Sa thải HLV Wenger là điều cần thiết
Chỉ trong vòng vài ngày, Arsenal đã hứng chịu hai thảm bại trước Man City. Chẳng có gì để nói về hai thất bại ấy bởi Man City đã hơn hẳn Arseanl về mọi mặt. Họ đã dậy cho Arsenal bài học về… đẳng cấp.
Arsenal đuối hơn hẳn về đẳng cấp so với Man City |
Thực tế, không phải Arsenal buông tay chịu trói trước Man City. Đặc biệt, ở trận đấu giữa tuần qua trong khuôn khổ Premier League, Arsenal từng có thời điểm bùng nổ (trước khi Bernardo Silva mở tỷ số), khiến Man “xanh” gặp khó nhưng rồi, họ vẫn… thảm bại chóng vánh.
Thực tế, sự vượt trội của Man City về “đẳng cấp” được thể hiện qua việc họ dẫn dắt… thế trận. Dù ở trong thời điểm nào, Man “xanh” vẫn biết cách điều khiển cảm hứng của Arsenal và “dẫn dắt” họ theo ý mình.
Vấn đề này không phải là chuyện ngày một ngày hai, mà nó diễn ra trong nhiều năm qua. Việc Arsenal không biết cách điều khiển cảm xúc và thể hiện bản lĩnh đúng chỗ, khiến họ chưa bao giờ vươn tới thành công.
Alan Shearer đã ví lối chơi của Arsenal như những đứa trẻ U10, để nói về việc họ quá dễ bị đối thủ dẫn dắt.
Bởi lẽ đó, nhiều chuyên gia cho rằng, Arsenal cần sự thay đổi trên băng ghế huấn luyện để có “chất thép” hơn. Họ cần HLV có cá tính mạnh, thay vì một người chỉ biết cúi đầu nếm trải thất bại trên băng ghế huấn luyện.
Thực tế, việc sa thải HLV Wenger đã là điều tất yếu. Trong bóng đá hiện tại, việc CLB giữ HLV không thành công trong nhiều năm là của hiếm. Hơn nữa, “Giáo sư” còn để tình trạng lặp lại trong nhiều năm.
Những CĐV Arsenal đã “chán” tới mức không thèm chỉ trích, la ó HLV Wenger, thay vào đó, họ đang quay lưng với CLB. Việc khán đài Emirates “trống vắng” ở trận đấu với Man City như sự phản đối ở mức độ cao nhất.
Dễ rơi vào tình cảnh của MU
Vấn đề của MU thời “hậu Sir Alex” chính là thiếu định hướng. Họ vung nhiều tiền mua sắm nhưng không có kế hoạch. Sau thời Van Gaal (vốn chi rất nhiều tiền), MU lại “đập đi xây lại” dưới thời Mourinho.
Dù phải làm lại từ con số 0 nhưng Arsenal vẫn cần thay HLV Wenger |
Điều đó bởi khi còn tại nhiệm, Sir Alex đã “ôm đồm” quá nhiều việc. Ông không chỉ là người định hướng chiến thuật mà còn trực tiếp xây dựng kế hoạch phát triển cũng như tuyển người của CLB. Do đó, sau khi Sir Alex nghỉ hưu, MU không có nhà quản lý đủ tài để hướng CLB vào con đường đi thống nhất cảu CLB.
Nếu HLV Wenger ra đi, Arsenal có thể rơi vào tình cảnh tương tự, khi HLV Wenger cũng làm mọi việc dưới vai trò người quản lý trong những năm qua. Do đó, một HLV mới chưa chắc có thể sớm hướng CLB vào ổn định.
Dù đau, Arsenal vẫn cần thay đổi. Bởi sớm muộn, HLV Wenger cũng nghỉ hưu. Do đó, họ có thể đối mặt với thực tế ấy bất kỳ lúc nào. Trên tờ Sky Sports, cựu HLV Gordon Strachan cho rằng Arsenal cần 10 năm để trở lại với đỉnh cao (kể cả khi HLV Wenger có tại vị hay không). Đội bóng cần xây dựng “cái móng”, để vươn tầm trở lại. Điều này từng xảy ra với Liverpool và MU.
Vấn đề ở chỗ, Arsenal sớm tìm ra Giám đốc thể thao có khả năng định hướng đội bóng. Đây là xu thế của bóng đá hiện đại. Chelsea hay Man City dù thay HLV liên tục nhưng chưa bao giờ tụt lại bởi họ được định hướng trên thượng tầng. Trong những năm qua, họ cũng thay nhau vô địch Premier League (ngoại trừ một năm đột biến của Leicester City).
Thực tế, Arsenal cũng có sự chuẩn bị thời “hậu Wenger” khi Giám đốc điều hành Ivan Gazidis đã chiêu mộ hàng loạt vị trí quan trọng như Sven Mslintat (trưởng bộ phận tuyển dụng), Huss Fahmy (chuyên gia pháp lý vào thương mại), Raul Sanllehi (giám đốc bóng đá). Họ đang muốn giảm dần quyền lực của HLV Wenger.
Tuy nhiên, đó chỉ là những viên gạch đầu tiên. Để phát triển CLB ổn định trong tương lai cần quá trình dày hơi.
Dù thế nào, Arsenal vẫn cần bắt đầu từ con số 0. Còn hiện tại, sự níu kéo (HLV Wenger) chỉ càng khiến CLB đau hơn.
Tác giả: H.Long
Nguồn tin: Báo Dân trí