Chăm sóc sức khỏe

Bỏ mặc bệnh nhân, hai BS ‘choảng’ nhau: Phần nổi của tảng băng chìm!

Theo dư luận việc 2 bác sỹ bỏ mặc bệnh nhân để đánh nhau trong ca trực vào đêm 13/10 ở Phòng khám ĐK khu vực (thuộc BVĐK huyện Vũ Quang) đóng tại xã Đức Lĩnh (Vũ Quang – Hà Tĩnh) giống như một cái nhọt lâu ngày do không được xử lý nên đã vỡ mủ.

Bỏ mặc thai phụ hai bác sỹ “choảng” nhau lúc nửa đêm.

Sự việc xảy ra vào 23h ngày 13/10, tại phòng khám đa khoa khu vực, nằm trên địa bàn xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang.

Hatinh24h 01
Phòng khám đa khoa khu vực (xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang), nơi xảy ra sự việc.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Toại – GĐ Bệnh viện ĐK huyện này cho biết, vào đêm 13/10, bác sĩ Đoàn Quý Đức và điều dưỡng Phan Thị Bình (vợ bác sĩ Trần Hữu Tình – Trưởng khoa) được phân công trực. Vì điều dưỡng Bình có việc nên bác sĩ Tình đã trực thay.

Đến 23h, sản phụ Hồ Thị Dung (23 tuổi, trú xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang) vào điều trị ở phòng khám.

Sau khi bệnh nhân vào phòng điều dưỡng, bác sĩ Tình đã thăm khám rồi tiến hành siêu âm cho sản phụ Dung nhưng không báo sự việc với bác sĩ Đức. Sau khi siêu âm xong bác sĩ Tình mới tới phòng trực để gọi bác sĩ Đức nhưng không đi bằng cửa trước mà vòng ra phía cửa sau rồi giật của sổ nơi phòng bác sĩ Đức đang trực.

Hành động trên của bác sĩ Tình khiến bác sĩ Đức không hài lòng nên 2 người đã to tiếng dẫn tới xô xát ngay tại phòng hành chính.

Hành động trên của 2 thầy thuốc làm cho bệnh nhận cả phòng khám đều tới xem. Tuy nhiên, trước “độ nhiệt” của 2 bác sỹ không một bệnh nhân nào dám can ngăn.

Thấy vậy, anh Lê Doãn Ngân (33 tuổi, trú xã Đức Giang – đang chăm sóc mẹ tại phòng khám) đã lao vào và đẩy hai bác sĩ này ra ngoài.

Trong quá trình can ngăn, tay của bác sĩ Đức đã va vào mặt anh Ngân. Sau đó, anh Ngân có đấm vào mặt bác sĩ Đức mấy cái.

Anh Lê Doãn Ngân: Tôi đánh bác sĩ Đức là sau khi bác sĩ Tình nói: “Thằng này vào đây quậy chú xử nó cho anh”.

Sự việc được dừng lại khi bác sĩ Đức gọi điện thoại báo cho Công an xã Đức Lĩnh và lãnh đạo BVĐK huyện Vũ Quang.

Ngay trong đêm, Công an xã Đức Lĩnh đã lập biên bản sự việc. Cũng do bị đánh, bác sĩ Đức có biểu hiện bị nôn và đau mạnh vùng ngực nên phải đến BVĐK huyện Vũ Quang để khám.

Trần tình của các bên.

Sự việc trên đã xảy ra mấy ngày qua nhưng dư luận tại đây vẫn xì xào bàn tán. Trước vấn đề trên PV Tầm Nhìn đã tìm gặp các bên liên quan để nắm thông tin khách quan.

Điều dưỡng Phan Thị Bình phân trần, tối 13/10, tôi và bác sĩ Đức (Phó phòng khám) được phân công trực. Đến phiên, tôi nhận được tin con ở nhà bị ốm nên về. Trước khi về, tôi có nhờ chồng tôi  (bác sĩ Tình – Trưởng phòng khám) trực thay.

Về phần mình, bác sĩ Trần Hữu Tình cho biêt, lúc khoảng 23h, chị Hồ Thị Dung (23 tuổi, trú xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang) mang thai được 9 tháng có biểu hiện đau bụng, chuyển sinh vào điều trị ở phòng khám.

Tôi đã tiếp đón và đo các chỉ số sinh tồn (huyết áp, nhiệt độ, mạch…) và siêu âm cho sản phụ Dung.

Trong khi sản phụ Dung về phòng chờ sinh, tôi đã qua gọi bác sĩ Đức – trưởng kíp trực. Tuy nhiên, phòng bác sĩ đóng cửa, tắt đèn, tôi gọi mấy tiếng không được nên đã vòng qua cửa sổ phía sau và tiếp tục gọi.

“Lúc này, anh Đức dùng chân đạp vào cửa sổ rồi dùng buông lời xúc phạm với nội dung “Anh không có trách nhiệm ở đây. Đi ra nơi khác”, bác sĩ Tình thuật lại.

 Bác sĩ Trần Hữu Tình:  dẫn đến sự việc này là do có mâu thuẫn từ trước

Sau khi cả hai người ra phòng hành chính của phòng khám, vẫn tiếp tục lời qua tiếng lại dẫn tới xô xát.

Vụ việc gây ồn ào cả phòng khám, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và một số bác sĩ nghỉ ở khu vực nội trú cũng bị đánh thức, kéo nhau ra xem.

Chúng tôi rất buồn, không có chỗ nào mà nửa đêm rồi, khi bệnh nhân và mọi người đang ngủ, hai bác sĩ lại đánh nhau gây ồn ào, bà Lê Thị Hà đang điều trị tại đây nói.

Theo bác sĩ Tình, việc ông trực thay điều dưỡng Phan Thị Bình (vợ) là điều tốt, đúng với quy chế của bệnh viện. Còn bác sĩ Đức, do không hiểu quy chế này nên phản ứng lại.

“Dù tôi không có ca trực nhưng ở phương diện là Trưởng phòng khám, tôi có mặt tại khoa là điều quá tốt. Mà anh Đức lại dùng những lời lẽ thô tục, cố đuổi tôi ra khỏi phòng khám”, bác sĩ Tình giải thích.

Khi PV hỏi, việc anh Ngân đánh bác sĩ Đức có liên quan gì đến mình không thì bác sĩ Tình cho biêt, hai người không hề có quen biết và khẳng định anh Ngân không đánh bác sĩ Đức.

Tuy nhiên, anh Lê Doãn Ngân lại cho rằng, ban đầu, thấy hai bác sĩ lao vào đánh nhau, tôi chỉ muốn can ngăn. Thậm chí, lúc vào đẩy hai người ra, bác sĩ Đức còn đấm bác sĩ Tình nhưng lại trúng vào mặt tôi.

Khi đẩy được hai người ra hai bên, bác sĩ Tình chỉ vào bác sĩ Đức rồi nói với tôi “Thằng này vào “quậy”, mày đấm cho bác”. Nghe vậy, tôi mới quay lại đấm bác sĩ Đức mấy cái. Tôi cũng đã khai như thế với công an, anh Ngân nhớ lại.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV thì bác sĩ Tình và anh Ngân đều là người ở làng Cẩm Trang, xã Đức Giang.

Đang nằm điều trị tại khoa Ngoại (BVĐK huyện Vũ Quang), bác sĩ Đoàn Quý Đức bức xúc, ca trực ấy là của điều dưỡng Phan Thị Bình và tôi. Nhưng chị Bình nghỉ mà không thông báo với tôi.Còn anh Tình, không có trách nhiệm gì nhưng khi sản phụ Dung vào, đã tự tiện thăm khám, siêu âm là sai quy chế.

“Lúc tới phòng tôi, anh Tình tỏ thái độ giận dữ. Tôi hỏi về việc nghỉ trực của điều dưỡng Bình thì  anh Tình bảo “Tôi trực thay, không cần thông báo”, bác sĩ Đức cho hay.

Sau khi bị anh Ngân đánh bác sĩ Đức phải lên Bệnh viện ĐK huyện Vũ Quang điều trị.

Tuy nhiên, bác sĩ Đức cũng thừa nhận, lúc bác sĩ Tình qua, phòng không bật đèn và cửa trước khép nhưng không nghe ai gọi.

“Trong quá trình nói chuyện với anh Tình, vì tức giận, nóng nảy nên tôi có nói những từ không đúng mực. Đó là cái sai của tôi, tôi xin nhận. Nhưng nó xuất phát từ kíp trực không tôn trọng tôi, bác sĩ Đức phân trần.

Theo “ 2 nhân vật chính” trên thì việc xô xát giữa 2 người không phải là nóng giận nhất thời mà nó tồn tại từ nhiều năm về trước. Và chuyên này không chỉ của riêng 2 vị bác sĩ trên mà là cả 1 hệ thống. Điều này cũng được vi giám độc Bệnh viện ĐK Vũ Quang thừa nhận.

Phòng khám diễn ra vụ việc của 2 bác sĩ trên nằm ở trung tâm ở giữa xã Đức Lĩnh và Đưc Bồng (Vũ Quang) nên chúng tôi đã tìm hiểu thêm ở chính quyền và người dân ở 2 xã này.

Tất cả đều biết tình trạng bất đồng nội bộ ở phòng khám này tồn tại đã nhiều năm. Chính vì vậy dù được đầu tư khang trang và năm ở vùng trung tâm nơi tiếp giáp nhiều xã nhưng người dân không dám tới điều trị cho nên bệnh nhân rất ít.

“ Phòng khám này người dân chủ yếu đến để lấy thuốc theo diện bảo hiểm chứ mấy ai tới điều trị”, một cán bộ xã Đức Lĩnh ngán ngẫm. (Còn tiếp)

Minh Tâm – Đặng Sơn / Tầm Nhìn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP