Vùng biển ven bờ các xã Thạch Kim, Thạch Lạc, Thạch Bàn, Thạch Hải (huyện Lộc Hà) dài khoảng 10 km. Đây là khu vực có nhiều tài nguyên biển, tuy nhiên hay bị các tàu giã cào vào khai thác tận diệt trái phép.
6h sáng, Đồn biên phòng Cửa Sót phối hợp với công an xã Thạch Kim, kiểm ngư, Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản tổ chức ra khơi tuần tra, bắt những tàu giã cào vi phạm.
Thông thường các tàu giã cào thường đi từng đôi. Đây là những tàu công suất trên 20 mã lực. Trên tàu có lưới giã, thường được gọi là lưới kéo, lưới cào. Đây là loại ngư cụ dùng sức của tàu thuyền di chuyển trên biển để đánh bắt hải sản. Lưới kéo có dạng một túi hình nón thon dần về phía sau, được kéo bằng dây thừng hoặc dây cáp.
Những tàu giã cào thường chỉ được phép đánh bắt xa bờ (ngoài 9 hải lý tính từ điểm đánh bắt tới vùng gần bờ). Trong vòng 9 hải lý thì các tàu giã cào không được phép đánh bắt, vì nguy cơ tận diệt nguồn hải sản.
Thấy tàu của lực lượng liên ngành đi từ xa, chủ của hai tàu giã cào đã có ý định tháo chạy. Họ chủ động kéo dây để thu lưới cào về nhằm tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.
Sau hơn 10 phút truy đuổi, tàu của lực lượng liên ngành đã áp sáp được hai tàu giã cào nghi vi phạm. Một số chiến sĩ biên phòng và công an xã đã lên tàu để kiểm tra, yêu cầu chủ tàu kéo hệ thống ròng rọc thu lưới cào lên.
Lực lượng chức năng đã kiểm tra thiết bị đo tọa độ trên tàu giã cào. Kết quả trên tọa độ, hai tàu giã cào này đã đánh bắt trong vùng cấm. “Giấy phép của hai tàu này chỉ được khai thác ngoài khơi, không được vào gần bờ đánh bắt. Họ đã vi phạm việc khai thác tài nguyên trái tuyến”, thiếu úy Trần Đình Sơn, Phó đồn biên phòng Cửa Sót cho biết.
Sau khi được yêu cầu, chủ tàu giã cào đã quay ròng rọc để kéo lưới lên. Theo quy định, lưới cào (mắt nhỏ) không được phép đánh bắt ở khu vực gần bờ vì tận diệt thủy sản, đồng thời có thể làm hỏng lưới của ngư dân đánh bắt nhỏ lẻ.
Lực lượng chức năng đã lập biên bản đối với chủ tàu vi phạm, yêu cầu họ đưa tàu giã cào ra khỏi khu vực cấm hoạt động. Bên cạnh động thái cứng rắn, các chiến sĩ biên phòng cũng đã tuyên truyền, giải thích đây là việc làm trái phép không nên tái phạm.
Chủ hai tàu giã cào là Nguyễn Mạnh Cường và Nguyễn Xuân Chí cho hay đã biết đây là việc làm vi phạm, khai thác tài nguyên trái tuyến, tuy nhiên vì đánh bắt ở nhiều vùng biển ngoài khơi xa không có hải sản nên họ đã liều vào vùng biển cấm để khai thác.
Trung úy Đỗ Mạnh Hùng, Trạm trưởng kiểm soát Cửa Sót cho hay, hàng tháng bộ đội biên phòng luôn phối hợp với lực lượng liên ngành tuần tra bắt tàu giã cào. Mục đích là để bảo vệ nguồn lợi tài nguyên biển ven bờ, đồng thời tránh việc mâu thuẫn giữa các ngư dân bản địa với người ở tỉnh khác tới.
Vụ xô xát gần nhất xảy ra vào tháng 7/2014, khi tàu giã cào có đăng ký Thanh Hóa đã tới tranh chấp ngư trường ở huyện Lộc Hà. Một số ngư dân đã búc xúc chống trả, hậu quả anh Nguyễn Bá Quảng (trú xã Thạch Lạc) đã rơi xuống biển tử vong.
“Một buổi tuần tra thường bắt được hai cặp tàu giã cào. Trong năm 2014 lực lượng chức năng đã lập biên bản 25 tàu giã cào khai thác tài nguyên biển trái phép”, thiếu úy Sơn nói.
Đức Hùng