Trong nước

Ban Nội chính Trung ương điểm tên 10 đại án trọng điểm sẽ xét xử sơ thẩm

Nhiệm vụ trong năm 2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực là xử lý hàng loạt vụ án, trong đó sẽ xét xử sơ thẩm 10 đại án trọng điểm.

Khẳng định trên được Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học nêu ra trong cuộc họp thông báo kết quả phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống, tham nhũng, tiêu cực diễn ra chiều nay (20/1).

Phòng chống tham nhũng còn nhiều hạn chế

Theo ông Nguyễn Thái Học, hiện nay, tham nhũng tiêu cực vẫn còn tinh vi và phức tạp. Mỗi vụ việc phát hiện ra đều cho thấy sự thất thoát lớn tài sản của Nhà nước.

Đáng nói, theo Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, tính chất nghiêm trọng của các vụ việc liên quan tới đội ngũ cán bộ đảng viên. Trong nhiều vụ án, cán bộ đảng viên đóng vai trò tiếp tay, bảo kê giúp sức, thậm chí đồng phạm. Nhiều cán bộ này giữ cương vị lãnh đạo.

Thông qua những vụ án như vậy, ông Học nhận định, cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất vì có sự cấu kết chặt chẽ với các nhóm lợi ích. Trong đó, doanh nghiệp, người làm công tác khoa học, người làm quản lý có sự liên kết với nhau để trục lợi. Nó thể hiện sự tinh vi dưới lớp vỏ bọc ngụy trang để đối phó với các cơ quan chức năng.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học (Ảnh: Thế Hưng).

"Cá nhân tham nhũng, tiêu cực khác với nhiều lực lượng và nhóm lợi ích cùng bắt tay. Bởi vỏ bọc của các nhóm lợi ích sẽ tinh vi hơn, ngụy trang càng phức tạp hơn", Phó Ban Nội chính Trung ương cho hay.

Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực dù còn tồn tại hạn chế, nhưng trong năm 2021, mặt trận này đã đạt nhiều kết quả rõ rệt. Theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2021 "không ngừng", "không nghỉ", không vì chống dịch mà "chùng xuống, không xử lý" và đạt nhiều thành tích nổi bật củng cố niềm tin của nhân dân.

Trong đó, nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng được xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện quyết liệt, tạo khí thế mới ngay từ năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được chỉ đạo đồng bộ, hiệu quả; thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo về cơ chế phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; xử lý nghiêm minh nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm, tạo bước đột phá mới trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực.

Đáng chú ý, công tác điều tra, truy tố, xét xử tiếp tục được đẩy mạnh, xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".

Xét xử sơ thẩm 10 đại án trọng điểm

Đề ra nhiệm vụ nhiệm vụ của năm 2022 và trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, các đơn vị được giao phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế để "không thể tham nhũng". Trọng tâm là hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập, đảm bảo thực chất, hiệu quả; rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, tài sản công,...; sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra, Luật Đất đai, Luật Thực hành dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các dự án luật liên quan trực tiếp đến PCTN, tiêu cực.

Đồng thời, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; thực hiện nghiêm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo về cơ chế phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức đảng, đảng viên có sai phạm liên quan các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tăng cường kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đối với 618 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 132 đảng viên so với năm 2020). Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung kiểm tra dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xử lý kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao vi phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, trong đó có 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm 2020).

Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính, thu hồi 81.290 tỷ đồng và 811 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 2.286 tập thể và 6.132 cá nhân, nhất là đã hoàn thành thanh tra chuyên đề diện rộng việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật y tư, đấu thầu thuốc chữa bệnh; việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai tại 03 tập đoàn, tổng công ty.

Đặc biệt, Ban chỉ đạo yêu cầu tập trung xử lý kết thúc điều tra 16 vụ án, kết thúc xác minh, xử lý 40 vụ việc, truy tố 20 vụ án; xét xử sơ thẩm 22 vụ án, xét xử phúc thẩm 1 vụ án theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Nhất là, tập trung chỉ đạo xử lý vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các vụ việc, vụ án liên quan y tế; các vụ việc, vụ án xảy ra tại Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, An Giang...

Đáng chú ý, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương thông tin, sẽ xét xử sơ thẩm đối với 10 vụ án trọng điểm gồm: Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương; Vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" xảy ra tại Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan; Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận; Vụ án "Buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, đưa hối lộ, nhận hối lộ..." xảy ra tại Đồng Nai và một số địa phương.

Các đại án trọng điểm tiếp theo là vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, nhận hối lộ" xảy ra tại một số đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Bộ đội biên phòng; Vụ án "Lạm quyền trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op); Vụ án "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung tại khu vực núi Chín Khúc, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; Vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai và một số cơ quan, đơn vị; Vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội và các đơn vị có liên quan; Vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công" xảy ra tại Công ty Việt Á và một số cơ quan, địa phương.

Tác giả: Thế Hưng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP