Câu chuyện cây xăng 100% vốn đầu tiên của công ty Nhật Bản mở tại Việt Nam nhận được sự quan tâm của nhiều người, bởi chất lượng phục vụ chu đáo và tuyên bố đo lường chính xác. Đặc biệt hành động cúi chào khách của ông chủ và nhân viên cây xăng nhận nhiều sự chú ý đặc biệt.
Hoan nghênh văn hóa kinh doanh có trách nhiệm
Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, cho rằng kinh doanh xăng dầu thực hiện đúng chủ trương mở cửa của Chính phủ. Việc doanh nghiệp Nhật mở cây xăng là đáng hoan nghênh. Bản thân ông ủng hộ để phát triển thị trường, đưa thị trường vào cạnh tranh lành mạnh, phát triển tốt.
Hành động cúi gập người chào khách của nhân viên cây xăng Idemitsu Hà Nội từ lúc dừng xe đổ xăng. Ảnh: Hoàng Hiệp. |
Độc giả Thanh Phong cho rằng văn hóa Nhật Bản rất đáng để nhiều nước trên thế giới học hỏi: Đó là văn hóa kinh doanh có trách nhiệm. Điều này hoàn toàn khác với việc kinh doanh chỉ nhắm đến túi tiền tiền khách hàng của một số doanh nghiệp Việt Nam.
Độc giả Đặng Văn Chiến thì cho rằng việc mở cửa thị trường, thu hút vốn FDI sẽ tạo điều kiện cho nhiều nhà cung cấp, giúp người tiêu dùng được hưởng lợi. Anh này còn nhấn mạnh, trong kinh tế thị trường, doanh nghiệp nào làm ăn “lơ mơ” là sẽ bị đào thải. Doanh nghiệp nào bơm xăng thiếu, thái độ không thân thiện từ nay sẽ “hụt hơi” trong việc cạnh tranh với khối FDI.
Độc giả Nguyễn Anh thì mong mô hình kinh doanh xăng dầu kiểu Nhật Bản sẽ được mở rộng khắp cả nước, để người tiêu dùng có điều kiện lựa chọn nhiều sản phẩm, dịch vụ khác nhau.
Về việc cây xăng Idemitsu Q8 tuyên bố quản lý khối lượng nhiên liệu với độ chính xác lên đến 0,01 lít, nhiều người tỏ ra ủng hộ và đón nhận trước tình trạng gian lận xăng dầu ở các trạm xăng dầu đã xảy ra tại nhiều nơi.
Nhân viên cây xăng Q8 ở Hà Nội thân thiện, nhiệt tình lau xe cho khách sau khi đổ xăng. Ảnh: Hoàng Hiệp. |
Độc giả Nguyễn Văn Nam cho biết nếu Idemitsu Q8 làm được độ chính xác đến 0,01 lít thì những cây xăng gian lận trong nước sẽ hết đất sống.
Tiêu chuẩn Việt Nam quy định sai số bơm xăng còn nhỏ hơn Idemitsu Q8
Chia sẻ với Zing.vn, ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cho biết theo quy định của Việt Nam, phép tính sai số trong đo lường ở cột bơm là 0,005 lít. Theo đó, nếu thông tin doanh nghiệp Nhật là chính xác đến 0,01 lít thì vẫn thấp hơn tiêu chuẩn của Việt Nam.
Khi được hỏi, liệu các doanh nghiệp Việt có đo lường chính xác như quy định khi bơm xăng hay không, ông Năm cho biết về mặt thiết bị là hoàn toàn đảm bảo. Các thiết bị bơm xăng của Việt Nam hầu hết được sản xuất từ Nhật Bản nên rất đảm bảo chất lượng.
Bản thân Petrolimex sử dụng các thiết bị hiện đại của Nhật với độ chính xác cao, hạn chế sự can thiệp của con người.
Ông Năm cũng nhấn mạnh nếu cá nhân hay tổ chức nào có hành vi không đảm bảo quy định về sai số là vi phạm. Doanh nghiệp hay cá nhân vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước các cơ quan quản lý Nhà nước.
|
Ông Phan Thế Ruệ cũng cho biết thiết bị bơm xăng chính chính xác không phải bây giờ mới được doanh nghiệp Nhật làm. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên cả nước cũng đã đầu tư.
“Việc đong đo, kiểm soát, bán hàng bán tự động nhiều doanh nghiệp đã thực hiện. Thậm chí có một cột bơm bán đủ được 6 loại xăng dầu (Ron 92, Ron 95, E5, Diesel…)”, ông Ruệ nhấn mạnh.
'Doanh nghiệp Việt có thể chào nhau thay vì cúi gập người'
Theo độc giả Nguyễn Đạt, hành động cúi chào của người Nhật thể hiện sự tôn trọng với khách hàng. Độc giả Bùi Phương thì cho rằng hành động cúi chào tạo sự thân thiện cho khách. Khách hàng sẽ có thiện cảm với kiểu kinh doanh xăng mới mẻ này.
Tuy nhiên, chị Hồng Vân lại cho rằng hành động cúi chào không phù hợp với văn hóa của người Việt Nam. Chị cho rằng nếu mình vào mua xăng nhận hành động cúi chào “quá nhiệt tình” thì cảm thấy có phần “không thoải mái”. Chị Hồng Vân chỉ quan tâm đến việc xăng đảm bảo chất lượng và đong đo chính xác.
Khách hàng Lan Phương cũng cho rằng mình không quan tâm đến hình thức, chỉ cần thị trường mở cửa hơn để bản thân mình được hưởng lợi. Chị cũng hoài nghi nếu cây xăng đông đúc liệu có thể “cúi chào” được tất cả thay vì phục vụ nhanh hay không.
Ông Bùi Xuân Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần nhiên liệu Sài Gòn, cho rằng kinh doanh kiểu “cúi chào” là “lời cảnh tỉnh từ Nhật Bản”.
Trong bối cảnh xăng dầu Việt Nam còn nhiều bất cập, khiến cho người tiêu dùng luôn ác cảm với các cơ sở kinh doanh xăng dầu, họ luôn chờ đợi một luồng gió mới.
Ông Vũ nói nếu bỏ qua những chiêu trò PR, với hành động như vậy, cây xăng Nhật sẽ từng bước chinh phục người tiêu dùng Việt Nam. Họ chinh phục từ số lượng, chất lượng, giá cả và cả bằng văn hóa ứng xử. Trong khi những doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn loay hoay trong định hướng và tin tưởng vào những thế mạnh hiện hữu.
Còn ông Phan Quang Ruệ cho rằng việc chào gập người là tập quán của người Nhật, cũng giống người Việt gặp nhau bắt tay, hỏi “anh có khỏe không”.
Nhân viên cúi gập người chào khách tại cây xăng Nhật vừa mở ở Hà Nội được chính người trong ngành gọi là lời cảnh tỉnh từ Nhật Bản với các doanh nghiệp xăng dầu trong nước. Ảnh: Hoàng Hiệp. |
Ông Ruệ đánh giá việc cúi chào là bình thường, không ai cấm doanh nghiệp làm việc đó. Doanh nghiệp Việt có thể chào nhau thay vì cúi gập người.
Ông Trần Ngọc Năm lại từ chối bình luận về hành động cả sếp và nhân viên cây xăng Nhật cúi chào khách Hà Nội mua xăng. Tuy nhiên, ông Năm nhấn mạnh cơ sở để so sánh dịch vụ của các doanh nghiệp phải trong cùng một môi trường, cùng một hoàn cảnh.
Theo ông Năm, nếu Idemitsu Kosan có mạng lưới nhiều cây xăng mà vẫn giữ nguyên được chất lượng dịch vụ như vậy là điều mà doanh nghiệp Việt rất trân trọng.
“Nếu kinh doanh một cửa hàng trong nội đô Hà Nội và TP.HCM với tần suất mỗi ngày 8.000-10.000 giao dịch liên tục cả xe máy và ôtô mà vẫn giữ nguyên được chất lượng dịch vụ và hành động thì rất trân trọng”, ông Năm chia sẻ.
Tác giả: Hiếu Công
Nguồn tin: Báo Zing