Vi phạm nhiều, xử lý “yếu”
Ngày 30/7, TPHCM tổ chức hội nghị Xây dựng đề án tổng thể các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn.
TPHCM tìm giải pháp chấn chỉnh tình trạng sai phạm trật tự xây dựng |
Theo Ban Nội chính Thành ủy, bên cạnh sự yếu kém, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, của các cán bộ quản lý trật tự xây dựng thì dư luận vẫn cho rằng hành vi tham nhũng cũng là nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm diễn ra tràn lan.
Tuy nhiên, hành vi tham nhũng trong lĩnh vực này rất khó phát hiện vì cả người đưa và người nhận đều “có lợi” nên không ai phơi bày. Tham nhũng trong lĩnh vực này số tiền thường không lớn nên việc tố cáo của người dân, hoặc sự vào cuộc của các cơ quan chức năng chưa kịp thời, dẫn đến hành vi này càng sinh sôi.
Trong những năm gần đây có trên 300 cán bộ thanh tra xây dựng bị xử lý, nhiều trường hợp bị cảnh cáo, cách chức, hoặc buộc thôi việc. Tuy nhiên, chỉ có 1 trường hợp bị xử lý hình sự về tội nhận hối lộ với mức án 1 năm tù.
|
Ông Trần Phú Lữ - Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh - cho biết tình trạng phân lô, bán nền và xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp còn diễn biến phức tạp |
Bình Chánh nhiều năm qua là một trong những điểm nóng về sai phạm trật tự xây dựng. Ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết: trong thời gian qua, địa phương đã kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp cán bộ vi phạm về trật tự xây dựng.
“Tuy nhiên, cũng thừa nhận rằng số trường hợp vi phạm đất đai, xây dựng vẫn còn diễn ra, chưa chấm dứt. Tình trạng phân lô, bán nền và xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp còn diễn biến phức tạp, số công trình tồn chưa xử lý qua các năm còn nhiều; chưa có giải pháp đấu tranh hiệu quả đối với đối tượng đầu nậu, cò đất, nhà thầu xây dựng công trình, trái phép”, ông Lữ nói.
Xử lý hình sự cán bộ sai phạm và đầu nậu
Còn theo Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy, đối tượng chính để đấu tranh là các đầu nậu, luật cũng quy định rõ tội danh về vi phạm sử dụng đất để có thể xử lý hình sự đối tượng này.
Ông nói: “Đầu nậu thách thức pháp luật, thách thức chính quyền như thế mà không xử lý hình sự. Đây là trách nhiệm của chính quyền và ngành công an cần nghiên cứu Bộ luật Hình sự để đấu tranh”.
|
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết một công ty hợp khối công trình nhà ở thành chung cư hơn 200 hộ dân với 645 nhân khẩu đang ở. "Một người làm cả chung cư cho hàng trăm hộ dân ở thì rõ ràng là chúng ta buông chứ không phải là không biết", ông Nhân nói
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: tình trạng xây dựng sai phép, không phép tồn tại vì nó có lợi cho một số đối tượng. Khi có lợi thì họ muốn duy trì. Trong khi đó, người dân có nhu cầu nhà ở nên dù biết trái luật nhưng vẫn mua.
Để giải quyết tận gốc, Bí thư Nhân cho là phải giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân. Từ đó, ông đề nghị rà soát lại quy hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, quan tâm đến vấn đề nhà ở cho lượng dân cư mới tăng lên hàng năm.
Đồng thời, ông yêu cầu phải xử lý nghiêm cán bộ vi phạm, những đầu nậu, người buôn bán trái phép. “Không xử lý nghiêm, họ không sợ thì họ vẫn làm, vẫn còn sai phạm!”, ông Nhân nói.
Người đứng đầu Đảng bộ TP cũng băn khoăn về chuyện ông được báo cáo lại, đó là cán bộ, công chức xã nếu có bị đuổi khi vi phạm trật tự xây dựng thì họ cũng đã “tích lũy được”. Bí thư nói: “Không thể chấp nhận điều đó, không được suy nghĩ như vậy!”.
“Bình Chánh sắp xét xử hình sự vụ đầu nậu kết nối, công chức cố tình làm sai, gây hậu quả nghiêm trọng”, ông Nhân cảnh báo.
Tăng cường chế tài
Tại hội nghị, lãnh đạo một số địa phương còn đề xuất quy định cắt điện, nước đối với các công trình sai phạm xây dựng. Lãnh đạo quận Tân Phú còn đề xuất không cấp giấy phép kinh doanh đối với công trình sai phạm xây dựng.
Ông Phạm Minh Mẫn - Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú đề xuất không cấp phép kinh doanh đối với công trình sai phạm xây dựng |
“Các đơn vị nghiên cứu không cấp điện, nước ngay từ đầu nếu không đủ điều kiện chứ đợi người ta vào ở rồi mà cắt thì rất phản cảm. Các Tổng công ty phải phối hợp. Chúng tôi đã họp nhiều lần rồi nhưng toàn nói ra, không ủng hộ!”, Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan, người dân sửa nhà, xây nhà sai phép thì còn cân nhắc việc cắt điện, nước. Tuy nhiên, những trường hợp xây dựng sai phép giữa khu đất trống mà câu điện vào thì xử lý được. Nếu làm mạnh như vậy sẽ kéo giảm tình trạng vi phạm xây dựng.
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan |
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng: cần xây dựng quy định chặt chẽ về điều kiện cấp điện, nước để chấn chỉnh tình trạng sai phạm xây dựng. Phải làm cho người dân hiểu rằng nếu mua nhà không giấy tờ thì bị thiệt hại về sau như khó khăn về điện, nước, cấp hộ khẩu…
Ngay tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong giao Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan để đề xuất giải pháp chế tài như: không cung cấp dịch vụ điện, nước đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng.
Ông Phong cũng giao Công an TP khẩn trương xác minh, xử lý hình sự đối với các đối tượng vi phạm nhiều lần, mức độ vi phạm nghiêm trọng; đặc biệt là các đối tượng đầu nậu, đầu cơ, xây dựng công trình không phép trên đất nông nghiệp, tự ý phân lô bán nền để trục lợi, gây ảnh hưởng xấu đến quy hoạch chung, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn...
Đồng thời, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng giao Công an TP xây dựng hướng dẫn, hoặc trình tự để tiến hành xử lý hình sự đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, đất đai.
Tác giả: Quốc Anh
Nguồn tin: Báo Dân trí