Đây cũng là thành công của việc thực hiện Đề án 1816 về việc “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh” ở Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh.
Năm 2007, anh Lê Trung Tịnh ở xóm 7 xã Thạch Xuân (Thạch Hà) bị phát hiện bệnh thoái hóa khớp háng ở chân phải và được giới thiệu phẫu thuật thay khớp háng ở bệnh viện Việt Đức. Mặc dù được Bảo hiểm chi trả cơ bản các khoản chi phí dịch vụ phẫu thuật, nhưng gia đình còn phải chi một khoản tiền khá lớn cho việc đi lại, việc ăn ở của người thân theo chăm sóc… chưa kể sự đau đớn, mệt mỏi phải trải qua trên chặng đường hàng trăm km, đặc biệt là khi vết thương chưa kịp phục hồi sau mổ.
Sauphẫu thuật thay khớp háng nhân tạo, bệnh nhân Lê Trung Tính cơ bản hoạt động bình thường trở lại
Vừa qua, chân trái của anh bắt đầu có biểu hiện của thoái hóa khớp háng và được chỉ định phẫu thuật thay khớp nhân tạo. Tuy nhiên, lần này anh được làm phẫu thuật ngay tại bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh. Chỉ sau 11 ngày kể từ khi tiến hành phẫu thuật, anh đã được ra viện và đi lại, sinh hoạt gần như bình thường. Anh Tịnh tâm sự: “So với lần phẫu thuật ở Hà Nội trước đây, lần này tôi thấy thuận lợi và đảm bảo sức khỏe hơn rất nhiều. Tiền tàu xe, ăn ở không đáng bao nhiêu; được nghỉ dưỡng ổn định tại chỗ, lại được sự săn sóc tận tình của các y, bác sỹ nên vết thương phục hồi nhanh hơn”.
Hơn một tháng kể từ ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã xuất viện trong trạng thái cơ bản hết đau nhức như trước khi mổ thay khớp nhân tạo; chức năng khớp háng được phục hồi gần như bình thường; không xuất hiện các biến chứng sau mổ. Người bệnh trở lại những sinh hoạt hàng ngày, có thể tham gia những môn thể thao nhẹ như bơi lội, đi bộ, đi xe đạp…
BSCK II Nguyễn Quang Trúc – Phó Trưởng Khoa Chấn thương – Bệnh viên đa khoa Hà Tĩnh phấn khởi tâm sự: “Phẫu thuật thành công cho các bệnh nhân bị thoái hóa khớp háng là một trong những bước tiến mới trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Được trực tiếp tâm tư với mỗi người bệnh sau khi phẫu thuật, hòa nhập với cuộc sống, mới thấy được niềm hạnh phúc của họ lớn lao đến dường nào! Đây cũng chính là món quà tinh thần động viên đội ngũ y, bác sỹ chúng tôi phấn đấu giữ gìn y đức, nâng cao năng lực chuyên môn để ngày càng chiếm lĩnh được các tiến bộ kỹ thuật y học mới, đáp ứng được nhu cầu khám và chữa bệnh của nhân dân”.
Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án 1816, nhờ Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Khánh và các cộng sự đến từ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) trực tiếp chỉ dẫn và thực hiện, từ tháng 5/2011 đến nay, Khoa Chấn thương – Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, đứng đầu là BSCK II Nguyễn Quang Trúc – Phó trưởng khoa đã tiếp nhận và tiến hành phẫu thuật thay khớp háng toàn phần và bán phần cho 8 bệnh nhân có bệnh lý khớp háng như: thoái hóa khớp, tiêu chỏm, gãy cổ xương đùi…
Hiệu quả thiết thực từ thành công trong phẫu thuật thay khớp háng mang lại đã giúp bệnh nhân, đặc biệt là người nghèo giải quyết được những khó khăn về kinh phí trong quá trình phẫu thuật, điều trị cũng như sự phức tạp trong đi lại, ăn ở; đồng thời góp phần quan trọng trong việc giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên theo như mục tiêu chính của Đề án 1816 đề ra.
Theo các nhà chuyên môn về chấn thương – chỉnh hình, bệnh nhân cần phải thay khớp háng là những người có nhiều bệnh lý làm tổn thương sụn khớp của chỏm xương đùi và sụn ổ cối khớp háng như: họai tử chỏm xương đùi, thoái hoá khớp háng, viêm khớp dạng thấp, gãy cổ xương đùi… làm cho người bệnh đau đớn kéo dài mặc dù đã được điều trị tích cực; làm ảnh hưởng đến việc đi lại và sinh hoạt của người bệnh, nhất là khi đi lên hoặc đi xuống cầu thang.
Trong thời gian đầu của bệnh, bác sỹ thường áp dụng các phương pháp điều trị bảo tồn như thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau, giảm sức tì đè lên khớp… tuỳ theo từng loại bệnh khác nhau. Tuy nhiên, khi bệnh đến mức độ trầm trọng, bệnh nhân cần phải phẫu thuật thay khớp háng.
Thành công từ phẫu thuật thay khớp háng còn khẳng định rõ nét sự tiến bộ vượt bậc về trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề của các bác sỹ và phương tiện khám, chữa bệnh của Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh.Bên cạnh đó, phải kể đến tác dụng và ý nghĩa lớn của Đề án 1816 của Bộ Y tế, trong đó có vai trò quan trọng của Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Khánh và các cộng sự ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đã dày công giúp đỡ, chuyển tải những kiến thức và kinh nghiệm đến với đội ngũ bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh.
Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Khánh cho biết: “Phẫu thuật thay khớp háng là một dạng phẫu thuật thường gặp nhưng lại khá phức tạp, đòi hỏi người bác sỹ phải có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng tổng hợp và vốn kinh nghiệm phong phú. Điều làm chúng tôi yên tâm là bước đầu, các bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh đã tiếp cận khá nhanh những kiến thức cơ bản về phẫu thuật khớp háng. Thời gian tới, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ tiếp tục đồng hành và phối hợp thực hiện với hiệu quả cao nhất Đề án 1816, giúp các bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh sớm làm chủ được kỹ thuật mổ thay khớp háng cũng như tiếp cận được với các tiến bộ y học mới trong quá trình khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Tiến Thành
Báo Hà Tĩnh