Tin Hà Tĩnh

Bất thường trong cấp GCNQSDĐ và chi trả bồi thường tại dự án KĐT mới Xuân An - Nghi Xuân

Khi nhiều hộ dân bức xúc vì bị mất đất ruộng thì họ phát hiện có một diện tích lớn đất “đầu thừa, đuôi thẹo” được chia đều cho các hộ dân khác để nhận tiền bồi thường.

Chính quyền thu hồi đất nông nghiệp chia cho các hộ dân khác

Ngày 3/1, báo Gia đình Việt Nam đăng bài Hà Tĩnh: Dân bức xúc vì chính quyền “tịch thu” đất nông nghiệp chia cho người khác phản ánh việc hàng chục hộ dân tại thị trấn Xuân An (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) làm đơn khiếu nại vì cho rằng chính quyền sở tại đã “tịch thu” đất nông nghiệp mà trước đó họ đã sử dụng nhiều năm, sau đó tự ý chia lại cho những hộ dân khác theo cách thiếu công bằng, trái quy định.

Trong khi hàng chục hộ dân tại thị trấn Xuân An (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) khiếu nại chính quyền tịch thu đất nông nghiệp trái quy định thì phát hiện ra những sự việc bất thường khác trong cấp GCNQSDĐ và chi trả bồi thường tại dự án khu đô thị mới Xuân An.

Trong khi sự việc gây bức xúc dư luận, chính quyền sở tại chưa có câu trả lời thỏa đáng thì mới đây người dân nói trên càng bức xúc hơn khi phát hiện thêm những vấn đề bất thường khác trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nông nghiệp và chi trả bồi thường đất thu hồi tại Dự án khu đô thị mới Xuân An (dự án đang triển khai tại thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, có mức đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng)

Người dân bất ngờ khi được nhận tiền bồi thường

Bà Lê Thị Tý (chồng là Hà Văn Lự, trú tổ dân phố 7, thị trấn Xuân An, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cho biết, năm 2002, UBND thị trấn Xuân An tổ chức chia lại đất ruộng thì gia đình bà Tý được chia 2 thửa (trước đó gia đình bà Tý có 5 thửa).

Cách đây chưa lâu, gia đình bà Tý hết sức bất ngờ khi được thông báo đi nhận tiền bồi thường khi mà 2 thửa đất ruộng của gia đình vẫn còn “nguyên vẹn”, chưa bị chính quyền thu hồi (?). Số tiền gia đình bà Tý được nhận là hơn 16 triệu đồng.

Bà Tý kể: “Hôm đó ông khối trưởng cũ (nguyên Tổ trưởng tổ dân phố - PV) nói là gia đình tôi có trong danh sách nhận tiền bồi thường. Lúc đó nhà tôi thắc mắc ‘nhà em đất chưa thu hồi làm chi (gì) mà có tiền’. Sau đó chồng tôi ra hội trường thấy nhà tôi có danh sách bồi thường hơn 16 triệu đồng. Nói chung tôi và chồng đều không hiểu là số tiền này từ đâu, nhưng sau nghĩ họ cho thì mình cứ lấy. Sau đó nhà tôi lên gặp họ (bộ phận trả tiền bồi thường thì thu hồi đất thực hiện dự án – PV) thì thấy được nhận từng đó tiền”.

Dự án Khu đô thị mới Xuân An (thị trấn Xuân An, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang triển khai xây dựng có tổng mức đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng

Theo bà Tý, trước đó, vào thời điểm nhiều hộ gia đình tại khối 7, thị trấn Xuân An được cấp GCNQSDĐ nông nghiệp thì gia đình bà Tý cũng được thông báo đi nhận “bìa”. Lúc này, ngoài 2 thửa đất của gia đình bà Tý được chia từ năm 2002 (chưa bị thu hồi) thì gia đình bà Tý bất ngờ vì “bỗng dưng” có thêm một diện tích đất mà trước đó gia đình bà Tý chưa hề biết đến.

Sau đó khi gia đình bà Tý được nhận số tiền hơn 16 triệu đồng thì “bìa” đất nói trên cũng bị thu hồi.

“Đất nhà tôi đang nằm đó chưa thu hồi nhưng khi thấy có tiền bồi thường thì chồng tôi đi lấy. Khi lấy tiền thì họ nói mượn tạm bìa đất để làm lại bìa khác cho gia đình tôi vì nhà tôi còn 2 thửa đất đó. Họ nói thế nên chồng tôi cũng đưa bìa cho họ”, bà Tý nói.

Không riêng gia đình bà Tý, quá trình tìm hiểu của phóng viên thấy rằng có nhiều hộ dân khác tại thị trấn Xuân An đã được nhận thêm một số tiền bồi thường nhưng không biết “mặt mũi” một trong số diện tích đất đã bị thu hồi là ở nơi nào, có diện tích bao nhiêu?

Theo đó, ông T.VM.T và bà N.T.T (cùng trú tổ dân phố 7, có đất nông nghiệp bị thu hồi để thực hiện dự án Khu đô thị mới Xuân An) cùng cho biết, ngoài số diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi mà gia đình biết rõ, thì cũng có một diện tích đất có trong “bìa” họ chưa từng biết đến tuy đã được nhận một số tiền bồi thường tương ứng.

Chia đều “đầu thừa, đuôi thẹo” cho người dân để nhận tiền bồi thường

Theo tài liệu mà phóng viên có được, vào khoảng thời điểm tháng 9 năm 2016, đã có hàng chục văn bản có tên gọi “Văn bản hộ gia đình giao đất mượn cho tổ dân phố” đã được ông Tổ trưởng tổ dân phố 7 mang đến từng hộ gia đình để nhằm thực hiện “thỏa thuận gửi đất”.

Văn bản nói trên có nội dung chính như sau:

“Thực hiện kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 17/7/2014 của Ủy ban nhân dân thị trấn Xuân An về việc đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho các hộ gia đình nhận đất nông nghiệp theo Nghị định 64 của Chính phủ.

Ban cán sự, tổ đo đạc đất của TDP 7, sau khi có số liệu đo đạc của đơn vị tư vấn đã tính diện tích cho các hộ dân đầy đủ, đúng theo các xứ đồng, lập hồ sơ đất, niêm yết danh sách công khai tại Hội trường TDP.

Các hộ gia đình nhận đất đã kiểm tra, đối chiếu và ký các văn bản để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp. Hiện nay các hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Riêng đất đầu thừa, đuôi thẹo, tại cuộc họp nhân dân ngày 11/4/2015 đã quyết nghị: chia cho các hộ dân nhận đất nông nghiệp của TDP 7 mượn để sản xuất.

Diện tích đất mượn của hộ gia đình là:…………………………m2 ở xứ đồng……………………...

Khi nhà nước có chủ trương thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, thì gia đình chúng tôi xin trả lại số diện tích trên cho tổ dân phố để thực hiện việc đền bù theo chủ trương trên”.

"Văn bản hộ gia đình giao đất mượn cho tổ dân phố"

Theo đó, có hàng trăm hộ gia đình đã ký vào văn bản nói trên, chấp thuận rằng số diện tích đất ghi trong văn bản nói trên coi như là do tổ dân phố gửi vào GCNQSDĐ, khi được nhận tiền bồi thường thì gia đình sẽ “trích lại” số tiền tương ứng với diện tích đất “gửi” cho Tổ dân phố.

Bà N.T.T, người đã ký văn bản “mượn” 75 m2 đất cho biết: “Đại khái ông tổ trưởng tổ dân phố nói là cho gia đình tôi mượn 75 m2, sau đó tổ dân phố thu tiền lại để làm quỹ hay làm chi đó”.

Bà T cho hay, khi ông tổ trưởng tổ dân phố mang văn bản đến nói “ký cho một chữ vào đây” thì bà đồng ý ký mà không thắc mắc gì thêm, đồng thời cũng không biết số diện tích đất 75 m2 là nằm ở vị trí nào trên cánh đồng(?)

Ông T.V.M.T cũng từng ký vào văn bản “mượn” 90 m2 đất nông nghiệp, cho biết: “Có một tờ giấy họ ghi sẵn vào rồi, khi họ đến nhà nào, số lượng bao nhiêu thì nhà đó ký vào và tổ trưởng tổ dân phố ký vào, mỗi bên cầm một bản. Ý họ là gửi từng đó đất”.

Khi phóng viên hỏi số diện tích đất mà ông T đồng ý “gửi” nói trên đã được gia đình nhận và sử dụng từ khi nào, ông T chỉ nói: “Cũng không biết luôn”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sở dĩ gia đình bà Lê Thị Tý, bà N.T.T và ông T.V.M.T được nhận tiền bồi thường khi mà “không biết mặt mũi” của thửa đất (được gọi là “mượn” của tổ dân phố) vì trước đó họ chưa từng được bàn giao số đất đai này trên thực địa, cũng như nhiều năm qua chưa từng sử dụng canh tác.

Có hàng loạt văn bản giao "đất mượn" được lưu giữ trong các hộ gia đình. Số diện tích đất "đầu thừa, đuôi thẹo" đã được cấp GCNQSDĐ.

Trao đổi về sự việc, ông Bùi Duy Chân – Tổ trưởng tổ dân phố 7, thị trấn Xuân An – thừa nhận mình là người “đại diện tổ dân phố” ký nhiều văn bản “giao mượn đất” nói trên với các hộ gia đình.

Ông Chân cho biết, năm 2002 – 2003, sau khi thị trấn Xuân An tiến hành chia lại đất ruộng thì còn lại một số đất xấu, khó canh tác không ai nhận. “Khi đó do đất xấu nên không ai nhận, sau có chủ trương của trên dân ai canh tác thì cho họ mượn. Năm 2014 đo lại, số đất còn lại này giữ nguyên. Sau đó họp dân thì tổ dân phố quyết định chia đều ra cho từng khẩu”.

Ông Chân nói: “Làm giấy này (văn bản giao nhận đất) để có tính chất xác nhận số đất này hồi đó không chia, đã giao cho dân mượn để sản xuất khỏi bỏ hoang hóa. Nếu sau này có tiền bồi thường, họp dân nếu dân để lại trích quỹ bao nhiêu, còn lại thì chia đều cho các khẩu và các hộ”.

“Sau khi làm giấy này xong thì một số hộ có ý kiến, đặc biệt đất này đã được đưa vào cấp bìa cho dân thì dân. Sau đó chúng tôi họp và thống nhất rằng đất này đã đưa vào bìa rồi thì là của dân thôi”, ông Chân nói tiếp.

Theo ông Chân, tùy vào mỗi xứ đồng, mỗi khẩu sẽ được chia 15m2 hoặc nhiều hơn. Theo đó, các hộ dân trong tổ dân phố 7 được chia đều “đầu thừa, đuôi thẹo”, số diện tích đất này được cấp GCNQSDĐ.

Ông Bùi Duy Chân cho hay, việc làm nói trên có “chủ trương” của UBND thị trấn Xuân An nhằm tính toán phù hợp để cấp GCNQSDĐ cho người dân trước đợt thu hồi đất thực hiện dự án Khu đô thị mới Xuân An.

Trao đổi với ông Lê Văn Minh, Chủ tịch UBND thị trấn Xuân An, ông Minh nói chưa rõ sự việc. “Tôi cũng mới nghe nói, chúng tôi sẽ kiểm tra”, ông Minh nói ngắn gọn.

Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đông Dương - Thăng Long (Chủ đầu tư Dự án khu đô thị mới Xuân An) cho biết hiện đã chi trả khoảng 59 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng 27,3 ha đất nông nghiệp tại thị trấn Xuân An.

Những ngày qua, khi nhiều hộ dân tại thị trấn Xuân An đang khiếu nại chính quyền tịch thu đất nông nghiệp trái quy định thì việc “lòi” ra văn bản giao nhận “đất mượn”, chia đều đất dư dôi, rồi sau đó là việc các hộ dân được nhận tiền bồi thường từ đất “đầu thừa, đuôi thẹo” khiến dư luận càng xôn xao, bàn tán.

Người dân đặt ra hàng loạt câu hỏi: Thực chất đất được gọi là “đầu thừa, đuôi thẹo” là đất của ai? Tổng số diện tích đã được “chia đều” là bao nhiêu? Chủ đầu tư dự án khu đô thị mới Xuân An đã bỏ ra bao nhiêu tiền để “đổi” lấy số diện tích đất này? Có hay không việc chính quyền “phù phép” để trục lợi?

Những câu hỏi trên còn đang còn bỏ ngỏ.

Tác giả: Trọng Hùng

Nguồn tin: Báo Gia đình Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP