Giáo dục

Bị tẩy chay trên mạng, bé gái học giỏi có hành động khiến bố phải khóc ngất, cha mẹ đừng xem thường "những chuyện trẻ con"

Từng ngất xỉu vì quá áp lực khi bị nhóm bạn cô lập, bắt nạt trên mạng xã hội nhưng không được giải quyết triệt để, bé Thảo Nhi 13 tuổi đã có hành động tại hại chính mình.

Bé gái bị ghét vì học giỏi và làm cán bộ lớp

2 năm trước, bé Thảo Nhi (13 tuổi), đang học lớp 7 tại trường THCS ở tỉnh Long An. Anh Hùng (cha bé Thảo Nhi) cho biết, sau khi cha mẹ ly hôn, Thảo Nhi ở với cha và bà nội, còn em gái ở với mẹ. Suốt những năm học trước, Thảo Nhi là học sinh ngoan, học giỏi, được nhiều bạn quý.

Sang năm học lớp 7, em được bầu làm lớp phó học tập của lớp thì có mâu thuẫn với một số bạn trong lớp nên bị tẩy chay. Nhóm học sinh này còn lập nhóm để liên kết với nhau cô lập và bắt nạt hội đồng Thảo Nhi trên mạng xã hội.

Thảo Nhi từng bị ngất xỉu vì quá áp lực khi bị nhóm học sinh cô lập trên mạng xã hội. ảnh: BVCC.

“Con bé đã bị ngất xỉu một lần trong trường vì bị áp lực, may mắn được người lớn phát hiện kịp thời”, anh Hùng chia sẻ. Sau đó, bé gái lại tiếp tục bị nhóm bạn tẩy chay, cô lập nên đã tự tử bằng thuốc diệt cỏ.

Sau khi uống thuốc, Thảo Nhi bị nôn ói liên tục, sợ mình sẽ chết. May mắn, em được bà nội phát hiện đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM).

Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ cho biết, Thảo Nhi được đưa đến bệnh viện trong tình trạng nôn ói nhiều đàm nhớt, khó thở, rung giật tay, lơ mơ dần. Sau khi xác định bé gái bị ngộ độc thuốc trừ sâu rầy, các bác sĩ tiến hành cho thở máy, rửa dạ dày, uống than hoạt tính để hấp thu độc chất và điều trị thử thuốc giải độc.

Sau một tuần điều trị, Thảo Nhi được cai thở máy, tỉnh táo, chức năng các cơ quan cải thiện. Nghe bác sĩ báo tin, anh Hùng mới thở phào vì con gái mình được cứu nhưng rất lo lắng về khả năng phục hồi tâm lý của con. “Tôi đã làm việc với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm của con, hai bên cũng tìm ra hướng giải quyết. Tuy nhiên, tôi sẽ cân nhắc chuyển trường cho con”, anh Hùng chia sẻ.

Tỉnh dậy trong phòng bệnh, nhìn những em nhỏ đang thoi thóp giành giật sự sống xung quanh mình, Thảo Nhi thấy hối hận, mắt ngấn lệ. Em nói với nhân viên y tế: “Con đã được sống lại một lần nữa. Bây giờ, con đã thực sự trân trọng cuộc sống”. Bé gái cũng cảm nhận được sự quan tâm của cha mẹ, các y bác sĩ dành cho mình và hứa sau khi xuất viện sẽ chăm ngoan học giỏi, phụ giúp cha và bà nhiều hơn, yêu bản thân nhiều hơn.

Bé Thảo Nhi rất hối hận, hứa sẽ học giỏi, sống tốt. Ảnh: BVCC.

Bạo lực học đường có thể xuất phát từ những lý do "vu vơ"

Theo TS.BS Ngô Anh Vinh, Phó khoa Sức khoẻ Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện nay bạo lực học đường đã trở thành mối lo ngại của gia đình và toàn xã hội. Vấn đề này có thể gây những tổn thương lâu dài về tinh thần cũng là nguyên nhân dẫn đến ý tưởng và hành vi tự tử của trẻ.

Tại Việt Nam, các thống kê gần đây cho thấy sự gia tăng đáng kể cả về số lượng và tính chất nghiêm trọng của vấn nạn bạo lực học đường, không chỉ ở các học sinh nam mà có nhiều vụ học sinh nữ đánh nhau hội đồng. Lý do có thể rất vu vơ như “nhìn đểu”, mới đến, học giỏi nhưng không giúp đỡ bạn khác làm bài…

Bàn về việc trẻ bị bắt nạt trên thế giới ảo, PGS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (Hà Nội), cho rằng, bắt nạt trực tuyến kinh khủng hơn so với bắt nạt trực tiếp vì việc này là 24/7, không giới hạn về thời gian, trẻ ngồi bất cứ đâu cũng vẫn bị bắt nạt.

Những trẻ bị bắt nạt trên mạng như bé Thảo Nhi sẽ cảm thấy hoàn toàn bất lực, không có giải pháp hay phương cách đối phó trong một không gian mà ngay cả khi người bắt nạt đã ngưng hành động thì tác hại của những thông tin được tung lên mạng vẫn tiếp tục.

Cha mẹ hãy dành thời gian với con nhiều hơn để giúp con có một tuổi thơ bình yên. (Ảnh minh họa)

PGS Trần Thành Nam nhấn mạnh, chúng ta đang sống trong một xã hội số và không thể nào cấm trẻ tuyệt giao với công nghệ. Vậy nên, thay vì cấm con sử dụng mạng xã hội, cha mẹ hãy dạy cho trẻ một số kỹ năng sống an toàn trên mạng xã hội. Với trẻ ở tuổi dậy thì, cha mẹ nên dành nhiều thời gian bên con, chia sẻ cùng con những khúc mắc trong cuộc sống để có thể giải quyết những vấn đề tiêu cực nơi con trẻ một cách kịp thời.

"Chính cha mẹ là những người bạn thân nhất, gợi mở tốt nhất cho tâm hồn đang bị trói buộc và những câu chuyện thầm kín nhất của con trẻ. Hãy trò chuyện cùng con hằng ngày, lắng nghe con nhiều hơn để giúp con tháo gỡ các nút thắt của tuổi mới lớn, đừng để sự việc quá muộn thì hối hận cũng không kịp”, bác sĩ Vũ nhắn nhủ.

Theo bác sĩ Vũ, hiện có nhiều trẻ có "xu hướng" tìm đến cái chết để giải quyết nỗi buồn, áp lực trong cuộc sống. Đây là điều hoàn toàn sai lầm và mù quáng. "Chúng tôi rất mong rằng, mỗi người trẻ hãy trân quý bản thân mình, trân quý sự sống của mình. Không có một lý do nào trên đời đáng để ta tự hủy hoại chính mình. Hãy học cách yêu thương bản thân mỗi ngày, khi đó sẽ thấy mọi áp lực bên ngoài chỉ là thử thách", bác sĩ Vũ chia sẻ.

* Tên bệnh nhân và người nhà đã được thay đổi.

Tác giả: DIỆU THUẦN

Nguồn tin: phunuphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP