Vợ chồng bà Dương Thị Thơm (53 tuổi) và ông Nguyễn Đức Thuận (69 tuổi, ở phường Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) thầu nhặt phế liệu tại bãi rác Đông Sơn, rộng chừng 2 ha. Bãi này hình thành từ năm 2001 - là nơi tiếp nhận rác của thị xã có trên 70.000 người.
Nhặt phế liệu ở đây cả chục năm, bà Thơm thuộc hết tên tài xế và biển số của 18 chiếc xe chở rác. Bà biết họ thường đến và đi khỏi đây thời điểm nào trong ngày.
Những lần nhặt được phế liệu có giá trị, bà còn biết nó đổ ra từ xe nào. Hơn 10 năm mưu sinh với nghề thu gom phế liệu, “túi rác” màu cam nhặt được sáng 27/11 khiến người phụ nữ này nhớ mãi.
Bà Dương Thị Thơm. Ảnh: Quang Anh. |
Cặp vợ chồng gom vỏ bao và chai lọ
Bãi rác Đông Sơn nằm lộ thiên, giáp với dãy núi đá vôi, cách trung tâm thị xã Bỉm Sơn gần 10 km. Khu này thưa dân, đường vào gập ghềnh, không đèn điện, quanh năm bụi bặm vì ở sát một nhà máy sản xuất xi măng lớn trong vùng. Xe rác ở Bỉm Sơn không chạy theo giờ ấn định như nhiều thành phố khác, vậy nên phế thải chuyển đến rải rác trong ngày nhưng nhiều nhất vào buổi sáng.
Bà Thơm và ông Thuận thường làm việc từ 5h và nghỉ khi đã quá trưa. Ngoài đi thu gom ở bãi Đông Sơn, họ có một cửa hàng mua phế liệu ở gần chợ Ruồi, phường Lam Sơn - cách khu tập kết rác 7 km.
Ở bãi rác, vợ chồng bà Thơm chủ yếu gom nhặt vỏ bao bì xi măng và chai lọ. Làm từ sáng đến trưa, số bao bì họ gom được, xếp chồng lên nhau cũng cao quá đầu người.
Ở bãi rác rộng 2 ha này, thường chỉ có vợ chồng họ và xe rác.
Chiếc gầu máy xúc bị vỡ vòng bi
Sáng sớm 27/11, bà Thơm cùng chồng đến nơi làm việc. Hôm ấy, họ cũng thoáng nghe dân trong vùng loan tin về một vụ bắt cóc trẻ em 20 ngày tuổi, ở khu 1, phường Bắc Sơn - cách bãi rác Đông Sơn chừng 10 km.
9h, bà Thơm thấy ôtô chở rác do tài xế tên Văn cầm lái đi tới. Đây là chiếc xe thứ ba đến bãi trong ngày.
Xe tiến chậm lên núi rác cao vài chục mét, rồi nâng thùng, ở vị trí mà bà Thơm đã chờ sẵn. Xe rác rời đi thì đến lượt máy xúc làm việc. Chiếc máy này có nhiệm vụ san ủi rác tại bãi cho phẳng, trước khi bà Thơm được bắt đầu công việc. Khâu san ủi thường mất 10-15 phút.
Chiếc gầu máy xúc múc lần một, lần hai, tới lần ba thì bị vỡ vòng bi, phải ngừng hoạt động.
Vỏ bao màu cam bà Thơm nhặt được có ghi chữ “Thuận”, kèm số điện thoại. Ảnh: Quang Anh. |
Trong đống rác vừa trút ra, bà Thơm tiến đến nhặt một bao tải màu cam. Cầm bên ngoài vỏ bao, người phụ nữ 53 tuổi đoán ở trong đựng xác động vật nên bỏ và đi ra chỗ khác.
Sau đó, bà Thơm linh tính có gì đó bất thường nên vòng lại chỗ mình vừa thả chiếc bao. Bà tháo dây buộc và dốc ra thì thấy thi thể một bé gái sơ sinh còn hồng hào, được quấn trong chăn hồng.
"Cháu nặng khoảng 3 kg, còn mang bao tay, tất chân, bỉm trên người. Ngoài vỏ bao bì màu cam có ghi chữ “Thuận”, kèm số điện thoại bị mờ vài số", bà Thơm nhớ lại. Lúc đó, bà nói với chồng: "Ông ơi lại đây, sao có xác một đứa trẻ. Ông đi báo bảo vệ đi".
Phản ứng đầu tiên của người phụ nữ nhặt rác là ngay lập tức tìm một chiếc chiếu, rải nó ở nơi khô thoáng và bế xác đứa trẻ đặt lên. Rồi bà gấp nửa chiếu, phủ lên trên người đứa trẻ. Vừa làm, người phụ nữ này vừa lẩm bẩm: “Bà bế cháu ra đây nằm. Cho con ruồi con muỗi khỏi bâu, khỏi đốt cháu nhé”.
30 phút sau thì công an tới. Họ đối chiếu hình ảnh bé gái 20 ngày tuổi trong nghi án bắt cóc xảy ra hai ngày trước. Rồi họ thông báo với mọi người rằng, thi thể mà bà Thơm vừa tìm thấy chính là đứa trẻ mất tích mà công an đang truy tìm.
Người phụ nữ tốt bụng giúp công an bế cháu bé ra khỏi khu chứa rác, đặt ở bãi đá bằng phẳng, cạnh đường.
Chồng bà Thơm. Ảnh: Quang Anh. |
Ám ảnh
Ngày làm việc của vợ chồng bà Thơm kết thúc luôn lúc đó. Cặp vợ chồng liên tục phải trả lời nhiều câu hỏi của cơ quan công an để phục vụ việc điều tra.
14h, thi thể đứa trẻ được đưa đi khỏi hiện trường.
Trên đường trở về nhà, bà Thơm được nhiều người vây quanh. Họ kể về vụ án, khiến bà ám ảnh khi biết rằng đứa trẻ mình vừa tìm thấy có thể đã bị giết. Tối đó, hàng xóm khắp nơi đến nhà vợ chồng họ hỏi chuyện. Người phụ nữ nhặt ve chai không nhớ mình phải thuật lại câu chuyện buồn này cho bao nhiêu người. Bà chỉ cảm nhận nhiều đến mức khản cả giọng.
Tối đó mà bà Thơm mất ngủ. Bà ám ảnh nên ngày hôm sau quyết định nghỉ làm.
Từ hôm ấy, bà quan tâm hơn tới thông tin về vụ việc. Bà chủ động hỏi chuyện nhiều người về kết quả điều tra.
“Tôi là một người bà, rất xót xa khi biết chuyện. Mỗi đứa trẻ sinh ra như một món quà ban tặng cho các gia đình. Không hiểu sao người ta không quý cháu mà hại nó như thế. Tôi mong công an bắt được tội phạm, dù là bà nội cũng phải trừng trị đến nơi đến chốn”, người phụ nữ nhặt ve chai chia sẻ.
Sáng 29/11, bà Thơm đi làm trở lại. Chốc chốc lại có người đến tìm hỏi chuyện. Công an, nhà báo, hay người quen… bà đều gặp và nói cả. Bà chỉ vào đồng rác phía xa xa rồi bảo: “Vì cháu mà bà không đi làm được, bà phát ốm, phát đau. Nhưng bà nghĩ đó là việc làm có đức".
Manh mối quan trọng
Chiều 27/11, thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự (Bộ Công an), đã về Thanh Hóa để cùng chỉ đạo phá án sau khi thi thể bé gái 20 ngày tuổi được phát hiện tại bãi rác.
Một nguồn tin có trách nhiệm đánh giá, việc người phụ nữ nhặt rác tên Dương Thị Thơm tìm thấy bé gái là bước ngoặt quan trọng để cảnh sát chuyển hướng điều tra, lần ra nghi phạm gây án. "Bao tải ấy giống nhiều bao tải rác khác được ôtô gom đến. Định không mở ra nhưng sau nhiều lần đi qua đi lại, người nhặt rác linh tính có điều gì đó nên quyết định kiểm tra", một cán bộ địa phương kể.
Chiếc bao tải đựng thi thể nạn nhân có ghi số điện thoại và tên bố bé gái trở thành manh mối quan trọng giúp công an khoanh vùng hung thủ. Đánh giá các dấu vết tại hiện trường và những mâu thuẫn trong lời khai của bà Xuân, cơ quan điều tra nhận định nghi phạm là người thân trong gia đình.
Nghi phạm Phạm Thị Xuân. Ảnh: B.C. |
Tác giả: Nhóm phóng viên
Nguồn tin: Báo Zing