Việc sáp nhập 2 đơn vị trên đã nâng diện tích của Khu BTTN Kẻ Gỗ từ 36.700 ha lên xấp xỉ 50.000 ha. Phần diện tích của Khu BTTN Kẻ Gỗ bây giờ trải dài trên 25 xã thuộc 4 huyện: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Khê, Kỳ Anh. Đây được coi là bước đột phá nhằm giảm thiểu bộ máy quản lý tại 2 đơn vị cũ, tăng cường lực lượng cho công tác bảo vệ, PCCCR. Đồng thời nâng cao trách nhiệm quản lý của chủ rừng.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ. Ảnh: Thanh Hoài |
“Quy về một mối” đã ngăn chặn được tình trạng khai thác rừng bừa bãi; hoặc tranh chấp, lấn chiếm đất rừng tại khu vực giáp ranh giữa đơn vị này với đơn vị khác mà trước đó khi xảy ra vụ việc, “trái bóng trách nhiệm” cứ lăn qua lăn lại, đặc biệt, tại khu rừng thuộc tuyến đường 21 – giáp ranh giữa huyện Thạch Hà – Khu BTTN Kẻ Gỗ và khu vực Thượng Tuy giáp ranh giữa 2 xã: Cẩm Thịnh, Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên).
Bên cạnh đó, việc sáp nhập giảm số trạm bảo vệ rừng (BVR) từ 17 trạm (trong đó có những trạm chỉ có 1-2 người), xuống chỉ còn 10 trạm với lực lượng bảo vệ được tăng cường nên công tác PCCCR đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, “quy về một mối”, 240 người thuộc 3 đơn vị, giờ chỉ còn lại 170 người nên tiết kiệm được nguồn kinh phí rất lớn cho ngân sách nhà nước. Cùng với đó, trách nhiệm quản lý của đơn vị chủ quản cũng được tăng cường nên công tác chăm sóc, khoanh nuôi phát triển rừng đạt hiệu quả cao hơn.
Tuy nhiên, việc sáp nhập cũng nảy sinh một số khó khăn mà theo Giám đốc Khu BTTN Kẻ Gỗ Nguyễn Viết Ninh thì: “Phần diện tích tăng thêm chủ yếu trải dài trên địa bàn rộng, bị chia cắt bởi địa hình hiểm trở, khu đô thị; hoặc nằm ở khu vực biên giới nhạy cảm nên công tác BVR và đặc biệt là PCCCR trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, “cuộc chiến” ngăn chặn tình trạng khai thác lâm sản quý hiếm, săn bắt động vật hoang dã cũng trở nên khốc liệt”.
Năm 2013, tại Khu BTTN Kẻ Gỗ đã xảy ra 3 vụ tấn công lực lượng bảo vệ rừng, trong đó có 2 vụ gây thương tích cho BVR. Và, nếu nhìn thực tại thì chưa hẳn những vụ tấn công này đã dừng lại bởi nhiều nguyên nhân. Việc xử lý không triệt để các vụ việc là một trong những yếu tố làm gia tăng tình trạng khai thác lâm sản trái phép. Lâm sản thu giữ được phải bàn giao cho hạt kiểm lâm gần nhất. Ngặt nỗi, đường vận chuyển lại quá xa và hiểm trở, trong khi phương tiện vận chuyển không có nên lực lượng BVR không có giải pháp khả dĩ nào hơn ngoài lựa chọn…“hóa”. Nhiều vụ việc thuộc thẩm quyền xử lý của chính quyền địa phương, nhưng sau khi bàn giao, mọi việc cứ thế chìm dần vào… quên lãng.
Một khó khăn khác không thể không nhắc đến là từ năm 2010 lại nay, nguồn kinh phí cho công tác BVR giảm sút gây không ít khó khăn cho hoạt động của đơn vị. Năm 2010, T.Ư đầu tư cho Hà Tĩnh 20 tỷ đồng chi phí cho công tác BVR, trong đó, Vườn quốc gia Vũ Quang nhận được 10 tỷ đồng, số còn lại chia đều cho các đơn vị khác. Năm 2012 được hỗ trợ 100 ngàn đồng/ha/năm. Nhưng năm 2013, nguồn ngân sách này lại giảm đột ngột và theo tính toán của những người trong cuộc thì hiện có khoảng 5.000 ha rừng đặc dụng chưa được cấp kinh phí và 16.000 ha rừng phòng hộ thiếu hẳn nguồn kinh phí đầu tư.
Có thể, về lâu dài, bài toán này sẽ được tháo gỡ nếu nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành và của tỉnh. Nhưng trước mắt, để công tác BVR đạt hiệu quả cao, những người làm công tác quản lý Khu BTTN Kẻ Gỗ mong mỏi sớm thành lập hạt kiểm lâm, trung tâm giáo dục môi trường rừng để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân trong công tác BVR, phòng chống biến đổi khí hậu và phát triển rừng theo hướng bền vững.
Hoài Nam – Thăng Long (Baohatinh.vn)