Sáng 12/9, phóng viên báo Dân Việt đã trực tiếp có mặt tại cánh đồng thôn Quang Trung, xã Kỳ Xuân, Hà Tĩnh. Theo quan sát của phóng viên, cả một cánh đồng rộng lớn lúa đã chín vàng nhưng chỉ có duy nhất một máy đang gặt lúa. Rất đông bà con nông dân mang theo bao bì đứng chờ máy đến ruộng của mình để thuê gặt.
Khi được hỏi về giá thuê máy gặt lúa, nhiều nông dân bất bình cho biết, giá chủ máy đưa ra 180.000 đồng/sào. Biết là giá quá cao nhưng không có máy nào khác nên phải chấp nhận thuê máy này. Theo tìm hiểu của phóng viên, trước khi vào vụ thu hoạch vụ lúa hè - thu 2018, UBND xã Kỳ Xuân đã ra thông báo về quy định giá máy gặt lúa.
Theo đó, căn cứ vào địa hình đồng ruộng trên địa bàn, UBND xã Kỳ Xuân đưa ra mức giá gặt lúa cho 1 sào ruộng (500 m2) dao động từ 140.000 - 160.000 đồng. Các chủ máy gặt tham gia gặt lúa thuê trên cánh đồng của xã Kỳ Xuân phải đến Công an xã đăng ký và tuân thủ theo mức giá đã được niêm yết.
|
Những cánh đồng lúa chín vàng mà thiếu máy gặt. Ảnh: Dân Việt & Lao Động |
Tuy nhiên, một nghịch lý bà con nông dân ở xã Kỳ Xuân phải trả giá thuê máy gặt lúa cao hơn giá niêm yết và không có sự lựa chọn nào khác. Một người dân ở thôn Quang Trung cho biết, những ngày qua, chỉ có duy nhất có chiếc máy gặt lúa của chủ thầu biệt danh là “Úc Râu” ở huyện Kỳ Anh hoạt động.
Hiện, lúa trên đồng đã chín rũ mà máy gặt khan hiếm, để kịp chạy lũ bà con nông dân phải thuê máy gặt của người này và phải chấp nhận mức giá từ 170.000 - 180.000 đồng/sào.
“Năm nào xã cũng đi thuê máy gặt lúa về cho dân nhưng không hiểu sao những chủ máy vừa đưa máy đến lại phải quay về. Chiều 9/9, có một người dân thôn Quang Trung cũng thuê 1 máy gặt lúa về tới đầu thôn thì chủ máy gặt này bị đe dọa nên phải đưa máy đi nơi khác. Dù rất bức xúc nhưng hầu như người dân không ai dám tố cáo, vì sợ”-người đàn ông này nói.
Theo một cán bộ thôn Quang Trung, tình trạng “xã hội đen” kết nối dẫn máy gặt về làng lấy giá “chặt chém” đã xảy ra mấy năm nay. Như năm ngoái, các nơi khác giá gặt chỉ 110.000 - 120.000đ/sào nhưng máy của đối tượng bảo kê lấy 180.000đ/sào. Trong khi thực tế, chúng chỉ trả cho chủ máy gặt 120.000, còn 60.000 bỏ túi.
Bức xúc hơn, vụ xuân 2017, khi trưởng thôn Quang Trung kết nối đưa một máy gặt khác về để tránh tình trạng một máy “độc quyền” của nhóm bảo kê tung tác, thì bị một số thành phần vào tận nhà trưởng thôn đe dọa, khiến chủ máy sợ hãi phải “chuồn” ngay cho an toàn.
Cũng vì để nhóm bảo kê tung tác nên có vụ, lúa đã chín rũ ngoài đồng, nhưng máy của chúng đang đi gặt ở đồng khác chưa đến nên nhiều người phải ra gặt tay (gặt bằng liềm) để vớt vát, đến cả nhà bí thư chi bộ thôn và nhà trưởng thôn cũng phải ra gặt tay cứu lúa.
Ông Lê Đình Đức - Trưởng Công an xã Kỳ Xuân - xác nhận với Lao Động có tình trạng mấy năm nay một đối tượng có tiền án tiền sự ở xã Kỳ Bắc dẫn máy gặt về thôn Quang Trung gặt lúa và thường lấy giá cao hơn mặt bằng chung.
Trước tình trạng này, năm nay UBND xã Kỳ Xuân đã có văn bản yêu cầu chủ máy gặt chỉ được lấy tối đa 160.000đ/sào. Thế nhưng, thực tế hiện nay họ đang lấy 170.000 - 180.000đ/sào. Nhưng khi hỏi thì dân không dám nói thật, mà nói do ruộng sục rồi tự bồi dưỡng thêm cho máy.
“Chúng tôi bức xúc lắm nhưng cũng không có cơ sở để xử lý. Vì dân thì không dám tố” - ông Đức nói.
Tác giả: Hạnh Chi (T/h)
Nguồn tin: Báo Đời sống Việt Nam