Phát biểu trên của bà Lê Thị Thu Hằng được đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, chiều 2/8.
Trước thông tin Việt Nam đã mua số lượng vũ khí lớn của Mỹ với tổng trị giá gần 100 triệu USD (khoảng 2.300 tỷ đồng), Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết sẽ đề cập việc này tới các cơ quan chức năng.
“Tôi xin khẳng định chính sách quốc phòng của Việt Nam là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, hòa bình của đất nước, đóng góp vào hòa bình ổn định của khu vực và trên thế giới. Việc hợp tác quốc phòng với các nước là nhằm thực hiện chính sách trên.” - bà Hằng nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng |
Cũng tại cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã nêu quan điểm về việc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công bố sáng kiến triệu đô Ấn Độ - Thái Bình Dương tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ-Thái Bình Dương của Phòng Thương mại Mỹ mới đây, nhằm cạnh tranh với “Vành đai - Con đường” của Trung Quốc.
Theo bà Hằng, hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới là mục tiêu chung của tất cả các quốc gia. “Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến, các nỗ lực liên kết và kết nối ở khu vực góp phần đóng góp vào mục tiêu này.” - bà Hằng nói.
Về việc Việc Nam có cân nhắc tham gia sáng kiến nói trên hay không, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, Việt Nam hoan nghênh tất cả các sáng kiến, các nỗ lực liên kết và kết nối trong khu vực vì mục tiêu hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển.
“Việc tham gia phải đảm bảo độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như lợi ích quốc gia” - Người phát ngôn khẳng định.
Gói đầu tư Ấn Độ - Thái Bình Dương được Mỹ cam kết trị giá 113 triệu USD để hỗ trợ các sáng kiến trong nền kinh tế kỹ thuật số, năng lượng và cơ sở hạ tầng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
“Những quỹ này chỉ đại diện cho một khoản đóng góp ban đầu cho một kỷ nguyên mới trong cam kết hòa bình và thịnh vượng của Mỹ tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.” - Ngoại trưởng Mỹ nói.
Theo đó, các biện pháp bao gồm việc đầu tư ban đầu trị giá 25 triệu USD để cải thiện khả năng kết nối kỹ thuật số ở các nước đối tác và mở rộng cơ hội xuất khẩu công nghệ của Mỹ. Mỹ sẽ đầu tư gần 50 triệu USD trong năm nay để hỗ trợ các đối tác Ấn Độ-Thái Bình Dương nhập khẩu, sản xuất, di chuyển, lưu trữ và triển khai các nguồn năng lượng.
Quỹ cũng sẽ khởi động một mạng lưới để phát triển cơ sở hạ tầng. Một sáng kiến mới với số tiền 30 triệu USD đang được khởi động để cung cấp cho các đối tác sự hỗ trợ kỹ thuật cũng như tiếp cận các dịch vụ tư vấn pháp lý và tài chính tư nhân. “Cuối tuần này, tôi sẽ đưa ra thêm thông báo về hỗ trợ an ninh.” - ông Mike Pompeo cho hay.
Ngoại trưởng Mỹ đã và sẽ có chuyến thăm tới Malaysia, Singapore và Indonesia. Ngày 4/8 tới, tại Singapore, ông sẽ gặp các bộ trưởng ngoại giao của các nước thành viên Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) gồm các nước ASEAN cùng với Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, New Zealand, Hàn Quốc và Nga.
Các nhà phân tích coi các sáng kiến mới của Mỹ là khởi đầu cho sự cạnh tranh của Mỹ với Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) của Trung Quốc.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ-Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng xác định Ấn Độ-Thái Bình Dương là khu vực kéo dài từ bờ biển phía tây của Mỹ đến bờ biển phía tây của Ấn Độ.
“Người dân Mỹ và cả thế giới góp phần cho hòa bình và thịnh vượng của Ấn Độ- Thái Bình Dương. Đó là lý do tại sao Ấn Độ -Thái Bình Dương cần phải tự do và mở.” - ông Mike Pompeo nhấn mạnh.
Tác giả: Châu Như Quỳnh
Nguồn tin: Báo Dân trí