Tại phiên họp chiều nay, từ 14h, đại biểu dự Đại hội Đảng 12 dành thời gian nghe báo cáo của Ban chấp hành Trung ương khóa 11 về nhân sự Ban chấp hành Trung ương khóa 12.
Trong buổi làm việc đầu tiên về nhân sự tại Đại hội này, sau khi nghe báo cáo, các đại biểu thảo luận và biểu quyết về số lượng Ban chấp hành Trung ương khóa 12.
Ảnh: Phạm Hải |
Ngày mai, chủ nhật, các đại biểu sẽ làm việc tại đoàn để thảo luận về tiêu chuẩn, cơ cấu Ban chấp hành Trung ương khóa 12 và danh sách giới thiệu ứng cử, đề cử Ban chấp hành khóa 12 do Ban chấp hành khóa 11 chuẩn bị.
Sau đó, các đại biểu ghi phiếu ứng cử, đề cử nhân sự Trung ương.
Tuần làm việc sau, Đại hội sẽ dành trọn cho nội dung về nhân sự. Trong đó, xem xét các trường hợp xin rút khỏi danh sách ứng cử, đề cử (nếu có).
Ngày 26/1 sẽ dành cho việc bỏ phiếu bầu Ban chấp hành Trung ương khóa 12.
Sau khi được bầu, Ban chấp hành Trung ương khóa 12 sẽ họp hội nghị lần thứ nhất để bầu Bộ Chính trị, Tổng bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Ngày 28/1, nhân dân cả nước sẽ được biết Tổng bí thư nhiệm kỳ mới và nhân sự Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12.
Tin ai, bầu ai do đại biểu quyết
Trao đổi với báo chí bên lề Đại hội về lựa chọn nhân sự nhiệm kỳ mới, ông Nguyễn Thái Học, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cho hay, mỗi đại biểu ngoài tham khảo sự giới thiệu của Ban chấp hành Trung ương khoá 11 còn có nhiều kênh thông tin khác.
Ảnh: Phạm Hải |
“Quyền quyết định ở mỗi đại biểu, thể hiện bản lĩnh và trách nhiệm của đại biểu khi bầu chọn, tin ai và bầu ai là do chính mình quyết định, chứ không phải do ai tác động cả”, ông nói.
Ông Học nhấn mạnh, không chỉ duy nhất một kênh thông tin là Ban chấp hành Trung ương, bản lĩnh của đại biểu là tham khảo thêm kênh thông tin nào, xử lý ra sao.
Mỗi đại biểu cần bản lĩnh để chọn người xứng đáng vào Trung ương. Bản lĩnh là không bị tác động qua nhiều kênh thông tin và trí tuệ là sáng suốt chọn được người xứng đáng.
Xuân Linh