Một trong những chủ trương được TƯ khẳng định trong Nghị quyết 26, TƯ 7 khoá 12 là "bỏ biên chế suốt đời", ông thấy việc này được thể chế hóa trong dự thảo luật như thế nào?
Việc bỏ biên chế suốt đời là thực hiện theo tinh thần của nghị quyết TƯ yêu cầu chế độ hợp đồng dài hạn chuyển thành ngắn hạn. Tuy nhiên, tôi vẫn băn khoăn vì đấy là 1 trong những chế định bộ luật Lao động về bảo vệ sự yếu thế của người lao động trước giới chủ.
ĐB Bùi Văn Xuyền |
Việc này, bộ luật Lao động thực hiện rất lâu rồi, không có gì vướng mắc cả. Bây giờ nếu đặt vấn đề phá bỏ đi thì viên chức sẽ không yên tâm làm việc. Cứ 3 năm lại xét hợp đồng 1 lần sẽ tạo ra tâm lý lo lắng cho người lao động, không biết mình còn làm việc đấy nữa không.
Có nghĩa là ông đang lo lắng, với hướng như vậy sẽ bất lợi cho người lao động, thậm chí họ có thể bị sa thải bất cứ lúc nào?
Rõ ràng rồi, nếu quy định như vậy, người lao động luôn ở trong tư thế "sẵn sàng" bị sa thải. Ban soạn thảo lý giải quy định này để khắc phục tình trạng "sáng cắp ô đi, tối cắp về", không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không sa thải được. Khi chuyển sang hợp động, người lao động cố gắng làm việc, không đáp ứng được yêu cầu thì dĩ nhiên người ta không ký hợp đồng lại nữa.
Nhưng theo tôi, cái gì cũng có 2 mặt nên phải tính toán kỹ lưỡng. Chẳng hạn như đi kèm đó phải có ràng buộc nào đấy để người sử dụng lao động không thể sa thải một cách vô tội vạ. Còn quy định cứ 3 năm lại ký hợp đồng dễ dẫn đến chuyện "tôi không ký lại nữa, anh đi đâu thì đi, tôi tuyển người khác". Như vậy sẽ phát sinh nhiều hệ luỵ tiêu cực rất đáng lo ngại.
Không phản ánh đúng thực trạng công chức không hoàn thành nhiệm vụ
Bộ Nội vụ có lý giải, lâu nay công chức, viên chức vẫn "có vào, có ra", có cơ chế sàng lọc qua đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chứ không phải "biên chế suốt đời" nhưng do khâu đánh giá cán bộ còn tình trạng nể nang nên hầu như ít ai "không hoàn thành nhiệm vụ" để sàng lọc?
Đúng là lâu nay khâu đánh giá cán bộ của mình yếu. Có những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không bị đánh giá là "không hoàn thành nhiệm vụ".
Trong đánh giá cán bộ vẫn còn tâm lý nể nang, chẳng hạn đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ 1 năm, năm sau lại cho hoàn thành. Vậy là không đủ 2 năm liên tiếp không hoàn thành để đưa vào diện sàng lọc.
Nhưng nếu vì lý do này mà xóa bỏ hẳn chế định "hợp đồng dài hạn" chuyển sang hợp đồng có thời hạn 3 năm lại ký 1 lần là không hợp lý.
Để nâng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thì phải làm tốt công tác đánh giá một cách thực chất, công bằng và thực hiện nghiêm cơ chế sàng lọc những người không đủ trình độ, năng lực chứ không phải chuyển hết sang cơ chế hợp đồng có thời hạn.
Ông đánh giá thế nào về con số Bộ Nội vụ vừa báo cáo QH: số công chức không hoàn thành nhiệm vụ chỉ chiếm 0,59%, còn viên chức là 0,38%?
Con số rõ ràng không phản ánh đúng thực trạng. Đấy là 1 điểm hạn chế của luật hiện hành. Vì vậy luật cần sửa nhưng theo hướng chuyển sang hợp đồng ngắn hạn thì hoàn toàn không phải. Quan trọng nhất là phải xác định vị trí việc làm.
|
Công chức, viên chức cũng có nhiều loại, cái gì anh làm trong thời gian bao lâu, công việc đòi hỏi rất phong phú nhưng phải lượng hóa thành vị trí và xác định 1 năm, 6 tháng làm được bao nhiêu việc đấy thì phải đáp ứng được yêu cầu.
Ví dụ anh đến cơ quan 8 tiếng phải làm tất cả 10 sản phẩm trong 1 ngày thì coi như hoàn thành nhiệm vụ nhưng chỉ làm được 5 sản phẩm thì chỉ được 50% là chưa hoàn thành nhiệm vụ.
Nếu chỉ ra được như vậy thì rất rõ và người lao động cũng hoàn toàn thoả mái. Anh không đáp ứng được thì đương nhiên tự anh phải loại chứ cũng chả cần gì hợp đồng...
Quan chức phải giữ gìn đến nghỉ hưu
Ông nhận xét thế nào về việc kỷ luật cán bộ về hưu như dự thảo đưa ra?
Về vật chất, quy định này không tác động nhiều nhưng về tinh thần, danh dự thì ảnh hưởng nhiều, nhất là cán bộ cao cấp.
Chắc chắn là không thể ngăn ngừa tất cả vi phạm nhưng mục đích của quy định này cũng nhằm để ngăn ngừa những người có chức, có quyền vi phạm trong thời gian đương chức.
Nhìn vào quy định này, cán bộ khi đương chức phải giữ gìn đến khi nghỉ hưu, chứ không phải sắp nghỉ hưu anh muốn làm gì thì làm, để lại người ở lại phải chịu trách nhiệm thì không phải.
Đấy là 1 trong những biện pháp ngăn chặn tôi cho là tích cực và có tác dụng. Rất nhiều ý kiến đánh giá, vừa rồi Thường vụ QH cũng ban hành một số kỷ luật đối với cán bộ về hưu như trường hợp ông Vũ Huy Hoàng là có tác dụng.
Tác giả: Thu Hằng - Hồng Nhì
Nguồn tin: Báo VietNamNet