Có lẽ trong số các “công ty gia đình trị” tại Việt Nam, Tập đoàn Nam Cường – một “đại gia” bất động sản có “máu mặt” là trường hợp bị chi phối nhiều nhất bởi yếu tố “gia đình”.
Năm 2010, sau khi chồng là ông Trần Văn Cường qua đời, bà Lê Thị Thúy Ngà đã chính thức tiếp quản vị trí Chủ tịch HĐQT, cùng các con của mình chèo lái và phát triển Tập đoàn Nam Cường.
Trần Thị Quỳnh Ngọc trở thành Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Cường khi mới ở tuổi 20. |
Bà Ngà nắm giữ những vị trí quyền lực nhất, đồng thời cũng sở hữu gần như toàn bộ cổ phần của tập đoàn, mọi quyền hành đều nằm trong tay. Trong khi đó, vị trí quyền lực thứ 2 tại Nam Cường thuộc về ái nữ Trần Thị Quỳnh Ngọc (con gái duy nhất của ông Cường và bà Ngà), hiện đang nắm giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT.
Được biết, Trần Thị Quỳnh Ngọc trở thành Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Cường khi mới ở tuổi 20.
Là “ái nữ” của một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản, song thông tin về bà Trần Thị Quỳnh Ngọc khá ít. Chỉ biết rằng, “ái nữ” của Tập đoàn Nam Cường có 8 năm tu nghiệp tại Anh ngành Địa lý Kinh tế.
Đầu năm 2013, với vai trò là trưởng ban biên tập, Trần Thị Quỳnh Ngọc và đội ngũ cán bộ, nhân viên của Nam Cường đã cùng nhau cho ra mắt tập san nội bộ của doanh nghiệp này mang tên Nam Cường Túy.
Đám cưới giản dị theo nghi lễ Phật giáo của ái nữ chủ tịch Tập đoàn Nam Cường. |
Năm 2014, bà Trần Thị Quỳnh Ngọc được biết đến là Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Cường sở hữu 11,11% cổ phần - có giá trị xấp xỉ 500 tỷ đồng.
Sau khi bà Quỳnh Ngọc kết hôn, Tập đoàn Nam Cường đã có nhiều biến động về việc thay đổi cổ đông, tỉ lệ sở hữu vốn điều lệ.
Ngày 22/11/2016, vốn điều lệ của Nam Cường giảm một nửa từ 4.500 tỷ đồng xuống 2.250 tỷ đồng. Trong đó vốn góp của bà Ngọc giảm từ 499,95 tỷ đồng xuống còn 67,5 tỷ đồng. Về phần mình, mặc dù vốn góp cũng được điều chỉnh từ 3.998,7 tỷ đồng về 2.115 tỷ đồng, song tỷ lệ sở hữu của bà Ngà lại tăng từ 88,86% lên 94%. Đồng thời, cổ đông Trần Oanh thoái hết vốn tại Nam Cường.
Chưa đầy một tháng sau, ngày 14/12/2016, vốn điều lệ của Nam Cường lại được điều chỉnh về mức cũ (4.500 tỷ đồng). Trong đó, “ái nữ” của Tập đoàn Nam Cường chỉ sở hữu 3% cổ phần – tương ứng 135 tỷ đồng.
Hồi năm 2014, những hình ảnh đám cưới giản dị theo nghi lễ Phật giáo của ái nữ cố Chủ tịch Tập đoàn Nam Cường – Trần Thị Quỳnh Ngọc mới rò rỉ đang thu hút sự chú ý đặc biệt. Và những hình ảnh hiếm hoi của chú rể lịch lãm cũng xuất hiện càng gây được nhiều sự tò mò.
|
Được biết chồng của ái nữ tập đoàn Nam Cường là Nguyễn Đức Thiện, con trai của một cựu cán bộ ngành giao thông vận tải. Tuy nhiên, đây chỉ là thông tin hiếm hoi được tiết lộ, còn mọi thông tin khác cụ thể đều chưa được công bố. Một số hình ảnh đám cưới của cặp đôi theo nghi lễ Phật giáo được tổ chức tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) cho thấy, chú rể có vẻ ngoài khá lịch lãm và phong độ.
Tập đoàn Nam Cường được biết đến là một “ông lớn” trên thị trường BĐS. Trong thời điểm năm 2010, Tập đoàn Nam Cường đầu tư hàng loạt dự án lớn với quỹ đất khổng lồ với hàng loạt dự án đình đám. Tuy nhiên, những năm gần đây tên tuổi của Nam Cường gần như “chìm” xuống bởi sự vươn lên của nhiều “ông lớn” BĐS đình đám như: Vingroup, Sun Group, FLC…
Chỉ tính riêng Hà Nội, Tập đoàn này là chủ đầu tư của 6 dự án KĐT lớn với tổng diện tích lên tới vài nghìn ha: Dự án KĐT mới Dương Nội (Hà Đông), Dự án KĐT Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm), KĐT mới Phùng Khoang (Nam Từ Liêm), Dự án KĐT mới Thạch Phúc (huyện Thạch Thất và Phúc Thọ), Dự án KĐT Quốc Oai (huyện Quốc Oai); KĐT Thạch Thất, KĐT sinh thái Chương Mỹ (Chương Mỹ).
Vào năm 2016, truyền thông báo chí đã đưa tin về việc, tại khu đô thị (KĐT) mới Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) xuất hiện một căn biệt thự “khủng” được cho là của bà Lê Thị Thúy Ngà, Chủ tịch Tập đoàn Nam Cường đang trong quá trình hoàn thiện nhưng có nhiều dấu hiệu “mập mờ” trong việc xây dựng khi cơ quan chức năng chưa thể “tiếp cận” các thủ tục pháp lý.
Căn biệt thự được xây dựng hoành tráng trên lô đất có diện tích 4.875m2, xung quanh được bao bọc bởi 1 lớp tường thành cao khoảng hơn 2 m.
Theo quy hoạch, lô đất này có diện tích xây dựng là 2.925 m2, mật độ xây dựng 60%. Căn biệt thự được xây làm 3 tầng, tổng diện tích sàn lên tới 8.775 m2. Bên cạnh đó, căn biệt thự này được thiết kế một cách rất khác lạ so với các căn biệt thự thấp tầng khác trong KĐT mới Dương Nội.
Theo tìm hiểu, căn biệt thự của đơn vị được khởi công xây dựng từ trước năm 2013, thời điểm này không phải xin giấy phép xây dựng. Do đó, việc xây dựng như thế nào, thiết kế chi tiết ra sao đối với những dự án như thế này thì chủ đầu tư được quyền tự quyết, miễn sao bảo đảm diện tích xây dựng, mật độ, hệ số sử dụng đất.
Tác giả: Lê Lan (Tổng hợp)
Nguồn tin: Tạp chí Người Đưa Tin