Chăm sóc sức khỏe

Bệnh viện Đa khoa Vũ Quang: Khó khăn chồng chất!

Nếu so sánh với các bệnh viện tuyến huyện trong toàn tỉnh, nhìn bề ngoài, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Vũ Quang có cơ sở vật chất khá khang trang, quy củ. Tuy nhiên, càng đi sâu tìm hiểu hoạt động nơi đây thì càng thấy khó khăn chồng chất. Và thực trạng này đang là nỗi niềm trĩu nặng đối với đội ngũ lãnh đạo và CBCNV Bệnh viện.

Mới đầu giờ chiều nhưng phòng khám BVĐK Vũ Quang không một bóng bệnh nhân. Chỉ có đội ngũ khoác áo blu trắng cùng ngồi trò chuyện và trên những khuôn mặt không thể che giấu nỗi niềm. Tiếp xúc với nhiều bệnh viện nhưng đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh phòng khám thiếu bóng bệnh nhân. Băn khoăn hơn khi các bệnh viện huyện miền núi khác đang phải đối mặt với sự quá tải.

Bệnh viện Đa khoa Vũ Quang: Khó khăn chồng chất!
Nhiều buổi phòng khám vắng teo

Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Văn Toại bắt đầu câu chuyện với gương mặt trầm tư: Năm 2006, bệnh viện chính thức đi vào hoạt động với 100 giường bệnh, 11 khoa, phòng, 111 CBCNV, trong đó có 12 bác sỹ. Từ khi thành lập đến nay, đơn vị không được tiếp nhận thêm 1 bác sỹ nào, trong khi có đến 5 bác sỹ xin chuyển và bỏ việc.

Giám đốc Nguyễn Văn Toại lý giải: Từ trước tới giờ chưa có chính sách gì để giữ chân bác sỹ. Vì vậy, nếu không cho chuyển thì họ bỏ. Ngay đối với nữ hộ sinh cao đẳng có quyết định phân công rồi mà vẫn bỏ…

Để đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh (KCB) cho người dân, Ban Giám đốc Bệnh viện phải trực tiếp tham gia KCB. Bản thân Giám đốc, ngoài quản lý, điều hành chung, kiêm phụ trách thêm khoa ngoại, sản, đồng thời là phẫu thuật viên duy nhất. Phó Giám đốc Lê Đình Toàn đồng thời là trưởng khoa nội, lây và đông y. Ngoài ra, trong thời gian bác sỹ siêu âm đi học nâng cao nghiệp vụ, Phó Giám đốc Lê Đình Toàn còn kiêm cả công việc này.

Bệnh viện Đa khoa Vũ Quang: Khó khăn chồng chất!
Buồng bệnh trống bệnh nhân

Nhân lực thiếu, trang thiết bị còn thiếu hơn. Năm 2009, từ nguồn trái phiếu Chính phủ, bệnh viện có 1 tỷ đồng đầu tư cho trang thiết bị, bao gồm máy nội soi cổ tử cung, sinh hóa huyết học, sinh hóa nước tiểu. Sử dụng được thời gian ngắn thì máy huyết học bị hỏng không thể sửa chữa (do đã lỗi thời nên không có thiết bị để thay thế). Máy chụp phim X.quang thì quá cũ, sử dụng không hiệu quả.

Trực tiếp thăm phòng chụp phim X.quang, nghe bác sỹ Toại và bác sỹ Toàn kể về chuyện chụp phim cho bệnh nhân lâu nay khiến tôi không khỏi chạnh lòng. Bệnh nhân vùng núi bị tai nạn lao động và bị lao khá nhiều. Vì vậy, chụp phim là một kỹ thuật cận lâm sàng rất cần thiết để hỗ trợ công tác điều trị. Vậy nhưng… chiếc máy chẳng chịu giúp bác sỹ. Qua chụp phim, nếu xương gãy hẳn thì có thể nhìn thấy, còn lại hình ảnh phim rất khác biệt (?!). Mà nhu cầu chụp phim của bệnh nhân thì cao. Bệnh viện không có nguồn để thay thế nên đã kiến nghị nhiều lần nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có máy mới.

Bệnh viện Đa khoa Vũ Quang: Khó khăn chồng chất!
Máy chụp Xquang bị lỗi nhưng vẫn phải cố dùng

Dạo qua một lượt các khoa, phòng, tôi thấy ấm lòng hơn bởi sự tươm tất ở các buồng bệnh và sự ân cần chăm sóc bệnh nhân của nhân viên y tế. Như hiểu được ý tôi, Giám đốc Nguyễn Văn Toại tiếp lời: Tận tâm, chu đáo như thế mà vẫn chưa thu hút được bệnh nhân. Ở đây, dân còn nghèo lắm, địa bàn lại không thuận lợi. 11 xã, thị trấn trong toàn huyện thì có đến 6 xã dân số tập trung hơn lại nằm gần huyện Đức Thọ. Họ đi đến Đức Thọ thuận lợi hơn.

Một khó khăn lớn đối với bệnh viện nữa là quỹ BHYT quá ít. Bệnh viện chỉ có 2.500 thẻ đăng ký KCB ban đầu với tổng quỹ 2,2 tỷ đồng. Nếu tính sơ sơ như những năm gần đây, chi đa tuyến mất 800 triệu đồng, còn lại 1,4 tỷ đồng cho bệnh viện. Như vậy, bệnh viện chỉ có 460 triệu đồng quỹ BHYT/quý chi cho hoạt động…

Bệnh viện Đa khoa Vũ Quang: Khó khăn chồng chất!
Do khó khăn về kinh phí, BVĐK Vũ Quang phải huy động nguồn xã hội hóa để đầu tư máy siêu âm 4D, phục vụ KCB cho nhân dân.

Khó khăn chồng chất, cán bộ, y, bác sĩ BVĐK Vũ Quang đã cố gắng hết mức. Như đối với lĩnh vực ngoại khoa, vì chỉ được một phẫu thuật viên duy nhất, đồng thời là giám đốc nên khi phẫu thuật viên bận họp, đi công tác thì đơn vị đã sẵn sàng phương án trợ giúp của Bệnh viện tỉnh và BVĐK Đức Thọ. Nhờ vậy, dù thiếu bác sỹ nhưng bệnh viện vẫn đảm bảo điều kiện KCB cho người dân và không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ.

Giám đốc Nguyễn Văn Toại chia sẻ: Bệnh viện đã xác định xây dựng chiến lược phát triển về nhân lực, trước mắt, tập trung đào tạo từ nguồn tại chỗ. Hiện bệnh viện đã cử 6 y sỹ đi học bác sỹ. Ngoài ra, cùng với tập trung thực hiện tốt y đức, đơn vị phát triển thêm các dịch vụ y tế chuyên sâu để phục vụ, thu hút bệnh nhân. Từ nay đến cuối năm, bệnh viện triển khai thêm điều trị chuyên khoa về tim mạch, đái tháo đường; đưa máy thở, máy shock vào phục vụ hồi sức cấp cứu; triển khai phẫu thuật cắt túi mật, lấy ống mật chủ, phẫu thuật lấy sỏi bàng quang, nội soi tử cung…

Với những khó khăn trên, BVĐK Vũ Quang rất cần sự chung tay của chính quyền địa phương và ngành Y tế.

Thục Chi (Báo Hà Tĩnh)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP