Formosa xả thải

Bổ sung đối tượng được bồi thường thiệt hại do sự cố ô nhiễm môi trường biển

Theo Bộ NNPTNT, Bộ vừa có văn bản (lần thứ 3) hướng dẫn về kê khai, thống kê, phương pháp xác định và định mức thiệt hại để bồi thường, hướng dẫn bổ sung phương pháp tính thiệt hại và xác định định mức bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung.

Bổ sung đối tượng được bồi thường thiệt hại do sự cố ô nhiễm môi trường biển
Bổ sung đối tượng được bồi thường thiệt hại do sự cố ô nhiễm môi trường biển

Bộ NNPTNT bổ sung định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng là: Chủ cơ sở sản xuất ương dưỡng giống ốc hương, giống cá mặn, lợ; nuôi ốc hương, trồng rong câu, nuôi trồng thủy sản mặn, lợ xen ghép; chủ tàu và người lao động trên tàu khai thác thủy sản không lắp máy hoặc có lắp máy khai thác thủy sản trong đầm phá bị thiệt hại do sự cố môi trường biển; chủ cơ sở thu mua tạm trữ hàng thủy sản tại các xã, phường, thị trấn ven biển bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển còn lưu kho các sản phẩm thủy sản được thu mua trước ngày 30.8.2016 và lao động có tính chất đơn giản, không thường xuyên, có thu nhập chính thuộc nhóm đối tượng được qui định tại điểm c, mục 1; điểm c, mục 2; điểm c, mục 4; mục 5; mục 6 và điểm b, mục 7 của Điều 1 Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 29.9.2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Về phương pháp tính, đối với nhóm định mức cho đối tượng nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại được áp dụng theo mục 2, phần I, Phụ lục II của Công văn số 6851/BNN-TCTS ngày 12.8.2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đối với tàu khai thác thủy sản trong đầm phá xác định thiệt hại do giảm giá bán sản phẩm thủy sản; đối với các chủ kho thu mua tạm trữ thủy sản ngoài được hưởng các chính sách như giá trị tiền điện bảo quản sản phẩm thuỷ sản; kinh phí hỗ trợ lãi suất tiền vay để thu mua, tạm trữ sản phẩm thuỷ sản được thực hiện theo qui định của Thủ tướng Chính phủ thì các chủ cơ sở được hỗ trợ kinh phí theo tỷ lệ cụ thể đối với lô hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm buộc tiêu hủy và đảm bảo an toàn thực phẩm trên tổng giá trị của các lô hàng lưu kho; như vậy sẽ có khoảng trên 5.000 tấn hải sản được tính giá trị để bồi thường, hỗ trợ; trong đó có 966 tấn thủy sản bị nhiễm độc không đảm bảo an toàn thực phẩm buộc tiêu hủy được bồi thường 100% giá trị. Bên cạnh đó người lao động không thường xuyên có thu nhập chính thuộc nhóm đối tượng được qui định theo Quyết định 1880/QĐ-TTg được hỗ trợ 1,455 triệu đồng/người/tháng trong thời gian 6 tháng tính từ tháng 1.4.2016.

Bộ NNPTNT cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh căn cứ nội dung hướng dẫn, phương pháp xác định thiệt hại tại công văn này và tình hình thực tế của địa phương để chỉ đạo Cục Thống kê và các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh xây dựng định mức/đơn giá thiệt hại theo qui định, tổng hợp và báo cáo Bộ Tài chính, Bộ NNPTNT trước ngày 22.11.2016 để tổng hợp, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Mặc dù tiến độ chậm so với kế hoạch đề ra do tính chất phức tạp, cần thận trọng để việc đền bù được công bằng, minh bạch, công khai, đến nay cả 4 tỉnh bị thiệt hại đã tổ chức chi trả tiền bồi thường thiệt hại đợt I cho người dân, với tổng số tiền trên 700 tỉ/3.000 tỉ Thủ tướng Chính phủ cấp ứng.

Hiện nay, Bộ NNPTNT đang khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành và 4 tỉnh tiếp tục hoàn thiện Đề án “Xác định thiệt hại để bồi thường; hỗ trợ khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế” để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 11.2016.

KH.V

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP