Gần 10 năm sau khi kết hôn, vợ chồng anh Toàn - chị Thanh (quê Thanh Hóa) mới thoát cảnh đi ở trọ khi mua được căn nhà đầu tiên. Đó là một căn chung cư rộng 90 m2 trên tầng 8 ở quận Thanh Xuân (Hà Nội).
Dù còn vay họ hàng, trả nợ ngân hàng tiền mua nhà nhưng anh vẫn quyết tâm thuê kiến trúc sư làm nội thất đàng hoàng. Vợ bàn dành tiền trả nợ nhưng anh nói: "Nếu sau này kê nhiều đồ đạc vào rồi lại đục đẽo, sửa chữa sẽ rất bày bừa, vất vả".
Họ hàng, anh em của hai vợ chồng ở quê ra Hà Nội lập nghiệp khá đông nên thường xuyên tụ tập ăn uống. Tuy nhiên, hầu hết các gia đình đều có những khu bếp bố trí khá lộn xộn. Mỗi khi làm bếp, cánh phụ nữ đều cảm thấy vướng bận tay chân. Không chỉ thế, thiết bị hút mùi kém còn khiến các phòng khác ám mùi.
Bởi vậy, khi hoàn thiện nhà mới, anh Toàn quan tâm nhất tới khu bếp, muốn đầu tư những thứ tốt nhất để vợ có một chỗ nấu nướng tiện nghi.
Khu bếp được đầu tư hơn 100 triệu đồng trở thành niềm tự hào của anh Toàn. Bếp dạng chữ L dài hơn 4m có tủ bếp gỗ laminate, bàn bếp dùng đá marble, bếp từ đôi của Đức (gần 20 triệu)... Anh còn cùng kiến trúc sư đi chọn từng loại bản lề, ray trượt, tay nâng cánh cửa tủ bếp trên...
Nhiều khu bếp được thiết kế không phù hợp với chiều cao của người sử dụng. Ảnh minh họa: MF. |
Sau khoảng 4 tháng, căn hộ nhận bàn giao thô đã trở nên khang trang, hiện đại, đầy đủ thiết bị tiện ích. Đó cũng là lần đầu vợ anh mới tới xem nhà do bận công việc cơ quan, chăm cho hai con nhỏ và lo cho bà ngoại đang nằm viện.
Hai vợ chồng hì hụi vác nồi niêu, bát đĩa lên nhà mới. Nhìn căn hộ đẹp khác hẳn phòng trọ đang ở, chị Thanh - vợ anh Toàn - cảm thấy hạnh phúc và may mắn khi có ông xã chịu khó, thương vợ.
Nhưng tới lúc xếp đồ lên giá, chị Thanh mới hốt hoảng vì chị chỉ với tay được tầng thấp nhất để xếp bát. Bắt đầu từ ngăn để đĩa, chị đành vào phòng khách, bê tạm một chiếc đôn ra. Sau khi cúi lên xuống liên tục để cất khoảng 20 cái đĩa, đồ gia dụng... chị đã thấy lưng bắt đầu mỏi.
Hóa ra, khi sửa nhà, anh Toàn quên mất chuyện thông báo với kiến trúc sư về chiều cao của vợ. Anh Toàn cao hơn 1,7m nhưng vợ chỉ cao 1,5m. Trước đây, gia đình ở tạm bợ, dùng các loại giá kệ rời nên anh Toàn cũng không để ý. Trong khu bếp của nhà mới, đội thợ thi công theo đúng tiêu chuẩn mẫu vì không có yêu cầu đặc biệt gì từ gia chủ.
Nhà vừa hoàn thành mới đẹp sáng loáng nên anh Toàn không muốn tháo dỡ, sửa lại. Anh động viên vợ: "Thôi em cứ lo rửa bát, việc cất lên giá đã có anh". Nói là vậy nhưng anh Toàn cũng không mấy khi giúp vợ công việc nhà nên chị Thanh phải tự lo hết.
Chị khắc phục bằng cách nhờ thợ mộc đóng cho chiếc ghế gỗ để cất bát mỗi khi rửa xong. Nhưng khi nấu nướng cũng hay phải lấy bát đĩa nên chị để luôn ghế trên lối đi của khu bếp. Những lúc vội vã nấu nướng, chị quên mất sự tồn tại của chiếc ghế nên không ít lần vấp ngã.
Không chỉ gia đình anh Toàn - chị Thanh mà nhiều nhà khác cũng gặp khó khăn khi không để ý tới các kích thước của tủ bếp. Chị Phương, sống ở một khu chung cư tại Trần Bình, Nam Từ Liêm (Hà Nội) mỗi lần rửa bát phải vươn người về phía vòi nước - sản phẩm thiết kế của chồng. Lý do là anh Tuân, chồng chị cao tới 1,8 mét, nên khi đặt làm bệ bếp, anh làm bề ngang to và cao hơn so với người bình thường. Tới phiên chị sử dụng, với chiều cao khiêm tốn 1,5 mét, chị luôn phải với vào chiếc vòi nằm tít phía trong, khiến lúc nào rửa bát xong chị cũng đau lưng mỏi cổ. Nhiều lần chị giục chồng sửa lại nhưng anh đắn đo vì sẽ phải đập đi toàn bộ hệ bếp trên dưới cho đồng bộ.
KTS Việt Anh cho biết, một người thiết kế chuyên nghiệp sẽ luôn hỏi kỹ về đối tượng sử dụng chính của từng khu vực chức năng. Nhiều người chỉ quan tâm tới sở thích màu sắc, kiểu dáng mà quên đi các chi tiết liên quan tới công năng sử dụng.
Riêng khu bếp là nơi được sử dụng rất nhiều nên từng chi tiết phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Chủ nhà cần thông báo rõ người nào sử dụng nhiều nhất ở đây với chiều cao cụ thể để điều chỉnh các ngăn tủ kệ phù hợp. Ngoài việc hạ thấp chiều cao tủ bếp, việc bố trí chức năng của các ngăn kéo cũng rất quan trọng. Các loại bát đĩa, đồ gia vị hay dùng nên đặt ở các tủ dưới hoặc các ngăn thấp của tủ trên. Các ngăn ở trên cao chỉ là nơi lưu trữ đồ ít dùng, bát đĩa dự phòng.
Tác giả: An Yên
Nguồn tin: Báo VnExpress