Tâm sự

‘Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền’ là câu nói mỉa mai?

Tôi rất sợ, thậm chí là ám ảnh cảnh một ngày nào đó, tôi phải đi xa một thời gian và bà vợ an ủi rằng: “Em sẽ đợi anh như bến đợi thuyền”!

Từ trước đến nay, người ta vẫn mặc định rằng “con thuyền” là biểu trưng cho sự phiêu du, linh động, thay đổi của người con trai (hoặc người đi). Và ngược lại, “bến đò” lại là sự đợi chờ thủy chung của người phụ nữ (hoặc người ở lại).

Đương nhiên, những câu ca dao quen thuộc, liên quan đến hình ảnh cái bến, con thuyền như:

“Thuyền về có nhớ bến chăng

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”

Thuyền và bến tượng trưng cho tình nghĩa sắt son, chung thủy của lứa đôi trong cuộc đời?

Cũng được cắt nghĩa là tình cảm, là sự đợi chờ, thủy chung, tấm lòng son sắt của người phụ nữ (người ở lại) dành cho người người đàn ông (người đi).

Tôi có thể trích dẫn lời bình giảng, phân tích của một nhà nghiên cứu được sưu tầm trên Internet:

“Có thể nói đây là một bài thơ tình dân gian kiệt tác. Thuyền và bến là 2 hình ảnh ẩn dụ – nhân hóa giao kết, giao hòa bằng những tình cảm sâu nặng. Thuyền thì “về”, còn bến luôn đợi thuyền, khăng khăng mãi trong lòng, không bao giờ có thể đổi thay, phai nhạt… Thuyền và bến tượng trưng cho tình nghĩa sắt son, chung thủy của lứa đôi trong cuộc đời…”

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện hơn thì câu ca dao trên hoặc ý nghĩa của hình ảnh “bến”, “thuyền” trong văn học dân gian Việt Nam lại không hề như ta nghĩ.

Chúng ta có thể thấy, ca dao hay tục ngữ Việt Nam đều là những câu nói đúc kết sự quan sát, kinh nghiệm của nhân dân, mượn hình ảnh tự nhiên, khách quan để thể hiện đời sống nội tâm của con người.

Mà “bến đò” từ xưa đến nay, không bao giờ đón một con thuyền duy nhất. Thậm chí, một bến có thể đón rất nhiều thuyền, đò cùng một lúc. Điều đó chắc chắn các tác giả dân gian cũng đều nhìn ra.

Nếu “bến” mà chỉ đón duy nhất một con thuyền thì đó chẳng còn là cái bến nữa (hoặc là cái bến… “vô tích sự”).

Ngược lại, “con thuyền” tuy là hình ảnh động, là thứ mang tính linh hoạt, thay đổi nhưng xét cho cùng thì trong một thời điểm nhất định, con thuyền chỉ có thể cập một bến duy nhất.

Điều đó khiến tôi băn khoăn rằng liệu từ xưa đến nay, chúng ta có giải nghĩa, bình luận câu ca dao trên sai hay không? Hay câu ca dao này lại là một câu nói “mỉa mai”, bóng gió của các tác giả dân gian giống như câu:

“Đàn ông nông nổi giếng khơi

Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”

Thế nên, chẳng may một ngày nào đó, người đàn ông phải đi xa, hỏi người thương của mình rằng “Em sẽ đợi anh về chứ?” thì có lẽ câu trả lời “kinh khủng” nhất mà người đó chẳng bao giờ muốn nhận được đó là:

“Em sẽ đợi anh như bến đợi thuyền”

Văn Chính

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP