Bị địch tập kích, tất cả những gia đình có súng đều mang ra để yểm trợ cho pháo cao xạ. Hàng trăm khẩu súng được người dân ở đây mang ra các cánh đồng và những mô đất được đắp sẵn để bắn trả lại những chiếc phi cơ đang ầm ầm lao tới…
Những cựu binh là những nhân chứng sống năm xưa đang ôn lại ký ức trận địa pháo cao xạ
Nằm ngay bên dòng sông Lam, giáp ranh với 3 mục tiêu chính là phà Bến Thủy, kho xăng dầu và nhà máy điện Cửa Lò, nên trong lần đối đầu đầu tiên giữa Hải quân Việt Nam và đế quốc Mỹ, mảnh đất Xuân Giang, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã bị máy bay Mỹ tập kích dữ dội. Ký ức về những trận đánh dũng cảm, gan dạ trên trận địa pháo oai hùng bên bờ sông Lam ấy vẫn còn in đậm trong hồi ức của nhiều cựu binh tóc đã bạc trắng đầu.
“Chim sắt” Mỹ chào thua… pháo cao xạ
Vào những ngày đầu tháng 8, chúng tôi trở về mảnh đất Xuân Giang, nơi mà cách đây 50 năm về trước, quân và dân ta đã viết lên một bản hùng ca lịch sử góp phần tạo nên chiến thắng trong cuộc đối đầu không cân sức giữa ta và đế quốc Mỹ. Dẫu tuổi đã cao, dấu mốc lịch sử đã lùi xa đúng nửa thế kỷ, nhưng những người lính, những anh dân quân làm nên chiến thắng vang dội thời đó vẫn còn nhớ như in những gì đã xảy ra.
...
“Ngày 5/8/1964, cả mảnh đất Nghi Xuân chìm trong mưa bom bão đạn. Cả vùng quê bị bọn giặc Mỹ ném bom cháy rừng rực. Tất cả các lực lượng như dân quân tự vệ, đoàn thanh niên, phụ nữ… được điều động để bảo vệ trận địa pháo” – cựu binh Đinh Xuân Hợp (sinh năm 1944) trú tại xã Xuân Giang, nhớ lại giây phút bắt đầu trận chiến.
Những gò đất nổi này trước đây là nơi cựu binh Hợp và đồng đội đặt pháo cao xạ đối đầu “chim sắt” Mỹ
“Vào khoảng gần 1h chiều ngày 5/8/64, lúc đó tôi mà một số bạn bè đang trên đường đi chợ Vinh về đến phà Bến Thủy thì bất ngờ thấy một phi đội máy bay chiến đấu loại F84 của Mỹ bay rà hướng từ biển vào. Chốc lát, những con “chim sắt” ấy bay dọc theo hướng núi Hồng Lĩnh, nhắm thẳng vào Xuân Giang nã rốc két. Cứ hết chiếc này đến chiếc kia, cả phi đội thi nhau nã đạn vào Xuân Giang và kho xăng dầu phía bên kia sông.
Loạt thứ nhất chúng ném bom vào kho xăng, nhưng không trúng. Chúng lại điên cuồng điều tiếp loạt thứ 2, lần này chúng nã trúng vào kho xăng. Những tiếng nổ chát chúa khiến cả kho xăng dầu lớn cháy bùng, ngọn lửa bắt đầu lan rộng ra các khu khác”- cựu Hợp nhớ lại.
Có trong tay những vũ khí hiện đại như máy bay F84, F4H, F105, R4H, hàng triệu quả rốc két và súng ống, đế quốc Mỹ đã sử dụng lối đánh bất ngờ nhằm uy hiếp tinh thần quân dân ta, hòng đánh tan các mục tiêu một cách nhanh chóng. Thế nhưng với những tính toán từ trước, quân đội ta chưa phản công, đợi thời cơ rồi đồng loạt nổ súng.
Cựu binh Ngô Đăng Tường (sinh năm 1939), anh lính trong tổ đội pháo 37 li yểm trợ cho pháo cao xạ nhớ lại: “Vào khoảng 9h thì chúng bắt đầu nã đạn vào các mục tiêu, thế nhưng, đến 14h thì tất cả các lực lượng được điều động và đơn vị Sông Mạ bắt đầu được lệnh bắn. Rất khó để bắn được máy bay địch, vì loại máy bay F84 rất nhỏ, nó có thể cơ động bay được cả dưới nòng pháo, bay sát nóc nhà và các con đường, tấm ngắm của pháo phải được thay đổi liên tục. Khi thấy ta phản công các máy bay địch ngày kéo đến càng đông, chúng liên tiếp tìm những cứ điểm như trường học, hay lùm cây rậm và cánh đồng để nã đạn rốc két. Chúng cứ thả đạn vào chỗ nào mà chúng nghi ngờ ta đặt pháo, cả xóm làng như đang cháy rừng rực. Bên kia sông kho xăng ngày càng cháy lớn. Lúc đó một số cán bộ đã tính kéo lùi pháo, chuẩn bị phương án di dân nếu như ngọn lửa cháy qua con sông Lam.
Bị địch tập kích, tất cả những gia đình có súng đều mang ra để yểm trợ cho pháo cao xạ. Hàng trăm khẩu súng được người dân ở đây mang ra các cánh đồng và những mô đất được đắp sẵn để bắn trả lại chiếc phi cơ đang ầm ầm lao tới. Cảnh tượng lúc đó rất kinh hoàng, những quả bom được bọn chúng nã liên tục hàng chục ngôi nhà bị phá hỏng.
Mặc cho chúng cứ liên tiếp nã bom đạn, quân dân ta vẫn kiên cường bám trụ, với một ý chí phải giữ bằng được các cứ điểm mà bọn chúng đang nhăm nhe. Với trận địa pháo được bố trí thành hình tròn như: Xuân An, Xuân Giang, Xuân Yên (thuộc Nghi Xuân – Hà Tĩnh) và Rú Quyết, Hưng Dũng, Hưng Nguyên (thuộc Nghệ An), để bảo vệ các cứ điểm như Kho xăng dầu và Nhà máy Điện, Phà Bến Thủy. Các đơn vị pháo cứ nã đạn, những chiếc may bay cứ nổ lớn, tạo thành khối lửa trên không, lao đầu ra phía biển mất hút.
Là anh Trung đội trưởng đội dân quân tự vệ ngày ấy, cựu binh Phan Xuân Thiêm (sinh năm 1929) bồi hồi nhớ lại trận đánh 50 năm về trước: “Lúc trận đánh xảy ra tôi là trung đội trưởng đội dân quân tự vệ, tôi được giao nhiệm vụ là điều động lính bổ sung cho các đơn vị, và phục vụ công tác hậu cần, cứ sáng sớm là chúng tôi chặt lá cây để ngụy trang cho pháo, tối đến lại gỡ đi. Chúng tôi có cả trung đội khi có phà đến thì nghe lệnh ra bờ sông bốc dỡ hàng hóa và đạn dược lên bờ tập kết, tối đến khi có xe vận chuyển lại bốc lên xe để chuyển vào Nam. Tôi cũng là người được trực tiếp cầm khẩu súng loại 37 li để yểm trợ cho pháo cao xạ, lúc đó anh em chúng tôi cứ thấy máy bay là nhắm bắn chứ không chờ lệnh nữa…”
Phà Bến Thủy một thời khói lửa, nay được thay thế bằng cây cầu Bến Thủy kiên cố
“Trận đánh ấy ác liệt lắm, bao anh em đã ngã xuống bên bờ sông Lam, hàng chục ngôi nhà bị cháy, hàng trăm người dân trúng đạn, cả vùng quê như tang tóc, lửa cứ cháy suốt đêm ngày…”- ngồi nhớ lại giây phút kinh hoàng trong trận đánh, đôi mắt của cựu binh Phạn Xuân Thiêm, như đang rưng rưng nhớ về đồng đội và người thân mất trong trận đánh.
Vẫn còn đó ngôi mộ chưa được gắn tên
50 năm trôi qua vùng đất đau thương giờ đã thay da đổi thịt, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, cánh đồng năm xưa nay là những nhà máy, bến phà năm xưa nay được xây cây cầu kiên cố. Thế nhưng đã có những chiến sĩ của các đơn vị pháo cao xạ, đang nằm lại đâu đó bên dòng sông Lam.
Vẫn còn đó ngôi mộ chưa được gắn tên
“Dọc tuyến đường thị trấn Xuân An, đối diện doanh trại Quân đội, trước đây có 3 ngôi mộ là liệt sĩ. Hai ngôi mộ đã được gia đình đưa về quê, giờ còn lại ngôi mộ chưa được gắn tên. Hàng năm chính quyền địa phương quét vôi, làm sạch cỏ và thắp hương, nhưng giờ không ai biết tên hay quê hương liệt sĩ đang nằm dưới mộ. Chính ngôi mộ này là nhân chứng để thế hệ sau này mãi nhớ về trận địa pháo cao xạ bên dòng sông Lam”- cựu binh Hợp chia sẻ.
Anh Tấn – Văn Dũng