Ngã ba sông nước
Ngọn nguồn của sông La là nơi giao lưu, gặp gỡ của 2 dòng sông: Ngàn Sâu và Ngàn Phố. Đây chính là địa chỉ bến Tam Soa.
Bến Tam Soa (Tùng Ảnh – Đức Thọ). Ảnh: Đình Thông |
Đã từ bao đời nay, bến Tam Soa không chỉ là thắng cảnh thu hút du khách mà còn là nơi trao đổi hàng hóa của bao vùng quê. Tam Soa ngày xưa trong thơ Huy Cận phảng phất vị buồn mà đẹp:
Tới ngã ba sông nước bốn bề
Nửa chiều gà lạ gáy bên đê
Làng xa lặng lẽ sau tre trúc
Bến cũ thuyền em sắp ghé về…
Người con gái trong chiếc thuyền thơ có thể là quần the, áo lụa, có thể là chiếc áo nâu sồng, tần tảo. Nhân chứng giờ đã trôi theo dòng thời gian, nhưng câu thơ vang ngân và bóng hình quê hương, sông nước, vẻ đẹp của cô gái chèo thuyền trên sông La trong áng mây tà vẫn hiện hữu. Cảm ơn nhà thơ Huy Cận đã có những cảm xúc và ghi lại bằng thơ những giây phút ấy. Tôi nhớ một lần được nghe nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Thoan kể: Ông đọc bài thơ này rồi trằn trọc không sao ngủ được. Thế là ròng rã suốt 3 tháng liền, ông leo hết đồi này, núi nọ, chờ ánh sáng đẹp và khung cảnh bến Tam Soa thơ mộng nhất, chọn cho mình một góc ưng ý để bấm máy. Sự đam mê nghệ thuật của ông đã được đền đáp bằng tấm ảnh Bến Tam Soa được trưng bày ở phòng triển lãm, khiến bao người khâm phục. Bức ảnh ấy cùng tấm ảnh O du kích nhỏ vẫn ở mãi cùng ông, cùng quê hương Đức Thọ.
Nhiều du khách tới tham quan hay những đứa con “nửa đời phiêu bạt” về lại với sông La đã thấy bến Tam Soa thay đổi nhiều. Nằm cận bến Tam Soa là núi Quần Hội, nơi yên nghỉ của Tổng Bí thư Trần Phú. Dưới chân núi Quần Hội là một quần thể di tích được tôn tạo trang nghiêm và hoành tráng. Đặt chân tới bến Tam Soa, du khách sẽ không thôi nhớ về một thời oanh liệt của phà Linh Cảm. Những ngọn đồi lúp xúp ngày nào còn đỏ au màu đất và loang lổ đạn bom, nay đã lợp kín bằng những tán cây xanh của thông, tràm, bạch đàn. Cây xanh trên núi biếc của Tam Soa cứ mỗi sáng, mỗi chiều lại dạo cùng sóng nước sông La những tình khúc về quê hương, xứ sở “Đức Thọ gạo trắng, nước trong”. Riêng tôi đã nhiều lần được tắm trên bến Tam Soa và chứng kiến vẻ đẹp của bến nước này.
Khi bàn tay cầm được hòn sỏi nhỏ, khi vốc ngụm nước trong vắt phả vào người, khi bốc nắm cát mịn dưới đáy sông, tôi thấy hồn mình thư thái lạ. Trời cao xanh yên ả, xa xa là âm thanh náo nức của một vùng quê. “Thiên Nhẫn trùng trùng soi bóng bến Tam Soa”. Những bờ xôi, bãi mật hai bên bờ sông, từ Tùng Ảnh, Sơn Tân, Sơn Long…, màu xanh sung mãn ngút ngàn. Thu vào đáy mắt của tôi là nước biếc, trời xanh, đồng xanh. Mắt tôi sáng lên từ những màu xanh ấy và hình bóng những con đò dọc suốt hàng thập kỷ từ miền sơn cước về xuôi đầy ắp chè, chuối, cam, bưởi và cả song mây, nứa lá.
Vào những đêm trăng mát mẻ, đám trai gái làng ngã ba sông nước lại có những cuộc du thuyền đầy mơ mộng. Trăng càng tỏ, bến Tam Soa càng đẹp. Trong quán nhỏ, tiếng đàn bầu ngân lên thánh thót. Âm thanh neo xuống đáy sông, tan vào ánh trăng làm cho cả trời đất, tinh tú miên man trong tiếng đàn.
Làng bên sông
Nếu bên này sông La có làng Tùng Ảnh nổi tiếng về học hành, chữ nghĩa thì bên kia, làng Trường Sơn được cả nước biết đến là đất trăm nghề.
Làng nghề đóng tàu bên sông La. Ảnh: Bắc Hạnh |
Chúng tôi đã có một cuộc du ngoạn dọc sông La. Thuyền tới bãi Ngưu Chữ rồi tắt máy, tất cả anh em đổ lên bờ. Dân địa phương gọi Ngưu Chữ là bãi Cồn Soi. Cồn Soi nằm trên sông La từ ngàn đời nay. Nó giống như ngòi bút nên mấy ông đồ nho theo thuyết phong thủy đặt tên là Ngưu Chữ. Ngày xưa, phía làng Hạ (Tùng Ảnh) nhờ có dòng sông La “nổi bút” nên có nhiều người đỗ đạt, làm quan to. Bãi Ngưu Chữ bây giờ không còn là cồn bãi đìu hiu mà trở thành một xóm nhỏ sầm uất. Mùa nào thức ấy, mùa đông, su hào, bắp cải; mùa hè, rau muống. Rau trên “ốc đảo” này phủ đầy phiên chợ quê.
Con sông La chạy dài hơn 15 km, phía hữu ngạn chảy tới đâu, đê lượn vòng tới đấy. Bờ đê cỏ xanh rì. Những chú trâu sau buổi làm đồng về lại đủng đỉnh gặm cỏ. Khi đã no nê, chúng được lũ trẻ tóc he, da đồng đưa xuống sông kỳ cọ. Mấy chú nhóc khoái trá mở hội thi trâu vượt sông và cười nắc nẻ. Hồn nhiên để lại dấu ấn cho những đứa con sau này công thành, danh toại lại nhớ về một khúc sông quê. Không ai khác, mình là đứa trẻ tắm cho trâu giữa dòng xanh của sông La. “Một dòng sông xanh chảy mãi tới vô cùng”. Sông chảy trong ký ức, sông chảy giữa tim người. Sông La chảy trong niềm vui bất tận và trong nỗi buồn sâu lắng. Con cá dưới sông, cây trồng trên bãi/Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm…
Đi thuyền trên sông La, bao nhiêu cảm xúc cứ dâng lên trong lòng, thuyền đến Trường Sơn lúc nào không hay. Vừa lên khỏi bến đã chạm ngay hình ảnh san sát những con thuyền. Trường Sơn từ xa xưa đã nổi tiếng về nghề đóng thuyền. Hàng trăm chủ hộ hiện đã có thuyền máy. Con người nơi đây luôn phải đối mặt, chống chọi với thủy thần. Kể cũng lạ! Lụt có lúc trôi nhà, trôi cửa, nhưng rất ít người rời khỏi xứ sở này. Trường Sơn đa dạng ngành nghề và họ làm gì cũng giỏi.
Một cán bộ xã kể cho tôi nghe nhiều trận quần nhau với lũ khá thú vị. Trường Sơn bao giờ cũng thế, chủ động và linh hoạt. Khi lũ lớn, cấp ủy và chính quyền địa phương chỉ đạo cán bộ thôn tập trung mọi nguồn lực để sơ tán người và tài sản lên vùng an toàn. Những lúc đó, phía tả ngạn đê sông La, trống nổi tùng tùng suốt đêm. Những người khỏe mạnh, trai tráng được phân công nhiệm vụ thì ào lên mặt đê để đọ sức với “thủy tinh”. Nhiều người dân ở đây thú thật, trong cơn lũ, họ vẫn nhận được “quà tặng của lũ” đó là củi, gỗ từ thượng nguồn trôi xuống, nhiều lúc còn có cả động vật và chim thú quý hiếm.
Bí thư Đảng ủy xã tâm sự: “Đối với Trường Sơn, lũ tuy gây hại lớn nhưng cũng mang lại không ít lợi ích vì sau lũ, lượng phù sa nhiều hơn. Đất phù sa trồng dâu – dâu tốt, trồng mía – mía ngọt, trồng ngô – ngô nhiều bắp”. Đúng như cha ông ta đúc kết: nhất cận thủy, nhị cận sơn. Bây giờ, ở Trường Sơn, đất gần bến đắt chẳng kém gì thị thành.
Sau cuộc du thuyền, chúng tôi vào một quán đặc sản dê nổi tiếng của Trường Sơn. Họ làm thịt một con dê chỉ trong vòng 30 phút và khi ăn không nghe mùi khét của dê. Đây là bí quyết của người Trường Sơn. Còn nói tới nông nghiệp, nhiều chủ hộ có 6-8 tấn thóc; nếu làm nghề vật liệu xây dựng từ nung vôi, đốt gạch, cào hến… ai cũng làm được. Không ít chủ hộ làm nghề dịch vụ buôn bán, làm bánh kẹo, thu lãi hàng chục triệu đồng. Nghề đan cót và làm các vật dụng khác vẫn đang được kế nghiệp từ đời này sang đời khác.
Làng bên sông giàu và đẹp được chắp cánh từ dạt dào sóng vỗ sông La.
Tháng 2/2015
Phan Thế Cải / Báo Hà Tĩnh