại, báo cáo, đề xuất phương án điều chỉnh cụ thể trên cơ sở xác định rõ hành vi nào xử phạt hành chính, hành vi nào cần hình sự hóa…

Tác giả: Nguyễn Khánh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP