Tối 13-12, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội đã diễn ra đêm chung kết cuộc thi “Nữ hoàng đá quý Việt Nam 2016”. Đây là lần đầu tiên sân chơi sắc đẹp này được tổ chức tại Việt Nam, với ý nghĩa tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt, qua đó nâng cao tầm vóc và vị trí của ngành kim hoàn trong nước.
Thời gian đầu mới phát động, cuộc thi dự kiến cùng lúc chấm thi và trao giải cho 2 nhóm đối tượng thí sinh: phụ nữ từ 18 đến 30 tuổi chưa lập gia đình và phụ nữ từ 21 đến 47 tuổi đã lập gia đình.
Song theo Hoa hậu Giáng My – Trưởng Ban giám khảo kiêm Đại sứ cuộc thi thì sau khi họp bàn và thống nhất, Ban tổ chức đã quyết định sẽ tổ chức khoanh vùng thí sinh trong nhóm ở độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi, chưa lập gia đình.
Một điểm đặc biệt nữa của cuộc thi này là đặt ra yêu cầu chiều cao tối thiểu cho thí sinh chỉ là 1m58. Đây được xem là tiêu chí chiều cao thấp nhất trong lịch sử các cuộc thi người mẫu, người đẹp từ trước tới nay.
Sau vòng sơ tuyển và bán kết, cuộc thi “Nữ hoàng đá quý 2016” đã chọn ra được 25 gương mặt xuất sắc nhất góp mặt tại đêm chung kết. Các thí sinh đã trải qua các phần thi quen thuộc gồm: trang phục áo dài truyền thống, trang phục áo tắm, trang phục dạ hội.
Tuy nhiên khác so với các sân chơi sắc đẹp khác, trang phục của thí sinh ở tất cả các phần thi này đều được gắn với các loại trang sức, đá quý.
Kết thúc 3 phần thi này, Ban giám khảo đã chọn ra Top 10 gương mặt xuất sắc nhất trước khi công bố 5 người đẹp lọt vào phần thi ứng xử gồm: Nguyễn Thị Thảo Trinh (Hà Tĩnh), Trần Ngô Thu Thảo (Tiền Giang), Lý Thị Mỹ Hồng (Cần Thơ), Cao Thùy Trang (Bến Tre) và Nguyễn Thị Oanh (Hà Nội).
Tại phần thi ứng xử, điều bất ngờ đã xảy ra khi cả 5 thí sinh cùng bốc thăm ngẫu nhiên câu hỏi ứng xử nhưng đều nhận được 1 câu hỏi có nội dung giống hệt nhau: “Em hãy cho biết đá quý và trang sức khác nhau thế nào và em nghĩ gì nếu mình trở thành Nữ hoàng đá quý Việt Nam 2016”.
Xuất hiện cuối cùng ở phần thi ứng xử, song người đẹp Nguyễn Thị Oanh đã bình tĩnh khi đưa ra câu trả lời của mình: “Theo em đá quý là một loại nguyên liệu thiên nhiên, mang quyền năng cao. Còn trang sức là tên gọi chung, là những giá trị nhân tạo do con người tạo ra vì vậy mang nét đẹp chung chung, không quyền lực như đá quý. Nếu đêm nay may mắn trở thành người đạt ngôi vị cao nhất của cuộc thi, em cảm thấy rất tự hào vì đây là cuộc thi lần đầu tiên được tổ chức và vinh danh. Bên cạnh đó sẽ cố gắng trau dồi nhiều hơn nữa để hoàn thiện bản thân mình”
Kết thúc phần thi ứng xử, Ban giám khảo đã tìm ra chủ nhân cho chiếc vương miện “Nữ hoàng đá quý Việt Nam 2016”.
Một lần nữa, đêm chung kết chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ khi hai MC công bố nhầm kết quả. Theo đó, trước khi kết quả được đính chính, người đẹp Nguyễn Thị Oanh – chủ nhân của chiếc vương miện này được 2 MC xướng tên ở vị trí Á hoàng 2. Rất nhanh sau đó, khi 2 MC chưa kịp xướng tên người đạt ngôi vị cao nhất, đại diện của Ban tổ chức đã kịp lên sân khấu đính chính lại kết quả chính thức cuối cùng. Cô gái đến từ Hà Nội – Nguyễn Thị Oanh còn được biết đến như “bản sao” của Hoa hậu Giáng My.
Cùng với đó, danh hiệu Á hoàng 1 được trao cho người đẹp Cao Thùy Trang đến từ Bến Tre. Danh hiệu Á hoàng 2 thuộc về người đẹp Lý Thị Mỹ Hồng đến từ Cần Thơ.
Ngoài các danh hiệu chính, Ban giám khảo cũng đã chọn và trao nhiều danh hiệu phụ khác gồm: “Người đẹp thời trang áo dài” cho Đặng Thị Huyền Trang (Thái Nguyên); “Người đẹp thời trang trên biển” cho Đinh Thị Khánh Huyền (Nghệ An); “Người đẹp thời trang dạ hội” cho Lý Thị Mỹ Hồng (Cần Thơ); “Người đẹp được bình chọn nhiều nhất” cho Trương Cẩm Tú (Hà Nội). Trương Cẩm Tú cũng đồngthời đạt thêm danh hiệu phụ khác là “Người đẹp thời trang đá quý”’.
Hai giải khuyến khích khác cũng được trao tại đêm chung kết gồm: “Người đẹp Thân thiện” cho Nguyễn Thị Thảo Trinh (Hà Tĩnh) và “Người đẹp có gương mặt khả ái” cho Trần Ngô Thu Thảo (Tiền Giang).
Theo dự kiến, cuộc thi “Nữ hoàng đá quý Việt Nam lần 2” được tổ chức vào năm 2018.
Cùng xem lại những khoảnh khắc đáng nhớ của đêm chung kết:
(Theo ANTĐ)