Kinh tế

Bà chủ 8X Vũ Thị Hoan thâu tóm quyền thu phí cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình như thế nào?

Bà Vũ Thị Hoan với vai trò là Giám đốc công ty Yên Khánh “thâu tóm” quyền thu phí cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình theo hình thức “xin – cho” được phép thu phí 1 năm nhưng đã thu phí tới 5 năm.

Cơ quan điều tra Hình sự bộ Quốc phòng đã khởi tố vụ án số 04/QĐ-KTV về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai theo Điều 229, Bộ luật Hình sự năm 2015, lệnh bắt tạm giam bị can: Đại tá Trần Trọng Tuấn, Phó Giám đốc công ty Hải Thành (thuộc Quân chủng Hải quân) và Vũ Thị Hoan, nguyên Giám đốc công ty TNHH Yên Khánh (Yên Khánh), Giám đốc công ty Cổ phần Yên Khánh - Hải Thành.

Đáng chú ý nhất, trong số các bị can vừa bị khởi tố, bắt tạm giam thì bà Vũ Thị Hoan, nguyên Giám đốc công ty Yên Khánh cũng chính là nhân vật đặc biệt thâu tóm quyền thu phí cao tốc dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình từ tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) gây ra hàng loạt sai phạm, thất thoát phí trong thời gian vừa qua.

Cơ chế xin – cho?

Theo tài liệu PV Người Đưa Tin có được, vào năm 2012, để thâu tóm quyền thu phí dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, bà Vũ Thị Hoan (thời điểm làm Giám đốc công ty TNHH Yên Khánh) đã ký văn bản số 84/2012/CV-ĐB gửi tới bộ GTVT đề xuất tổ chức thuê dịch vụ quản lý thu phí đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Văn bản do bà Vũ Thị Hoan ký.

Điều khiến dư luận quan tâm chính là việc thu phí cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình lại không thông qua hình thức đấu thầu công khai, có dấu hiệu “chỉ định thầu theo cơ chế xin – cho”?

Minh chứng rõ ràng nhất, thể hiện rõ khi chỉ 1 tuần sau khi công ty Yên Khánh đề xuất, ông Nguyễn Hồng Trường (thời điểm còn đương nhiệm Thứ trưởng bộ GTVT) đã ký văn bản số 5429/BGTVT-TC đề nghị VEC trực tiếp đàm phán với nhà đầu tư để xử lý theo đúng thẩm quyền.

Sau khi được bộ GTVT “bật đèn xanh”, bà Hoan với vai trò là Giám đốc công ty Yên Khánh tiếp tục ký văn bản số 106/CV-YK gửi VEC đề xuất công tác tổ chức thu phí đường bộ dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, xin tiếp cận dịch vụ quản lý thu phí trong vòng 12 tháng nhằm xác định doanh thu làm cơ sở xác định giá bán quyền thu phí của dự án.

Ngày 11/9/2012, VEC ra văn bản số 2389/VEC-KHĐT yêu cầu công ty Yên Khánh lập phương án chính thức về việc tổ chức thu phí, đề xuất biện pháp xử lý về tài sản, nhân sự phục vụ cho công tác thu phí mà VEC đã đầu tư, mức phí dịch vụ, phương thức thanh toán, mối quan hệ giữa VEC, VEC O&M...

Căn cứ vào các nội dung nêu trên và yêu cầu của VEC, công ty Yên Khánh lập phương án chính thức, đề xuất công tác tổ chức thu phí đường bộ dự án đường cao tốc đoạn Pháp Vân – Cầu Giẽ và các công tác liên quan kèm theo để VEC xem xét, quyết định cho doanh nghiệp này quản lý thu phí dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Văn bản do nguyên Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường ký.

Trung tuần tháng 10/2012, ông Mai Tuấn Anh, hiện là Chủ tịch HĐTV VEC (khi đó là Tổng giám đốc VEC), đã ký văn bản số 2792 gửi bộ GTVT xin chủ trương ký hợp đồng về dịch vụ thu phí dự án Xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cho công ty Yên Khánh. Đây là đối tác thực hiện với công ty Thái Sơn của ông Đinh Ngọc Hệ rất nhiều dự án BT, BOT.

Đáng chú ý, trước khi có chủ trương từ bộ GTVT, VEC đã giao cho công ty VEC O&M (công ty Vận hành và bảo trì đường cao tốc Việt Nam) hợp tác với công ty Đại Dương thu phí 4 trạm (Đại Xuyên, Vực Vòng, Liêm Tuyền và Cao Bồ). Văn bản do ông Mai Tuấn Anh ký cũng khẳng định: "Cho đến nay (thời điểm ngày 19/10/2012 - PV), công tác quản lý khai thác cơ bản đáp ứng được yêu cầu".

Ký hợp đồng 1 năm, thu phí 5 năm

Theo đề xuất của công ty Yên Khánh, doanh nghiệp này sẽ tiếp nhận và tổ chức thu phí tại 4 trạm kể trên, bao gồm cả công tác hậu kiểm. Ngoài ra, công ty Yên Khánh sẽ tiếp nhận nguyên trạng toàn bộ tài sản và toàn bộ lao động phục vụ công tác thu phí của VEC O&M trước đó.

“VEC kiến nghị bộ GTVT chấp thuận chủ trương cho phép VEC ký hợp đồng với công ty Yên Khánh thực hiện dịch vụ thu phí đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình trong 1 năm”, văn bản của VEC do ông Mai Tuấn Anh ký khẳng định.

Nói thêm về công ty Yên Khánh, mối “lương duyên” của doanh nghiệp này với công ty Thái Sơn của ông Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc") thì không khó để nhận thấy trong giới đầu tư, đặc biệt là những cái bắt tay tại hàng loạt dự án BT và BOT.

Có thể nhắc đến một vài dự án như dự án Đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo QL20, đoạn Km 123 + 105 – Km 268 thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng, được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT và BT. Chủ đầu tư dự án là liên danh: Tổng công ty 319 – Bộ Quốc phòng, công ty Thái Sơn và công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh. Hay dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì mới (cầu Hạc Trì) do Liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1)- công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh - công ty Thái Sơn làm chủ đầu tư. Trong đó, Cienco1 nắm giữ 20% vốn (53 tỷ đồng), Yên Khánh 40% (106 tỷ đồng) và Thái Sơn 40% (106 tỷ đồng).

Trong quá trình thu phí tại cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, công ty Yên Khánh đã bộc lộ quá nhiều tồn tại, bất cập. Nổi cộm nhất là hợp đồng được quyền thu phí 1 năm nhưng doanh nghiệp "ngang nhiên" thực hiện thu phí tới 5 năm, quá thời hạn cho phép 4 năm mà không có cơ quan chức năng nào vào cuộc.

Tại kết luận số 3770/VEC – VECM ngày 21/11/2017, Tổng giám đốc VEC Trần Văn Tám đã kiến nghị với HĐTV VEC chấm dứt hợp đồng thu phí cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với công ty Yên Khánh kể từ 0h ngày 1/1/2018. Cùng với đó, ký hợp đồng với công ty CP vận hành bảo trì đường cao tốc (VEC O&M – một công ty con của VEC) cho đến khi đấu thầu thành công dịch vụ thu phí tuyến đường này.

Kết luận này còn nêu rõ: “Từ 1/1/2016 đến ngày 31/10/2017, đã phát hiện 636 lỗi chủ yếu là phân loại xe sai đầu vào, bán sai mệnh giá vé đầu ra... Đặc biệt, ngày 19/4/2017, VEC đã lập tổ kiểm tra, phát hiện hình ảnh tiêu cực trong công tác thu phí". Qua đó, VEC đã buộc chấm dứt hợp đồng với công ty Yên Khánh.

Những bất cập trong thu phí của Yên Khánh tiềm ẩn nguy cơ thất thoát vé, thẻ. Hơn nữa, hệ thống thu phí hư hỏng, xuống cấp trầm trọng... nên việc kiểm soát thu phí gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù, VEC đã chấm dứt hợp đồng với công ty Yên Khánh vào ngày 22/11/2017, tuy nhiên những điểm khuất tất khi công ty Yên Khánh được “bật đèn xanh” thu phí trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đến nay vẫn chưa được làm rõ. Những sai phạm nghiêm trọng tại VEC trong hàng loạt các quyết định chỉ định thầu trái luật tại VEC vẫn chưa được cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ. Liệu có việc bao che cho những sai phạm tại VEC?

Tác giả: Bùi Thế Anh

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP