Sau chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, các sở ngành đã và đang làm việc với Tập đoàn Trung Thủy - chủ đầu tư dự án Lancaster Nam Ô Resort Đà Nẵng (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) để giải quyết việc tự ý bít lối xuống biển của người dân làng chài Nam Ô. Vụ việc này cho thấy tình trạng "cát cứ" bãi biển đang là vấn đề nóng trong phát triển du lịch ở nhiều tỉnh, thành miền Trung.
Xâm hại đến cộng đồng
Năm 2010, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản phê duyệt cho Tập đoàn Trung Thủy làm chủ đầu tư dự án Lancaster Nam Ô Resort Đà Nẵng, tại phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.
Làng chài Nam Ô bị ảnh hưởng bởi dự án Lancaster Nam Ô Resort Đà Nẵng |
Người dân làng Nam Ô phản đối chủ dự án rào chắn lối xuống biển |
Dự án được UBND TP Đà Nẵng đồng ý chủ trương đầu tư tại văn bản số 1461/UBND-QLĐTh ngày 11-3-2010, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 tại Quyết định số 9926/QĐ-UBND ngày 20-12-2010. Hiện tại, Tập đoàn Trung Thủy Đà Nẵng cũng đã hoàn tất nghĩa vụ tài chính với Công ty Quản lý và Khai thác đất Đà Nẵng theo hợp đồng số 289/HĐ-CQSDĐ/KTQĐ ngày 29-9-2010, phụ lục số 01/PLHĐ-GQSDĐ ngày 23-11-2010 và ủy nhiệm chi ngày 24-11-2010.
Theo quy hoạch, dự án Lancaster Nam Ô Resort Đà Nẵng có quy mô diện tích mặt đất và nước vào khoảng 36,6 ha với đầy đủ hệ thống không gian sống và dịch vụ cao cấp như: khu nghỉ dưỡng, vườn hoa, cây xanh, khu giải trí thế giới biển, sân gofl, nhà hàng… Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3.000 tỉ đồng, tiêu chuẩn 5 sao quốc tế, trong đó có 57 căn biệt thự biển.
Từ tháng 7-2017, Tập đoàn Trung Thủy tự ý dựng hàng rào hơn 2 km dọc đường Nguyễn Tất Thành, bao trọn cả làng chài Nam Ô. Công trình hàng rào này được chủ dự án bọc bằng thép lưới và che tôn nên án ngữ cả bờ biển, người dân làng chài từ trong nhà không còn nhìn ra biển được. Theo ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, dự án này đã được phê duyệt nên chủ đầu tư mới cho dựng hàng rào, dù chưa được cấp phép xây dựng.
Đỉnh điểm là vào ngày 21-3, chủ dự án cho rào luôn lối xuống biển, khiến hàng chục người dân làng Nam Ô tập trung phản đối. Bà Nguyễn Thị Ba, người dân làng Nam Ô, cho rằng việc chủ đầu tư rào chắn lối đi xuống biển được địa phương giải thích là tránh nguy hiểm cho người dân cũng như du khách. Nói như vậy chẳng khác nào bao biện, tạo thuận lợi cho chủ đầu tư chiếm thành của riêng. "Họ cũng nói sau khi thi công cắm biển cảnh báo xong sẽ trả lại lối đi cho dân nhưng chúng tôi không tin. Bài học ở nhiều bãi biển vẫn còn đó, dự án được cấp phép là hàng rào mọc lên ngay, nói là để thi công xong mở ra nhưng thi công xong thì bít luôn, chiếm lối đi của dân thành lối vào của resort. Giờ cứ im lặng cho qua, chắc gì họ trả lại lối đi" - bà Ba bày tỏ.
Người dân làng chài Nam Ô cho rằng việc quy hoạch, cấp phép dự án là của chính quyền nhưng chủ đầu tư không được lợi dụng chặn lối ra biển, xâm hại đến quyền lợi của cộng đồng, người dân.
Chính quyền "sửa sai"
Sau khi vấp phải phản ứng của người dân, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã đi thị sát, kiểm tra, yêu cầu địa phương chỉ đạo chủ dự án tháo dỡ hàng rào, trả lại lối đi cho người dân. Ông Nghĩa cũng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Sở Xây dựng TP Đà Nẵng rà soát toàn bộ các bãi biển Đà Nẵng, không để chủ đầu tư lợi dụng triển khai dự án để chiếm trọn phần biển của người dân.
Ngay sau khi có chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, đã ký văn bản gửi Thành ủy và UBND TP Đà Nẵng đề xuất "sửa" lại một số hạng mục trong dự án sinh thái Nam Ô.
Theo đó, UBND quận Liên Chiểu đề xuất đối với dải đất dọc đường Nguyễn Tất Thành nối dài với diện tích khoảng 6.300 m2, đề nghị UBND TP Đà Nẵng thu hồi, cho chủ trương sử dụng để quy hoạch mở rộng nút giao thông và xây dựng cơ sở trưng bày làng nghề nước mắm Nam Ô cùng các sản phẩm của ngư dân. Đối với tuyến đường bê tông hiện hữu rộng 4 m, dài 1,7 km giáp ranh giữa dự án và khu dân cư chỉnh trang (do Tập đoàn Trung Thủy thi công), đề nghị UBND TP quy hoạch mở rộng thành đường rộng 5,5 m có vỉa hè và hệ thống thoát nước để tạo không gian cách ly, hình thành tuyến phố, làm đẹp cảnh quan và tạo cơ hội cho người dân buôn bán, làm dịch vụ, chuyển đổi ngành nghề. Riêng phần diện tích trên mỏm Nam Ô, UBND quận Liên Chiểu đề nghị UBND TP Đà Nẵng phê duyệt với mục đích tôn tạo phục vụ du lịch sinh thái, hạn chế tối đa chặt phá cây rừng nguyên sinh và làm thay đổi hiện trạng vì đây là khu rừng được người dân Nam Ô bảo vệ nguyên vẹn từ nhiều đời nay.
Ngoài ra, ông Đàm Quang Hưng cũng đề nghị UBND TP quy hoạch lối xuống biển tại 2 vị trí là di tích dinh âm hồn và miếu bà Liễu Hạnh, hiện trạng theo thiết kế thoáng kết hợp hàng rào mềm, tránh cảm giác chia cắt không gian cảnh quan chung trong khu vực…
Kỳ tới: Đường của dân thành của resort
Lo làng chài bị xóa sổ Làng Nam Ô nằm dưới chân đèo Hải Vân, bên vịnh Đà Nẵng, thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng là một làng chài truyền thống còn sót lại ở vùng biển Đà Nẵng. Ở đây có biển, rừng, núi và rất nhiều trầm tích còn lại từ xa xưa. Người dân lo ngại nếu để xảy ra tình trạng chủ đầu tư lợi dụng triển khai dự án rồi "chia năm xẻ bảy" bãi biển, chiếm lối đi rồi khai thác luôn cả mặt nước thì chắc chắn cuộc sống sinh hoạt, sinh kế của người dân bị ảnh hưởng, làng chài Nam Ô cũng sẽ bị xóa sổ. |
Tác giả: BÍCH VÂN
Nguồn tin: Báo Người lao động