Nhà đẹp

Bếp sang trọng thành nhếch nhác vì vợ nghiện sắm đồ

Chị Phương bỏ xó nhiều loại nồi mới dùng, chất đống bát đĩa khiến khu bếp lộn xộn, chuột gián sống trong các ngăn tủ.

Chị Phương (quận Cầu Giấy, Hà Nội) là người rất thích công việc bếp núc, luôn coi khu chế biến thức ăn là không gian riêng của mình. Bởi vậy, khi gia đình có điều kiện xây nhà mới, chị đã bàn bạc với chồng chi một khoản tiền lớn đầu tư cho gian bếp. Gia đình lựa chọn những loại đá đắt tiền để làm mặt bếp, gỗ tự nhiên để đóng tủ đồ. Chị cũng lựa chọn đủ các loại bếp nấu hiện đại...

Ngày hoàn thiện, chị cảm thấy rất hạnh phúc khi ngắm nghía khu bếp rộng 16 m2 với hai dãy kệ bếp hình chữ L. Kiến trúc sư đã thiết kế tỉ mỉ từng chi tiết và tiện nghi. Tổng chi phí làm riêng khu bếp lên tới hơn 100 triệu đồng.

Thói quen mua sắm đồ dùng thỏa thích của nhiều chị em khiến bếp trở nên lộn xộn. Ảnh minh họa: Clutterbug.

Nhưng chị Phương lại còn có một đam mê nữa là liên tục cập nhật các món đồ mới nhất cho khu bếp. Ngày càng có nhiều sản phẩm tiện lợi mà giá rất rẻ nên cứ nghe ai giới thiệu là chị lại muốn mua. Việc sắm đồ cũng thuận lợi khi chị chỉ cần lên mạng, click chuột, chuyển tiền qua mạng là có người đưa hàng tới.

Ở nhà đã có sẵn một chiếc bếp nướng thịt kiểu Hàn Quốc mới dùng vài tháng nhưng không chống dính tốt. Hôm sinh nhật mẹ chồng, chị chạy luôn ra siêu thị điện máy gần nhà, mua chiếc bếp mới. Chồng phàn nàn, chị bảo: "Bếp mua chưa tới 2 triệu, trong khi cả nhà mình 6 người, đi ăn ở nhà hàng một bữa cũng hết chừng đó tiền. Coi như mình nhịn bữa ăn tiệm là đủ tiền mua đồ mới tinh".

Lúc rảnh rỗi ở cơ quan, chị lại tham gia vào các hội nội trợ trên mạng. Thấy ai khoe loại nồi nào mới, bếp nào tiện lợi, chị lại mê mẩn ngồi xem, từ bếp nướng chân không, máy ép chậm... Nhìn thấy chiếc máy nướng bánh hình thú mini, chị tưởng tượng tới hình ảnh con hạnh phúc khi cầm chiếc bánh ngộ nghĩnh trước giờ đi học, còn máy ủ sữa chua chắc chắn sẽ giúp con luôn tiêu hóa tốt.

Đồng nghiệp đi công tác nước ngoài, chị nhờ mua khi là cái nồi chiên Nhật, lúc là bộ cốc Anh... Đồ của Tây vừa đẹp vừa bền nên chị tận dụng mọi dịp để nhờ vả.

Chị Phương có đủ lý do cho việc mua sắm đồ không giới hạn dù khu bếp ngay từ đầu đã đủ mọi tiện nghi. Các ngăn tủ chất kín đồ nên chị phải để cả ở kệ bếp, bàn ăn. Phía trên tủ treo còn một khoảng trống đến trần cũng chất nhiều hộp các tông. Chị bảo chồng: "Em giữ hộp lại để khi không dùng đồ nào nữa thì đóng gói đem cho". Thế nhưng, bà mẹ hai con mua rất nhiều đồ mới mà đồ cũ cũng không nỡ vứt đi.

Chỉ sau một năm, khu bếp đã trở nên lộn xộn, bày bừa, thấy cả chuột và gián xuất hiện. Người nhà rất hạn chế mời khách tới chơi bởi cảm giác ngại ngùng với khu bếp trăm triệu giờ đã giống như một nhà kho.

Nghiện mua sắm đồ gia dụng là "bệnh" của không riêng chị Phương mà là của nhiều người phụ nữ. Các chị em thấy hàng giảm giá trên mạng là mua về chất đầy bếp. Có nhà có bếp gas âm rồi vẫn mua thêm bếp từ, bếp điện để phòng trừ khi hết gas chưa gọi kịp. Có nhà mua rất nhiều bát đĩa, đũa thìa với lý do dùng khi nhà có việc. Nhưng trên thực tế, khi có đông khách, cả gia đình lại ra nhà hàng, hoặc nếu có đám hiếu hỷ sẽ đi thuê dịch vụ bởi bát đĩa dù nhiều cũng không đủ cho những dịp đó.

Có người vợ lại nghiện mua đồ ăn, chợ ngay cạnh nhà nhưng vẫn mua rau thịt chất đầy tủ lạnh để tới cả tuần. Nhiều bà nội trợ mê đồ hộp, ra siêu thị đem về nhiều tới mức cả mấy tháng ăn không hết, có thứ hết hạn phải vứt đi…

Về chức năng của một căn bếp, KTS Đức Anh chia sẻ: "Căn bếp trước đây chỉ là nơi đun nấu, chế biến thức ăn còn bếp hiện đại là không gian mới mẻ với nội thất thẩm mỹ, thiết bị tiện lợi. Đó còn là chỗ bố trí cả bàn ăn để gia đình sum họp quây quần".

Bởi vậy, theo KTS Đức Anh, tổ chức và giữ gìn căn bếp gọn gàng, thoáng đãng là điều nên làm. Việc này bắt đầu từ khâu thiết kế không gian và chi tiết tủ kệ để thuận lợi nhất cho quá trình nấu bếp.

Gia chủ cần trao đổi kỹ với kiến trúc sư để phân bố các khu chức năng rõ ràng, trong đó có những vị trí quan trọng như nơi để bình gas, để gạo, bát đĩa, xoong nồi, dao kéo… Các ngăn chứa đồ cũng cần định sẵn nơi nào để cái gì giúp tìm kiếm dễ dàng và thuận tiện nhất cho việc nấu bếp.

Dụng cụ trong bếp vừa đủ theo nhu cầu và thói quen, các chị em tránh mua những thứ chỉ dùng một lần rồi bỏ xó. Các loại đồ hộp, thực phẩm nên mua vừa đủ căn cứ theo chu kỳ nấu nướng, không nên mua quá nhiều và để quá lâu. Việc có quá nhiều đồ trong nhà bếp còn dẫn đến mất vệ sinh và tạo điều kiện cho kiến, gián... làm tổ.

Bếp sạch đẹp khiến người sử dụng thấy thoải mái và ăn ngon. Căn bếp đầu tư nhiều tiền nhưng nếu không giữ gìn dẫn tới mất vệ sinh, làm giảm cảm hứng tích cực trong việc sinh hoạt và ăn uống. Bản thân người nấu bếp cũng rất bất tiện khi phải loay hoay tìm đồ và vướng víu trong đống đồ ngổn ngang.

Tác giả: An Yên

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP