Việt Nam mua 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo từ Nga trong năm 2009 và điều này được thông tin rộng rãi từ truyền thông chính thống hai nước. Sau khi Việt Nam nhận được đủ 6 tàu ngầm sẽ tạo ra sự điều chỉnh rõ nét trong mối quan hệ trên biển Đông.
Tờ Ta Kung Pao trích lời ông Vasily Kashin từ Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Moscow cho biết, 12 tàu ngầm loại Kilo của Trung Quốc không có khả năng so sánh với các tàu ngầm cùng loại mà Việt Nam mua.
Các tàu ngầm sản xuất cho Trung Quốc được đóng và bàn giao sớm hơn. Còn tàu ngầm đóng cho Việt Nam được đóng cùng lúc khi Nga đóng tàu trang bị cho hải quân của mình nên hứa hẹn sẽ có những cải tiến.
Tờ báo nói rằng Nga rất sẵn sàng bán các hệ thống vũ khí tiên tiến như tàu ngầm loại Kilo và máy bay chiến đấu Su-30MK2 cho Việt Nam. Ngược lại, Nga thận trọng trong việc bán các vũ khí hiện dại cho Trung Quốc vì Trung Quốc từng nhiều lần “nhái” vũ khí của Nga mà không được phép. Hơn nữa, Moscow và Bắc Kinh cũng có vấn đề lãnh thổ ở khu vực biên giới.
Trước đó, một nguồn tin từ ngành công nghiệp hàng không Nga cho biết Nga rất không hài lòng về việc Bắc Kinh phát triển máy bay chiến đấu J-16, khi Trung Quốc chưa được sự cho phép của Nga để thiết kế các máy bay chiến đấu dựa trên bản thiết kế của máy bay Su-30MK2 do Nga chế tạo.
Hiện máy bay chủ lực trong không quân và hải quân Trung Quốc là J-11B. Nhưng Trung Quốc đã cắt giảm việc sản xuất các máy bay chiến đấu như J-15, J-16 và J-11B vì Nga từ chối cung cấp động cơ AL31F.
Đáng buồn là công nghệ hiện giờ của Trung Quốc chưa sản xuất được thiết bị này. Nếu không có đủ động cơ do Nga sản xuất, không quân PLA và lực lượng không quân của hải quân PLA không thể duy trì số lượng lớn máy bay chiến đấu tiên tiến.