Theo bố mẹ sang Australia từ lúc 17 tuổi trong tình cảnh khó khăn, phải đi làm đủ các việc nặng nhọc... Sau 11 năm, anh Peter Nguyễn đã có nhà cho thuê và hiện vừa kinh doanh vừa theo học y khoa tại Đại học Melbourne. Bài viết dưới đây là chia sẻ của anh về chặng đường mưu sinh đầy chông gai, tủi hờn và những nỗ lực để có được thành công bước đầu nơi xứ người.
Năm 2006, nghe người quen và bên môi giới tỉ tê ra nước ngoài làm để con cái có cơ hội học tập và cuộc sống tốt hơn, cha mẹ tôi nghỉ việc, bán nhà ở TP HCM sang Australia theo diện xuất khẩu lao động. Đang học cấp 3 trường Lê Hồng Phong, tôi cũng nghỉ, đi theo ba mẹ.
Cuộc sống khởi đầu nơi xứ người khiến cả gia đình tôi hỗn loạn. Theo visa được cấp, ba mẹ tôi chỉ được làm thuê 4 ngày mỗi tuần cho chủ là người Australia gốc Việt. Bố mẹ tôi bị chửi mắng, khinh miệt, nhận tiền công rẻ mạt nên phải rút dần khoản tiền tiết kiệm để sống qua ngày. Họ cãi nhau triền miên vì sốc, tuyệt vọng. Quay về nước không được mà ở lại cũng chẳng xong, tiền vẫn phải đóng tiếp cho bên môi giới, nếu không thì bị cắt visa và bị đuổi về nước. Nhiều lần, gia đình tôi bàn đến giải pháp phải chia ly, mỗi người trốn đi một nơi, đến làm ở chỗ khác, kiếm được bao nhiêu thì kiếm, nếu bị chính phủ bắt được thì về nước, có may mắn sẽ đoàn tụ sau này, không đành chịu.
Ảnh minh họa: Dissolve. |
Thời điểm đó, vừa là cậu nhóc khờ khạo lần đầu bước ra khỏi Sài Gòn, tôi đã bất đắc dĩ bị đặt vào vị trí người dẫn dắt gia đình bởi cha mẹ chẳng hề biết chữ tiếng Anh nào, chuyên môn không được công nhận ở đây. Triền miên phải nghĩ xem mình nên làm gì để có thể kiếm tiền và bảo vệ gia đình, tôi biết mình chỉ có hai lựa chọn: Cố sống và vươn lên hoặc cả đời khổ sở, bị chà đạp.
Tôi biết bố mẹ mình đã bị lừa đi, nhưng về sau tôi thầm cảm ơn vì ít nhất những kẻ đó đã đưa gia đình tôi sang đây, cho tôi một cơ hội để thấy thế giới bên ngoài và vượt lên chính mình.
Thời điểm ấy, vì đi theo bố mẹ khi dưới 18 tuổi, tôi được nhận vào trường học nhưng phải đóng tiền chứ không được miễn phí như người bản xứ. Tôi được học tiếng Anh hai năm và sau đó vào cấp 3 ở Melbourne và phải học lại từ lớp 10. Ngoài giờ học, tôi đi làm thêm để kiếm tiền. Công việc đầu tiên là đi khuân vác, tiền công 4 đôla Australia một ngày (khoảng hơn 70.000 đồng). Khi có chút vốn tiếng Anh, tôi xin đi bán hàng cho người Việt, mỗi ngày được trả 6 đôla (khoảng 100.000 đồng). Việc gì có người thuê tôi cũng làm thêm, dù lương thấp, từ dọn toilet, dọn phòng, lái xe, chuyển đồ... Nhiều ngày, gia đình 3 người chúng tôi phải nhịn đói vì không còn một xu. Có thời điểm khó khăn quá, tôi phải xin bảo lưu kết quả học tập để đi làm toàn thời gian.
7 năm đầu tiên cay đắng nhất rồi cũng dần qua. Gia đình tôi đã được phép định cư. Tích cóp được chút vốn, tôi quyết định mở một tiệm ăn nhanh lưu động vào năm 2012. Tôi chọn cách này vì nó không đòi hỏi bằng cấp gì, chỉ cần qua một khóa đào tạo ngắn hạn. Bản thân từng làm phụ bếp, rửa bát, chạy bàn... tôi ít nhiều có kinh nghiệm về lĩnh vực này và chứng kiến không ít người đã làm nên từ tiệm nhỏ.
Khi tiệm ăn hoạt động tốt, tôi mở thêm cửa hàng làm móng, một tiệm làm tóc và tiến tới là một văn phòng làm giấy tờ mua bán nhà đất. Lợi nhuận thu được, tôi đã mua được hai ngôi nhà, một nơi cả gia đình đang sống và hai ngôi khác đang cho thuê. Ba mẹ tôi giờ đứng ra phụ tôi quản lý các cửa hàng. Khi có tiền, tôi đi học lại và hiện học năm thứ 4 y khoa tại Đại học Melbourne.
Tôi cũng đã suy nghĩ nhiều trước khi chọn ngành này. Tôi nhận ra rằng, kinh doanh là mua hàng của người này bán lại cho người khác hay cung cấp dịch vụ, có thể kiếm được tiền và có cuộc sống ổn định lâu dài. Nhưng muốn bảo vệ bản thân, gia đình và sau này giúp được cho quê hương thì cần phải biết nhiều hơn nữa. Tôi nhận ra ở Australia, những ông chủ lớn đều học các ngành khoa học kỹ thuật và luật pháp. Tôi quyết định học Y khoa và tự bồi dưỡng kiến thức về luật, tài chính.
Ngay từ lúc đi làm thuê, dù là công việc gì, tôi luôn đặt câu hỏi "làm cách nào họ (người chủ) có thể xây dựng cơ sở kinh doanh và kiếm được khách hàng? Nếu mình là họ thì mình sẽ phải làm gì để cơ sở đó phát triển hơn? Tôi luôn mang bên mình một cuốn sổ để có thể ghi ghép lại những việc cần lưu ý, những thứ mình cần làm tốt hơn hay những câu mình không nên nói ra. Tôi cũng xem xét và suy nghĩ nếu như trường hợp đó xảy ra một lần nữa thì mình phải làm thế nào. Bất cứ khi nào rảnh, tôi lại kiếm sách về kinh doanh, tâm lý, kỹ năng giao tiếp, tài chính, nhà đất, đầu tư... để nghiền ngẫm.
Từ khi làm chủ, tôi càng học hỏi nhiều hơn từ chính những khách hàng của mình. Tôi đã tiếp xúc với đủ hạng người, từ giám đốc công sở, nhân viên chính phủ, công nhân, người trộm cắp, gái bán hoa... Họ tới với mình thì họ là khách hàng, tôi chỉ tập trung để làm tốt công việc. Có khách là những gia đình đã ở Australia 3 đời, nhiều khách là di dân từ Hy Lạp, Italy, Pháp, Mỹ, Anh... từ những năm 1975. Tôi đọc báo, tìm hiểu chính trị, tìm hiểu xã hội và nói chuyện với khách để hiểu thêm về thế giới này, về cách họ kiếm tiền và về cách họ đầu tư. Càng tiếp xúc tôi càng thấy mỗi người đều có điểm giỏi và đáng cho mình học hỏi.
Họ có tiền nhưng có thể vẫn ở trong ngôi nhà một tầng, đi chiếc xe đã chạy 10 năm, mặc bộ đồ giản dị. Đồ dùng trong nhà họ cũng bình thường, cái bếp đã được xây 20 năm, bộ salon đã dùng 10 năm hay chiếc TV 6 năm không cần đổi. Thế nhưng người nào cũng có 5-6 căn nhà cho thuê, năm nào họ cũng đi du lịch nước ngoài hay về thăm quê hương ít nhất một tháng. Thi thoảng, họ cũng mặc thật đẹp và vào nhà hàng sang trọng ăn tối với giá 200 đôla cho hai người (khoảng hơn 3,5 triệu đồng), trong khi bữa ăn bình thường chỉ khoảng 50 đôla (gần 900.000 đồng).
Chính những người khách này đã dạy cho tôi không được bỏ cuộc khi có những lúc công việc kinh doanh gặp khó khăn. Dân ở Australia đa phần là những người từng bỏ xứ mà đi để tìm cuộc sống tốt hơn. Họ qua nước này với một chiếc vali chứa vài bộ quần áo, có khi không hề biết chữ tiếng Anh nào. Họ cũng như tôi, bắt đầu bằng con số không. Nhưng tôi vẫn còn đôi bàn tay, đôi chân, trí óc nên vẫn sẽ còn làm nên sự nghiệp. Không biết thì học, không ai chỉ thì tự kiếm sách mà đọc, ngày ăn ít lại, đêm ngủ ít hơn cũng không chết. Những năm tháng cực khổ và những người khách tới tiệm đã dạy tôi về quy luật đồng tiền, về sự biết ơn và quý trọng với những gì mình đang có, về giá trị của gia đình và xã hội.
Mỗi sáng thức dậy tôi luôn tự bảo bản thân, để có được ngày hôm nay là biết bao nhiêu mồ hôi và nước mắt nên mình phải biết quý trọng, nâng niu những gì đang có, ráng giữ sức khỏe, tập thể dục, không hút thuốc hay rượu bia, ráng làm việc chăm chỉ một chút là có thể bảo đảm cuộc sống ấm no cho cha mẹ và sau này là cho vợ con.
Tôi hy vọng một ngày mình sẽ có đủ tài năng và tiền vốn để quay về giúp đỡ xây dựng đất nước. Còn bây giờ, tôi chỉ biết im lặng, làm việc để dành rồi đầu tư sinh lời và cố gắng đi học thật tốt.
Tác giả: Peter Nguyễn
Nguồn tin: Báo VnExpress