Trung Quốc hoàn toàn tin tưởng rằng, các căn cứ trên đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp có thể duy trì được khả năng sống còn khi đối mặt với sự can thiệp quân sự của Mỹ. Có ba điểm then chốt:
– Trung Quốc đang thực hiện quyết tâm chắc chắn trong việc xây dựng và tổ chức “Bộ ba đảo lớn.”
– Trung Quốc đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng về quân đội Mỹ trong vài thập kỷ qua. Quân đội Trung Quốc (PLA) và các nhà lãnh đạo Bắc Kinh rất quen thuộc với năng lực thực sự của Mỹ.
– Những nhà lãnh đạo Quân đội Trung Quốc không phải là người thiếu trình độ. Họ có những biện pháp cần thiết để bảo đảm các căn cứ tiền đồn có một cơ hội sống sót trong chiến đấu đủ lâu để tạo thành thách thức đáng lo ngại cho quân đội Mỹ.
Cần hiểu rất rõ ràng quy mô to lớn của các đảo nhân tạo phi pháp hiện có và những gì minh chứng cho quyết tâm đầy tham vọng của Bắc Kinh. Khi nói về chiến dịch bồi đắp đảo của Trung Quốc, một điệp khúc điển hình trên truyền thông là bao nhiêu ngàn mẫu đã được bồi đắp và xây dựng. Đồng thời các nhà phân tích luôn cho rằng có thể xóa sổ các tiền đồn này chỉ bằng một loạt tên lửa hành trình có độ chính xác cao.
Nhưng hãy xem xét một số so sánh: trên đảo Đá Chữ Thập, chỉ có một phần rất nhỏ đường băng nằm trên rạn san hô. Căn cứ hiện nay ở đảo Đá Chữ Thập là một căn cứ không quân điển hình và có một bến cảng nước sâu khá lớn, điều đó nói lên công trình đã xây dựng với quy mô lớn đến mức nào. Đảo Đá Xu bi bị bồi đắp lớn hơn gần 50%, kèm theo một cảng nước sâu có chiều dài hơn hai dặm. Một so sánh hình ảnh giữa đảo Đá Xu bi và với Pearl Harbor cho thấy những gì mà Trung Quốc đã phát triển từ điểm xuất phát hoàn toàn bằng không.
Đảo Đá Vành Khăn nếu so với với các đảo của các bên tranh chấp khác trong khu vực và các dự án bồi đắp đảo khác, quy mô xây dựng ở đây có thể nói hơn tất cả tất cả các đảo khác gộp lại. Tất cả các căn cứ lớn nhất của những quốc gia có tranh chấp trên Biển Đông vừa vặn bằng một nửa vùng nước mà đảo Đá Vành Khăn bao bọc. Từ góc nhìn so sánh, chu vi vùng đất của đảo Đá Vành Khăn gần bằng chu vi của Quận Columbia. Bắc Kinh rõ ràng đã đặt niềm tin rất lớn vào các đảo – căn cứ tiền tiêu mới xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Trung Quốc đặc biệt chú ý đến khả năng tấn công chính xác của Mỹ (PLA cũng có những loại vũ khí này). Nhằm đối phó với vũ khí Mỹ, Bắc Kinh sẽ tiến hành những biện pháp gì để có thể lên kế hoạch nhằm đảm bảo khả năng tác chiến hiệu quả các đảo tiền tiêu – căn cứ quân sự trong cuộc xung đột vũ trang cường độ cao?
Đầu tiên, cần nhận thức rõ ràng, tất cả các hệ thống vũ khí hiện đại hóa cao chống can thiệp đều là các hệ thống cơ động. Nếu vũ khí được bố trí trên đảo cát nhỏ thì thực tế các các mục tiêu này không có ý nghĩa. Nhưng trên một hòn đảo nhân tạo có diện tích như đảo Đá Xu bi hoặc Đá Vành Khăn, các phương tiện tác chiến sẽ không đứng cố định, kiên nhẫn chờ đợi để bị phá hủy hoàn toàn. Diện tích vùng đất của Đá Vành Khăn là hơn 8 dặm dài. Nếu lái xe chạy trên đảo với tốc độ cao cũng phải mất gần mười phút.
Có rất nhiều công trình xây dựng vững chắc đã hình thành, tất cả các cơ sở hạ tầng này, quân đội Trung Quốc (PLA) đều có thể sử dụng để cơ động những hệ thống vũ khí đến những điểm mà đối phương không mong đợi. Điều này khiến lực lượng tấn công khó có thể tập kích bao trùm bằng các đầu đạn chứa chất nổ mạnh (các loại đầu đạn phi hạt nhân) với hy vọng tiêu diệt mục tiêu.
Ngay cả khi máy bay Mỹ có thể tiến hành các cuộc tập kích đường không mà không bị tấn công khi phải đối mặt với hàng chục máy bay tiêm kích Trung Quốc và các đòn phản kích của tên lửa SAM, thành công cùng hoàn toàn không chắc chắn.
Cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, Mỹ đã có nhưng kinh nghiệm săn đuổi các tổ hợp tên lửa di động trong điều kiện thống trị bầu trời (không bị đe dọa bởi bất cứ lực lượng phòng không nào), “trong 42 lần tiến hành các hoạt động bay vòng quanh thám sát khu vực, truy tìm các bệ phóng tên lửa cơ động, chỉ có 8 lần không quân Mỹ phát hiện chính xác mục tiêu để tiêu diệt”.
Trong thực tế chiến trường, hệ thống A2/AD có các phương tiên tác chiến di động, hòa nhập vào hạ tầng cơ sở đã khiến một số nhà phân tích nhận định rằng, lực lượng phòng ngự có thể chiếm được ưu thế hơn so với các phương tiện tấn công chính xác trong nhiều trường hợp:
Các xe chuyên dụng của PLA có thể ẩn nấp trong các rừng cây nhân tạo hoặc giữa các công trình xây dựng cùng với số lượng lớn các nhà chờ dã chiến mái vòm, không trong suốt với radar, có thể là những kết cấu thường xuyên để che giấu các phương tiện tác chiến, nhưng hầu hết các nhà vòm lại luôn trống rỗng, điều đó khiến cho các đòn tấn công trở lên không hiệu quả.
PLA cũng có thể phát triển các thiết bị nghi binh khá dễ dàng và rẻ tiền … một công ty tư nhân Nga đã phát triển các bộ thiết bị nghi binh bằng cao su bơm hơi của hầu hết các loại phương tiện tác chiến, như tổ hợp tên lửa phòng không S-300 … Cuối cùng, các mục tiêu mặt đất có giá trị cao có thể được bảo vệ bằng hệ thống phòng không tầm gần và cận gần, trong đó có súng tự động điều khiển bằng radar và các tổ hợp tên lửa nhỏ, tầm gần.
Những tổ hợp phòng không tầm gần đang được xây dựng trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp phi pháp hiện nay. Có thể thấy được “các công trình xây dựng hình lục giác không rõ mục đích” chính là các tháp triển khai vũ khí phòng không tầm gần. Chúng được xây dựng trên mỗi góc của đảo, nếu kết nối các tháp phòng không lại với tầm bắn của các loại vũ khí mà Trung Quốc hiện có, có thể tạo lên một bức tường lửa thật sự. Mỗi công trình xây dựng lục giác đó trên “Bộ ba đảo lớn” có cùng kích thước và hình dạng với tháp hỏa lực súng phòng không tầm gần, được triển khai trên đảo Ga Ven, tiền đồn nhỏ hơn của Trung Quốc.
Từ suy luận này có thể thấy rằng, ở mỗi góc đảo nhân tạo lớn sẽ được bố trí các hệ thống vũ khí phòng thủ tên lửa gồm một cụm có từ năm, sáu khẩu đội súng phòng không tốc độ cao hoặc tổ hợp phóng tên lửa tầm gần. Sử dụng một số lượng lớn các tổ hợp súng tự động phòng không, tên lửa tầm gần chống tên lửa hành trình là hình thái chiến thuật phòng thủ nhằm bắn hạ các máy bay tự sát Kamikazes trong Thế chiến II. Thực tế, các nguy cơ đe dọa bằng tên lửa hành trình cũng tương tự như vậy: Tomahawk giống như một chiếc máy bay có kích thước nhỏ, mang theo một khối lượng chất nổ bay từ hướng biển với tốc độ cận âm, được điều khiển bởi một phi công cảm tử.
Căn cứ từ những phân tích trên có thể thấy, các đảo nhân tạo – căn cứ quân sự tiền tiêu của Trung Quốc, được xây dựng với tính toán từ đầu trong thời đại của vũ khí có độ chính xác cao và có biện pháp đối phó thích hợp với đòn tấn công phủ đầu hủy diệt. Ví dụ, gần đây các nhà phân tích của Trung tâm Chiến lược và Thẩm định ngân sách Mỹ đã đưa ra kiến nghị nhằm giảm khả năng sát thương phá hoại của loạt tên lửa có điều khiển và dẫn đường với độ chính xác cao là:
1. Tiến hành các hoạt động tác chiến trên cơ sở “cụm phòng không” để “buộc kẻ thù phải phân tán hỏa lực trong cuộc không kích với số lượng mục tiêu lớn hơn. Tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa bằng phương án hiệp đồng tác chiến lẫn nhau giữa hệ thống súng phòng không tốc độ cao và tên lửa phòng không tầm gần thuộc mỗi cụm hỏa lực.” (Các vùng phòng không, phòng thủ tên lửa đan xen lẫn nhau ).
2. Tăng khả năng duy trì sự sống còn và khả năng hoạt động của căn cứ bằng cách phân tán các cơ sở hạ tầng đảm bảo quan trọng và mục tiêu có ý nghĩa quân sự cao, buộc đối thủ tấn công phải sử dụng nhiều vũ khí hơn để tấn công và làm suy giảm hiệu quả chiến đấu, tăng nguy cơ tổn thất vũ khí trang bị. (các nhà chứa máy bay được gia cố chống tập kích đường không, các hầm chứa nhiên liệu ngầm được xây dựng mở rộng ra trên toàn bộ diện tích đảo.
3. Có sự chuyển tiếp từ hệ thống phòng không tầm trung đến hệ thống bằng súng tự động và tên lửa phòng không tầm gần nhằm tăng cường mật độ hỏa lực của hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa, buộc lực lượng tấn công phải sử dụng các loại vũ khí có giá thành rất cao. (Ví dụ, triển khai các hệ thống phòng thủ đánh chặn tên lửa hành trình Tomahawk TLAM và tên lửa hành trình JASSM, những loại vũ khí này đều có giá trị hàng triệu đô la.)
Được triển khai sức mạnh chiến đấu đầy đủ, các căn cứ trên đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp của Trung Quốc chỉ có thể bị tiêu diệt trong điều kiện bị tấn công phủ đầu với mật độ hỏa lực lớn.
Vấn đề loại bỏ hệ thống chống xâm nhập/ ngăn chặn tiếp cận A2/AD sẽ được giải quyết thông qua những học thuyết quân sự mới như Khái niệm Tác chiến Liên kết phối hợp (JOAC), Khái niệm chung về hoạt động thâm nhập và cơ động lực lượng trên quy mô tác chiến toàn cầu (JAM-GC) và chiến lược mũi nhọn thứ ba.
Trọng tâm của kế hoạch trước mắt là cần tiến hành các biện pháp quân sự – ngoại giao đến cấp độ nào và nguy cơ rủi ro đến đâu khi các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp phi pháp được quân sự hóa? Cần bao nhiêu thời gian để vô hiệu hóa các loại vũ khí, phương tiện “phản can thiệp” trong loạt đòn không kích có ý nghĩa quyết định đầu tiên của cuộc xung đột cường độ cao? Những đòi hỏi đặt ra có thể không bình thường như các chuyên gia dự đoán.
Để đảm bảo khả năng Mỹ có thể tiếp tục hoạt động trên biển theo các điều ước quốc tế và duy trì các quy định hàng hải của UNCLOS trên Biển Đông với chi phí có thể chấp nhận được, Washington cần phải hành động.
Thứ nhất, Mỹ cần phải làm rõ quan điểm kỳ vọng Trung Quốc tuân thủ lời hứa không quân sự hóa các tiền đồn trên Biển Đông, đồng thời tiếp tục duy trì sứ mệnh Tự do Hàng hải, củng cố những tác động thực tiễn phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực Quốc tế The Hague chống lại những tuyên bố phi pháp của Trung Quốc.
Cũng có thể cần phải có một số những khảo sát điều tra độ sâu của các vùng nước bên trong đảo Đá Xu bi và đảo Đá Vành Khăn để xác định độ sâu của vùng nước mà Bắc Kinh đã nạo vét cũng như những tác động ảnh hưởng đến môi trường biển – đây là vùng nước quốc tế. Những hoạt động này nhằm vận động, thúc đẩy thế giới nhưng cảnh báo và yêu cầu đối với Trung Quốc về vấn đề bảo vệ môi trường tự nhiên.
Thứ hai, Mỹ phải đẩy mạnh quá trình hiện thực hóa các khái niệm hiệp đồng tác chiến tiến công thâm nhập và tiếp cận cấp chiến dịch – chiến lược đã được nêu trên, thúc đẩy sự phát triển các hệ thống vũ khí liên quan nhằm đạt được mục đích chiến lược đặt ra là vô hiệu hóa hệ thống A2/AD.
Thứ ba, quá trình bồi đắp và xây dựng “Bộ ba đảo lớn” gần như đã hoàn thành, Mỹ cần theo dõi, giám sát và phát hiện kịp thời bất kỳ dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ triển khai lực lượng và vũ khí trang bị cho hệ thống chiến lược A2/AD, luôn sẵn sàng một kế hoạch phản ứng toàn diện ngăn chặn khả năng đó.
Các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị Mỹ cần xác định rõ nét trong vài tháng tới, họ sẽ phải tiến xa đến mức độ nào để ngăn chặn nguy cơ quân sự hóa quy mô lớn các đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp của Trung Quốc.
Đây có thể chỉ là những hoạt động phản kháng, giới hạn trong khuôn khổ ngoại giao hoặc Washington phải sẵn sàng để thực hiện một chiến dịch hành động quy mô lớn tương tự như các hoạt động đã được tiến hành trong Khủng hoảng tên lửa Cuba! Có hàng loạt những lựa chọn trên nhiều cấp độ khác nhau giữa khủng hoảng toàn diện và phản ứng cấp đối ngoại mà các nhà hoạch định chính sách cần nghiên cứu và đưa vào kế hoạch, đáp ứng với tình huống thực tế.
Một số nhà quan sát Trung Quốc đã nhận xét rằng: Trung Quốc đang chơi cờ vây (một trò chơi thay đổi vị trí quân cờ), trong khi Mỹ có xu hướng hành động như một người chơi poker – thúc đẩy đối thủ của mình đặt cược cao hoặc thất bại. Bằng nỗ lực lấn chiếm các vị trí then chốt trên Biển Đông, mục tiêu của Trung Quốc có thể tiến đến điểm cược mà Mỹ phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn: đặt một số lượng thẻ giá trị lớn lên bàn và đối mặt với nguy cơ bị tổn thất nặng nề hoặc thu hồi toàn bộ thẻ của mình và rời bỏ Biển Đông. Mỹ cần phải làm tất cả những gì cần thiết ngay lúc này để đảm bảo rằng trò chơi không thể đến được thời điểm đó.
* Bài viết trên Warontherock của tác giả Thomas Shugart là chuyên viên quân sự cấp cao tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ, sĩ quan tham mưu tác chiến tàu ngầm Hải quân Mỹ.